Vùng đất 'một ấp hai vua' lừng lẫy sử Việt nhưng không còn ai mang họ Ngô, Phùng

28-03-2024 00:06|Quỳnh Châu

Mảnh đất này chính là quê hương của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và Tiền Ngô Vương - Ngô Quyền.

Sách Đại Việt địa dư toàn biên do Nguyễn Văn Siêu biên soạn ghi rõ: "... Bố Cái Đại Vương là Phùng Hưng, Tiền Ngô Vương Quyền đều là người Đường Lâm. Nay xã Cam Lâm, tổng Cam Giá, huyện Phúc Thọ (xã Cam Lâm trước là xã Cam Tuyền) có 2 đền thờ Bố Cái Đại Vương và Tiền Ngô Vương”.

Làng cổ Đường Lâm ngày nay. Ảnh: Ấn tượng xuyên Việt

(TyGiaMoi.com) - Làng cổ Đường Lâm ngày nay. Ảnh: Ấn tượng xuyên Việt

Trong cuốn sách này cũng đề cập đến tấm bia được lập từ thời Trần, khẳng định Đường Lâm chính là quê hương của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và Tiền Ngô Vương - Ngô Quyền.

Văn bia có ghi: “Bản xã đất ở rừng rậm, đời xưa gọi là Đường Lâm, đời đời có anh hào. Đời nhà Đường có Phùng Vương tên húy Hưng, đời Ngũ Đại có Ngô Vương tên húy Quyền.

Hai vương cùng một làng, từ xưa không có. Uy đức còn mãi, miếu mạo như cũ. Niên hiệu đề là Quang Thái năm thứ 3 (Trần Thuận Tông-1390) mùa xuân tháng 2, ngày 18 làm bia này..."

Vị vua đầu tiên được sinh ra ở mảnh đất Đường Lâm là Phùng Hưng – con trai trưởng của Phùng Hạp Khanh, là một võ tướng tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan chống lại ách đô hộ của nhà Đường.

Ngay từ thuở nhỏ, ông đã siêng năng theo cha học võ, trở thành người có sức khỏe và khí phách phi thường. Xuất thân gia đình giàu có nhưng Phùng Hưng không kiêu ngạo, mà luôn yêu thương người dân làng xóm, luôn sẵn lòng giúp đỡ những người nghèo khó.

Từ lúc còn rất trẻ, Phùng Hưng đã kết giao nhiều bạn bè, được nhiều người quý mến. Bởi là người nhân nghĩa, sớm biết lấy dân làm gốc, ông trở thành tù trưởng vùng đất Đường Lâm.

Khi Phùng Hưng khởi nghĩa, dân chúng gần xa theo về rất đông. Cuộc khởi nghĩa giành lại được độc lập cho giang sơn và sau này, người dân tôn ông là Bố Cái Đại Vương. Đây chính là vị vua thứ nhất của đất Đường Lâm.

Ngô Quyền là vị vua thứ hai của đất Đường Lâm. Ảnh minh họa

(TyGiaMoi.com) - Ngô Quyền là vị vua thứ hai của đất Đường Lâm. Ảnh minh họa

Đại Việt sử ký toàn thư viết về Ngô Quyền: “Khi Ngô Quyền vừa mới sinh có ánh sáng lạ đầy nhà, dung mạo khác thường, có 3 nốt ruồi ở lưng, thầy tướng cho là lạ, bảo có thể làm chủ một phương, nên mới đặt tên là Quyền. Ngô Quyền lớn lên, khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi thong thả như hổ, có trí dũng, sức có thể nâng được vạc bằng đồng”.

Ông kế thừa võ học trở thành vị tướng xuất sắc nhất của Khúc Thừa Dụ. Sau khi đánh bại quân Nam Hán cuối năm 938, Ngô Quyền lên ngôi vua, mở ra thời kỳ độc lập bền vững cho dân tộc, chấm dứt thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc.

Hiện nay, người ta thường xem làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, là địa danh Đường Lâm nổi tiếng vẫn được nhắc tới trong sử Việt. Nó được mệnh danh là vùng đất “một ấp hai vua” và là làng cổ đầu tiên được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.

Là mảnh đất địa linh nhân kiệt nơi đã nuôi dưỡng 2 vị vua nổi tiếng trong sử Việt nhưng đến nay, ở làng Đường Lâm không còn bất cứ người nào mang họ Phùng và Ngô.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Đường Lâm chia sẻ trên VTC News: “Trước đây, trên địa bàn xã có bà Ngô Thị Pháo được xem là người cuối cùng của dòng họ Ngô tại Đường Lâm. Tuy nhiên, bà đã qua đời từ năm 2004 nên hiện tại ở Đường Lâm cũng không còn người mang họ Ngô”.

Bà Pháo được coi là người họ Ngô cuối cùng ở đất Đường Lâm. Ảnh: Báo Sài Gòn Giải Phóng

(TyGiaMoi.com) - Bà Pháo được coi là người họ Ngô cuối cùng ở đất Đường Lâm. Ảnh: Báo Sài Gòn Giải Phóng

Bố mẹ đẻ ra đặt tên bà là Ngô Thị Pháo, nghĩa là bà mang họ của ông “vua” Ngô Quyền. Các cụ khuất núi dần, bà cũng đã ngót trăm tuổi rồi, đất này chỉ còn một mình bà mang họ Ngô. Bà là hậu duệ đời thứ 23 của Ngô Quyền, con cái cháu chắt bà và cả làng cả nước người ta đều nói như thế bà biết thế, chứ thật ra chính bà cũng không biết cụ kỵ Ngô Quyền nhà bà đánh giặc nào, làm vua bao giờ và rặng duối ngoài kia có phải trồng để buộc voi chiến thật không...

Ông Dũng còn cho biết thêm: “Xã Đường Lâm có 9 thôn với hơn 11.000 nhân khẩu nhưng toàn xã hiện không còn ai mang dòng họ Phùng.

Tượng thờ Phùng Hưng tại đền thờ ở Đường Lâm. Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị

(TyGiaMoi.com) - Tượng thờ Phùng Hưng tại đền thờ ở Đường Lâm. Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị

Thậm chí, trên địa bàn xã cũng không có đền thờ của 2 dòng họ này mà chỉ có đền thờ Phùng Hưng và lăng Ngô Quyền. Hằng năm, nhân dân trên toàn xã tổ chức lễ hội tưởng nhớ Phùng Hưng vào ngày mùng 8 tháng Giêng và lễ giỗ vua Ngô Quyền vào 14 tháng 8 Âm lịch. Đây cũng là hai lễ hội lớn nhất của xã Đường Lâm trong năm”.

>> Khám phá ngôi đình 500 năm tuổi dựng trên đất quân doanh của Ngô Quyền ở Hải Phòng

Vị vua trị vì lâu nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam

Vị vua ban hành Bộ luật Hình sự đầu tiên của Việt Nam

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/vung-dat-mot-ap-hai-vua-lung-lay-su-viet-nhung-khong-con-ai-mang-ho-ngo-phung-d119068.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Vùng đất 'một ấp hai vua' lừng lẫy sử Việt nhưng không còn ai mang họ Ngô, Phùng
    POWERED BY ONECMS & INTECH