Vụ ly hôn tốn kém nhất lịch sử Hàn Quốc: Chủ tịch SK 'lật ngược thế cờ', tố tòa án 'bóp méo' 100 lần tài sản
Đại diện pháp lý của Chủ tịch SK cho hay tài sản chung của cặp vợ chồng, gồm cả phần đóng góp của bà Roh vào sự phát triển của công ty, được tính toán quá cao.
Vụ ly hôn trị giá hàng tỷ USD giữa Chủ tịch Tập đoàn SK  Chey Tae-won và vợ ông, Roh Soh-yeong, đã bước sang một giai đoạn mới, khi tòa phúc thẩm đã sửa chữa một sai sót hiếm hoi trong phán quyết của họ vào tuần này theo yêu cầu của Chey, Yonhap đưa tin.
Ông Chey, người đã bị Tòa án cấp cao Seoul yêu cầu phải trả 1,38 nghìn tỷ won (1 tỷ USD) tiền phân chia tài sản cho bà Roh vào tháng trước, đã tổ chức một cuộc họp báo hôm thứ Hai (17/6) để nói rằng tòa án đã thổi phồng một cách nhầm lẫn sự đóng góp của ông cho sự phát triển của SK C&C, từng là công ty mẹ của tập đoàn SK và hiện không còn hoạt động.
Ông Chey cho biết tòa phúc thẩm đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi định giá một cổ phiếu của Daehan Telecom, tiền thân của SK C&C, ở mức 100 won, thay vì con số chính xác là 1.000 won như năm 1998, thời điểm cha ông, cố Chủ tịch SK Chey Jong-hyun qua đời và ông Chey lên nắm quyền điều hành tập đoàn.
Do sai sót trong tính toán, tòa án đã đánh giá thấp sự đóng góp của vị cố Chủ tịch trong việc hình thành giá trị của SK C&C và phóng đại đóng góp của ông Chey lên hơn 10 lần, dẫn đến "sự bóp méo gấp 100 lần" trong con số phân chia tài sản, theo tập đoàn và luật sư đại diện cho biết.
Chủ tịch tập đoàn SK Chey Tae-won (trái) và Giám đốc Trung tâm nghệ thuật Nabi Roh Soh-Yeong rời tòa án ở quận Seocho, Seoul ngày 16/4. Ảnh: Newsis |
Kết quả là, tài sản chung của cặp vợ chồng, bao gồm cả phần đóng góp của bà Roh vào sự phát triển của công ty, đã được tính toán quá cao. Đồng thời, đại diện pháp lý của ông Chey cho rằng cổ phiếu của tập đoàn SK nên được loại trừ khỏi việc phân chia tài sản, vì chúng được coi là "tài sản thừa kế" chứ không phải "tài sản tự làm ra".
Ông Chey đã sử dụng 280 triệu won tiền thừa kế từ cha mình để mua 700.000 cổ phiếu của Daehan Telecom, một công ty đang thua lỗ, với giá 400 won/cp vào tháng 11/1994. Daehan Telecom, nơi ông Chey nắm giữ 49% cổ phần, đã đổi tên thành SK C&C vào tháng 12/1998.
Tòa án cấp cao Seoul ngay lập tức thừa nhận sai sót trong tính toán và sửa lại bản án bằng văn bản nhằm định giá lại cổ phiếu của Daehan Telecom ở mức 1.000 won/cp, giảm bớt phần đóng góp của vị Chủ tịch hiện tại.
Do đó, mức độ đóng góp cho sự tăng trưởng gấp 4.456 lần của công ty trong khoảng thời gian 15 năm cũng thay đổi. Ban đầu, tòa ước tính số tiền đóng góp của ông Chey và cha ông lần lượt là 355 lần và 12,5 lần. Tuy nhiên, sau khi sửa đổi, mức đóng góp của họ sẽ lần lượt được đổi thành 35,5 lần và 125 lần.
Theo đó, triển vọng về phán quyết cuối cùng của Tòa án Tối cao đối với vụ ly hôn đã trở nên phức tạp hơn nhiều, khi các luật sư của Chey cam kết sẽ có một cuộc chiến pháp lý quyết liệt trong các phiên tòa còn lại.
Trước hết, Tòa án Tối cao Hàn Quốc  sẽ quyết định liệu việc sửa đổi bản án bằng văn bản của Tòa án cấp cao Seoul có hợp pháp hay không. Nếu việc sửa đổi được coi là hợp pháp, tòa sẽ xem xét liệu mức phân chia tài sản có phù hợp dựa trên con số được sửa đổi hay không. Sau đó, họ sẽ quyết định có gửi vụ án trở lại Tòa án cấp cao Seoul để xét xử lại hay không.
Đáp lại tuyên bố của Chey, luật sư của Roh cho rằng đây là nỗ lực cản trở phán quyết của tòa án bằng cách phóng đại quy mô của sai sót, và quyết định cuối cùng khó có khả năng bị ảnh hưởng bởi vấn đề này.
Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia pháp lý đang thận trọng theo dõi vụ án, đồng thời chỉ trích tòa án phúc thẩm đã phạm sai lầm, dù lớn hay nhỏ, trong vụ ly hôn ồn ào được cả nước theo dõi, gây ra sự suy giảm niềm tin vào hệ thống tư pháp.
>> Ông chủ Tập đoàn giàu thứ 2 Hàn Quốc mất 1 tỷ USD vì ly hôn vợ