Xác thực sinh trắc học dễ bị lừa đảo, khách hàng nên nhớ kỹ điều này để tránh 'bay sạch tiền'
Để không bị kẻ gian lợi dụng và lừa đảo, chúng ta nên chú ý cả việc sinh trắc học.
Kể từ ngày 1/1/2025, theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước, khách hàng buộc phải xác thực sinh trắc học  để thực hiện một số giao dịch ngân hàng nhất định. Theo quy định tại Thông tư 17, để thực hiện các giao dịch rút tiền hoặc thanh toán điện tử, khách hàng bắt buộc phải hoàn tất thủ tục đối chiếu thông tin cá nhân trên giấy tờ tùy thân với dữ liệu sinh trắc học đã được lưu trữ tại cơ quan công an hoặc qua hệ thống VNeID.
Không chỉ các ngân hàng, mà cả các ví điện tử như MoMo, ZaloPay và các ứng dụng chứng khoán đều đang tích cực khuyến khích người dùng nhanh chóng hoàn tất thủ tục cập nhật xác thực sinh trắc học để tránh gián đoạn các giao dịch quan trọng sau ngày 1/1/2025.
Lợi dụng điều này, nhiều kẻ gian đã tìm cách để thực hiện các chiêu trò lừa đảo chuyên nghiệp, tinh vi. Phòng Bảo mật - Khối Công nghệ Thông tin Ngân hàng Indovina đã khuyến cáo khách hàng cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn hoặc lời mời kết bạn trên mạng xã hội yêu cầu cung cấp thông tin sinh trắc học vì đây có thể là chiêu trò lừa đảo.
Kẻ gian sẽ gửi đường link độc hại, dụ dỗ khách hàng tải về và cài đặt các ứng dụng giả mạo nhằm thu thập sinh trắc học. Thực chất, đây là chiêu trò lừa đảo nhằm cài đặt mã độc, phần mềm gián điệp vào thiết bị, từ đó đánh cắp thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng của khách hàng.
Sau đó, kẻ gian sẽ rút hết số tiền có trong tài khoản  và thực hiện các giao dịch bất hợp pháp khác, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Để đảm bảo an toàn thông tin, các ngân hàng chỉ thực hiện việc thu thập thông tin sinh trắc học của khách hàng tại hai địa điểm chính thức là ứng dụng Mobile Banking hoặc trực tiếp tại các chi nhánh/điểm giao dịch của ngân hàng.
Khách hàng cần tránh truy cập vào các liên kết lạ hoặc mở tệp đính kèm trong email từ người gửi không rõ danh tính. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin bảo mật tài khoản (tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP) hoặc thông tin dịch vụ thẻ (số thẻ, mã OTP) cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng. Hãy cẩn thận với các mã QR được dán ở nơi công cộng, chia sẻ qua mạng xã hội hoặc email.
Đồng thời, chúng ta cần tránh xa các hoạt động mua bán, trao đổi, cho thuê hay cho mượn tài khoản thanh toán hoặc giấy tờ tùy thân. Những người không sử dụng điện thoại thông minh hay điện thoại không có NFC có thể tới phòng giao dịch của ngân hàng để được hỗ trợ.
>> Từ 1/1/2025, tiền trong tài khoản ngân hàng chưa xác thực sinh trắc học sẽ ra sao?
Công an công bố 10 đầu số điện thoại lừa đảo, cuối năm tuyệt đối nên tránh xa 
Bắt cặp vợ chồng doanh nhân lừa đảo chiếm đoạt 100 tỉ đồng