2 năm chịu tác động mạnh của dịch COVID-19 cũng là giai đoạn mà các khoản nợ vay tài chính của Xây dựng Hòa Bình (HBC) tăng thấy rõ.
Ngày 24/8/2022 tới đây, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã HBC - HOSE) sẽ họp ĐHCĐ bất thường nhằm thông qua việc thay đổi một số ngành nghề, phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ cũng như kế hoạch kinh doanh giai đoạn tới.
Tại Nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2022 hồi tháng 4 vừa qua, HBC đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ 74 triệu cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu) cho nhà đầu tư chiến lược nhằm bổ sung nguồn vốn kinh doanh cũng như chi trả một số khoản nợ vay nhằm giảm áp lực tại chính.
Theo ghi nhận, chi phí tài chính của HBC đã tăng vọt trong nửa đầu năm nay. Riêng quý II/2022, HBC phải gánh 142 tỷ đồng chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) - tăng vọt 78% so với cùng kỳ.
"Mùa mưa" đến sớm trên công trường, "u ám" những bóng thầu xây dựng 
6 tháng đầu năm, chi phí tài chính của Hòa Bình lên đến 237 tỷ đồng - tăng 60% so với cùng kỳ.
Sở dĩ khoản chi phí lãi vay của công ty tăng đột biến là do trong kỳ, công ty đã tăng mạnh vay nợ. So với đầu năm, dư nợ phải trả của HBC tăng gần 2.000 tỷ đồng lên mức 14.430 tỷ đồng trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng gần 850 tỷ đồng lên mức 5.460 tỷ đồng; vay dài hạn 1.073 tỷ đồng.
Thực tế sau 2 năm chịu tác động mạnh của dịch COVID-19, ngành xây dựng lại gặp khó khăn khi các doanh nghiệp bất động sản bị kiểm soát nguồn vốn vay, khiến việc thanh toán cho nhà thầu bị chậm trễ, nhiều dự án đầu tư bị trì hoãn. Đây cũng là giai đoạn mà các khoản nợ vay tài chính của Hòa Bình tăng lên thấy rõ.
Thêm vào đó, bão giá vật liệu xây dựng đang trở thành “cơn ác mộng” đối với các doanh nghiệp xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2022 - nhất là sau khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra.
Với gánh nặng chi phí tài chính "khổng lồ", lợi nhuận sau thuế quý II/2022 của HBC tiếp tục sụt giảm 14% so với cùng kỳ còn 50 tỷ đồng.
Kế hoạch lãi 21.875 tỷ có khả thi?
Dự kiến tại cuộc họp, HBC sẽ trình bày chiến lược kinh doanh 10 năm (đến năm 2032) với mục tiêu doanh thu 437.500 tỷ đồng và lợi nhuận 21.875 tỷ.
Nếu tính trung bình mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm của Hòa Bình 10 năm tới lần lượt là 43.750 tỷ và 2.187 tỷ đồng thì những mục tiêu này hiện cao hơn rất nhiều so với kế hoạch kinh doanh gần nhất (năm 2022) của chính tập đoàn với chỉ 17.500 tỷ đồng doanh thu và 350 tỷ đồng lãi sau thuế.
Thực tế nửa năm 2022 đã trôi qua, HBC mới chỉ hoàn thành được hơn 7.100 tỷ đồng doanh thu - tương ứng 40% kế hoạch năm và đạt 61 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - cách rất xa mục tiêu 350 tỷ đã "hứa" với cổ đông.
Tuy nhiên, nếu con số 437.500 tỷ đồng và lợi nhuận 21.875 tỷ là target kinh doanh cho năm 2032, điều này có vẻ như là không tưởng.
Chia sẻ mới đây, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn cho biết, 2022 là năm nền tảng cho chiến lược 10 năm tới của HBC nhằm hiện thực hóa tham vọng doanh thu 20 tỷ USD và lợi nhuận tỷ USD đến năm 2032 trong đó động lực chủ đạo Công ty xác định chính là "đem quân đánh xứ người".
Theo ông Hải, những con số trên được tính dựa trên con số mục tiêu năm 2022 nhân với cấp số nhân tăng trưởng. "Để đạt được các mốc trên, HBC không thể không ra nước ngoài", vị Chủ tịch nhấn mạnh.
Lãnh đạo Xây dựng Hòa Bình phân tích, giá trị thị trường xây dựng thế giới năm qua đạt 12.500 tỷ USD. Dự báo đến 2030 con số sẽ tăng lên 19.000 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc con số mã HBC thực ra chỉ chiếm chưa tới 0,1% toàn thị trường nên hoàn toàn khả thi và không hề viển vông.
"Tôi đề nghị cổ đông đồng ý mức thưởng 10% cho cán bộ nhân viên nếu HBC đạt được mục tiêu 1 tỷ USD sau 10 năm. Thậm chí, nếu HBC vượt và đạt 2 tỷ USD lợi nhuận, tôi đề nghị chia 500 triệu USD cho nhân viên", ông Hải nói.
HBC: "Hứa thật nhiều - thất hứa thật nhiều" 
Hơn 2.000 nhà thầu phá sản tại thị trường xây dựng nơi Hòa Bình (HBC) vừa đặt chân tới 
Xây dựng Hòa Bình (HBC) thay đổi một loạt nhân sự cấp cao