Xây dựng Hòa Bình (HBC) có thể lỗ năm thứ 3 liên tiếp?
Chứng khoán Vietcombank nhận định, phải sang đến năm 2025, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) mới có thể ghi nhận lợi nhuận dương trở lại.
Trong báo cáo cập nhật mới nhất, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã HBC  - HoSE) có thể tiếp tục báo lỗ trong năm 2024.
VCBS ước tính, Hòa Bình có thể đạt gần 9.200 tỷ đồng doanh thu - tăng 22% so với năm 2023, lỗ trước thuế thêm 480 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 1.080 tỷ. Nếu điều này xảy ra, "ông lớn" làng thầu xây dựng sẽ có năm thứ ba kinh doanh thua lỗ. Điều này cũng đồng nghĩa cổ phiếu HBC có thể đối diện nguy cơ hủy niêm yết vào đầu năm tới.
Tại ĐHCĐ thường niên 2024, Hòa Bình đặt mục tiêu doanh thu năm đạt 10.800 tỷ đồng, lãi sau thuế 433 tỷ. Các chỉ tiêu này đều tích cực hơn kết quả đạt được trong năm trước đó (7.537 tỷ đồng doanh thu và lỗ ròng 1.111 tỷ).
Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình |
Trong quý đầu năm, công ty lần lượt đạt 1.651 tỷ đồng doanh thu và 56,6 tỷ đồng lãi sau thuế, dù cải thiện so với cùng kỳ song đã giảm tương đối mạnh so với quý liền trước.
Sang năm 2025, tình hình kinh doanh của Xây dựng Hòa Bình mới cải thiện rõ nét, doanh thu và lợi nhuận trước thuế cùng tăng lên các mức 11.027 tỷ và 39 tỷ đồng.
Báo cáo của VCBS nhấn mạnh, triển vọng hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Hòa Bình còn nhiều yếu tố bất định như áp dụng dòng tiền đến từ khoản phải thu còn tương đối lớn, thị trường bất động sản dân dụng chưa có sự hồi phục rõ ràng, nguồn việc trong nước còn hạn chế và cuối cùng là chiến lược mở rộng sang thị trường nước ngoài cần thêm thời gian dài để có thể tác động tích cực đến biên lợi nhuận.
>> Xây dựng Hòa Bình (HBC) giảm gần 30.000 nhân sự sau 4 năm 
Vấn đề thu hồi công nợ : Được biết, tại thời điểm 31/3/2024, Xây dựng Hòa Bình đang ghi nhận các khoản phải thu ngắn hạn là 10.240 tỷ đồng - chiếm tới 68,8% tổng tài sản. Đáng nói, khoản dự phòng nợ khó đòi lên tới 2.387 tỷ đồng.
Là một tên tuổi lớn "làng thầu" xây dựng, tuy nhiên khoản lỗ hơn 3.000 tỷ trong hai năm gần nhất khiến tình hình tài chính của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.
VCBS nhận định: "Mặc dù Xây dựng Hòa Bình đã tích cực đẩy nhanh tiến trình thu hồi nợ, tốc độ thu hồi còn tương đối chậm. Điều này đặt ra rủi ro đáng kể đến kết quả kinh doanh của Xây dựng Hòa Bình trong trường hợp các khoản phải thu tiếp tục trở thành nợ xấu và doanh nghiệp phải thực hiện trích lập dự phòng".
Số liệu tại báo cáo thường niên 2023 cho thấy, nhiều khoản công nợ  của công ty cần tới 514 ngày để thu hồi.
Rủi ro pha loãng cổ phần : Điểm tích cực là gần đây Xây dựng Hòa Bình đã nỗ lực tái cấu trúc, cải thiện sức khỏe tài chính thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ, bán nợ, phát hành cổ phiếu riêng lẻ, chuyển nhượng thiết bị.
Tính đến giữa tháng 1/2024, Xây dựng Hòa Bình có 38.183 cổ đông, nắm giữ hơn 274 triệu cổ phiếu |
"Nếu các phương án tái cấu trúc nợ thành công, lãi ghi nhận sẽ phần nào bù đắp khoản lỗ luỹ kế trong vốn chủ sở hữu, giúp bộ đệm nguồn vốn dày hơn và tạo động lực phục hồi trong thời gian tới", VCBS kỳ vọng.
Mặt khác, trong điều kiện nguồn vốn hạn chế, Hòa Bình đã thực hiện mở rộng mảng bất động sản bằng cách sử dụng nguồn vốn từ việc chào bán cổ phiếu cho đối tác để mua các dự án bất động sản. Việc M&A các dự án có pháp lý sạch, sẵn sàng bàn giao giúp Xây dựng Hòa Bình đẩy nhanh tiến độ ghi nhận dòng tiền. Đây là chiến lược phù hợp trong giai đoạn dòng tiền lớn của công ty tắc nghẽn tại khoản phải thu.
"Tuy nhiên, việc mua lại dự án bằng nguồn vốn từ phát hành cổ phiếu tiềm ẩn rủi ro pha loãng cổ phần cho doanh nghiệp", VCBS đánh giá.
>> Cổ đông HBC bằng cả Phát Đạt và Hải Phát cộng lại 
Xây dựng Hòa Bình (HBC) muốn 'cắt lỗ' khoản đầu tư vào 2 công ty liên kết 
'Mập mờ' các giao dịch vay mượn giữa Xây dựng Hòa Bình (HBC) và Chủ tịch Lê Viết Hải