Vụ nổ lớn nhất trong lịch sử nhân loại đẩy con người tới bờ vực diệt vong
Vụ nổ trên lớn gấp 100 lần vụ phun trào núi lửa lớn nhất lịch sử thế giới - Tambora tại Indonesia - gây ra "Năm không Mùa hè" 1816 tại bán cầu Bắc.
Có một giả thuyết cho rằng dân số trên Trái Đất  từng giảm xuống chỉ còn vài nghìn cá thể sau khi một siêu núi lửa phun trào dữ dội trên đảo Sumatra, Indonesia. Điều đó khiến con người, trong một giai đoạn lịch sử ngắn, trở thành loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Giả thuyết này củng cố cho khả năng toàn bộ nhân loại có quan hệ họ hàng gần hơn nhiều. Những người ủng hộ gọi đây là giả thuyết thảm họa Toba.
Nghiên cứu địa chất Trái Đất cũng chỉ ra, một siêu núi lửa đã phun trào gần hồ Toba, Indonesia, khoảng 75.000 (± 900) năm trước. Giả thuyết thảm họa này nêu lên rằng việc núi lửa phun trào đã gây ra một mùa đông núi lửa – hiện tượng gây ra bởi tro tàn núi lửa  phun ra , đồng thời do các hạt acid sulfuric và hạt nước chặn ánh sáng tới từ ngoài không gian, gia tăng khả năng phản chiếu bức xạ Mặt Trời - dài 6 tới 10 năm và khiến Trái Đất phải mất 1.000 năm mới nguội được về nhiệt độ thông thường.
Danh mục bùng nổ núi lửa (VEI) của vụ phun trào này là 8, chỉ số cao nhất trong danh sách các vụ phun trào mà con người biết tới. Nó là nguyên nhân chính tạo nên khu vực rộng 100x30km tại Indonesia. Ước tính cho thấy vụ phun trào Toba đưa ra ngoài 2.800km3 magma (khoảng 7.000 tỷ tấn), với 800km3 tro bụi. Những mẫu địa chất lấy từ Biển Đông cho thấy con số 2.800km3 khối lượng vật chất Toba phun ra vẫn còn khiêm tốn.
Những con số trên cũng chỉ ra rằng vụ phun trào Toba lớn gấp 100 lần vụ phun trào núi lửa lớn nhất lịch sử cận đại, vụ phun trào núi lửa Tambora cũng tại Indonesia, đã gây ra "Năm không Mùa hè" 1816 tại bán cầu Bắc. Ước tính khối tro bụi dày 15cm đã bao phủ Nam Á, bay lan sang cả Biển Đông, tới cả Ấn Độ Dương.
Quy mô của "mùa đông núi lửa" này hiện vẫn gây tranh cãi, nhưng một số nhà khoa học cho rằng tro núi lửa có thể đã làm giảm nhiệt độ toàn cầu tới 5 độ C trong vài năm. Ở khu vực xung quanh Toba, nhiệt độ có thể giảm đến 15 độ C. Các ước tính khiêm tốn hơn cho thấy mức giảm là khoảng 1 độ C.
Trong khi đó, nghiên cứu về biến đổi khí hậu thời hiện đại cho thấy, mức thay đổi chỉ 0,5 độ C cũng có thể tác động mạnh đến Trái Đất và các sinh vật sống. Thế giới tự nhiên có thể bị đảo lộn, thực vật không thể phát triển và động vật diệt vong .
Sau vụ phun trào siêu núi lửa Toba, một sự kiện bí ẩn khác cũng xảy ra. Bằng chứng cho thấy, khoảng 70.000 năm trước, loài người trải qua một "nút thắt cổ chai di truyền" - dân số toàn cầu đột ngột giảm mạnh. Theo nghiên cứu của Giáo sư sinh học Michael R. Rampino tại Đại học New York, thậm chí có thể chỉ 3.000-10.000 người trong độ tuổi sinh sản còn sống trên Trái Đất.
Tuy nhiên, nhiều người không ủng hộ giả thuyết Thảm họa Toba. Năm 2013, các nhà khoa học nghiên cứu trầm tích ở Đông Phi, cách núi lửa hàng nghìn km và lập luận rằng không có nhiều dấu vết tro bụi và rất ít bằng chứng về sự thay đổi nhiệt độ đáng kể ở đây.
"Vụ phun trào chắc chắn gây ra một số tác động ngắn hạn, có thể trong vài mùa, nhưng có vẻ không khiến khí hậu chuyển sang chế độ mới", Christine Lane, Tiến sĩ tại Trường Khảo cổ thuộc Đại học Oxford, tác giả chính của nghiên cứu năm 2013, cho biết.
Dù có nhiều nghi vấn xung quanh giả thuyết Thảm họa Toba, nguyên nhân dân số thế giới sụt giảm rõ ràng vào thời kỳ này vẫn còn là bí ẩn. Nhưng dù nguyên nhân là gì, sự phục hồi của con người cũng rất mạnh mẽ. Các nghiên cứu di truyền cho thấy, dân số bùng nổ khoảng 50.000 năm trước. Nhiều bằng chứng chỉ ra, con người vươn ra khắp lục địa Á-Âu và phát triển công nghệ nhanh chóng.