Humboldt dài 14.800 km được Google triển khai xây dựng sẽ trở thành tuyến cáp ngầm đầu tiên kết nối khu vực Nam Mỹ với châu Á-Thái Bình Dương
Google vừa công bố triển khai dự án xây dựng tuyến cáp ngầm đầu tiên mang tên Humboldt, kết nối khu vực Nam Mỹ và châu Á-Thái Bình Dương. Dự án được thực hiện cùng với Quỹ cơ sở hạ tầng công cộng Chile Desarrollo Pais và Văn phòng Bưu chính Viễn thông Polynesia (OPT) của Pháp.
Theo Google, tuyến cáp Humboldt là một phần trong Sáng kiến ‘South Pacific Connect’ được công bố vào tháng 10/2023 và sẽ bổ sung lưu lượng cho các tuyến cáp hiện có, tạo ra kết nối trực tiếp mạnh mẽ và bền vững hơn giữa các châu lục.
Tuyến cáp mới sẽ có chiều dài khoảng khoảng 14.800 km, chạy từ Chile đến Australia qua Nam Thái Bình Dương. Mặc dù giữa châu Á và Bắc Mỹ hiện đã có các tuyến cáp ngầm (Southern Cross Next) hoặc đang lên kế hoạch xây dựng các tuyến mới (Hawaiki Nui), nhưng đây là lần đầu tiên thiết lập các kết nối trực tiếp giữa khu vực Nam Mỹ và châu Á-Thái Bình Dương.
Desarrollo Pais đã phát hành các gói thầu để lắp đặt cáp từ tháng 8/2022. Theo Desarollo Pais, dự án trị giá 400 triệu USD này sẽ giúp Chile trở thành trung tâm truyền dữ liệu giữa Mỹ Latinh và khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việc xây dựng dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2026.
Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố tuyến cáp ngầm Humboldt là cơ hội tốt để mở rộng quan hệ kinh tế khắp châu Mỹ. Cục Chính sách không gian mạng và kỹ thuật số của Mỹ đang tăng cường các giải pháp nhằm cung cấp khả năng truy cập Internet tốc độ cao, đáng tin cậy cho một số quốc gia ở khu vực Thái Bình Dương. Đây là những nỗ lực của Mỹ nhằm phát triển cơ sở hạ tầng internet bền vững trong khu vực.
Mỹ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ Trung Quốc. Vào tháng 5/2022, Trung Quốc đề nghị giúp một số quốc gia Nam bán cầu hiện đại hóa cơ sở hạ tầng Internet bằng công nghệ Trung Quốc. Một số quốc gia tỏ ra hào hứng với đề xuất này, song vẫn giữ thái độ cảnh giác nhất định. Micronesia tuyên bố sẽ tự chủ được, không cần sự trợ giúp từ bên ngoài.
(theo Securitylab)
Máy bay đầu tiên ‘made in Việt Nam’ sản xuất tại Vĩnh Phúc, bay 1.200 km mỗi lần 
‘Cỗ máy tăng trưởng’ FPT gây ấn tượng với doanh thu vượt 56.000 tỷ đồng