Bất động sản

Việt Nam góp mặt trong top 10 thị trường bất động sản hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Việt Hoàng 28/03/2025 07:00

Theo chuyên gia, việc Việt Nam góp mặt trong top 10 điểm đến đầu tư về đất đai và phát triển là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của quốc gia này.

Theo báo cáo Dòng vốn toàn cầu tháng 3/2025 của Colliers, Việt Nam đã ghi dấu ấn nổi bật trên bản đồ bất động sản thế giới khi lần đầu tiên góp mặt trong top 10 điểm đến hàng đầu về vốn đầu tư vào đất đai và phát triển. Cùng chia sẻ vị thế này là các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) như Trung Quốc, Singapore, Úc, Ấn Độ, Malaysia và Nhật Bản.

Báo cáo cho thấy khu vực APAC tiếp tục dẫn đầu toàn cầu về nguồn vốn đầu tư bất động sản với bốn đại diện gồm Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản và Trung Quốc nằm trong top 10 nguồn vốn lớn nhất thế giới. Trong vòng 24 tháng qua, dòng vốn đổ vào khu vực này cho thấy sức hấp dẫn bền vững và tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tổng giá trị đầu tư tại APAC trong năm 2024 đạt 183 tỷ USD, tương đương 72% mức trung bình của 5 năm trước. Sáu lĩnh vực chính nhận được dòng vốn lớn gồm: Văn phòng (57 tỷ USD), công nghiệp (55 tỷ USD), bán lẻ (37 tỷ USD), nhà ở đa gia đình (17 tỷ USD) và khách sạn (15 tỷ USD).

“Châu Á - Thái Bình Dương đang khẳng định vai trò là trung tâm vốn đầu tư toàn cầu, với sức hút không thể phủ nhận,” ông Chris Pilgrim, Giám đốc Điều hành Thị trường Vốn Toàn cầu khu vực APAC tại Colliers nhận định. “Việc Việt Nam góp mặt trong top 10 điểm đến đầu tư về đất đai và phát triển là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của quốc gia này, sánh vai cùng các thị trường lớn như Trung Quốc hay Singapore”.

>> Dự án cao tốc hơn 11.000 tỷ nối cửa khẩu quốc tế lớn nhất Việt Nam do liên danh Đèo Cả thực hiện có chuyển động mới

Ông cũng nhấn mạnh rằng, APAC hiện là khu vực dẫn đầu về dòng vốn xuyên biên giới, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai và phát triển, khi chiếm đến 7 trong số 10 điểm đến hàng đầu toàn cầu.

Bên cạnh Việt Nam, các quốc gia như Nhật Bản, Úc và Trung Quốc cũng nằm trong nhóm 10 điểm đến hàng đầu về đầu tư vào tài sản hiện hữu. Trong khi đó, Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản và Trung Quốc tiếp tục là những trung tâm cung cấp vốn xuyên biên giới quan trọng.

Đáng chú ý, lĩnh vực công nghiệp và logistics (I&L) là phân khúc sôi động nhất toàn cầu trong 24 tháng qua. Riêng tại APAC, dù đứng sau văn phòng về khối lượng đầu tư nhưng lĩnh vực này vẫn duy trì sức hút mạnh mẽ. Bán lẻ cũng ghi nhận sự ổn định về mức độ quan tâm trong khu vực.

Dự báo trong năm 2025, sự thu hẹp chênh lệch lợi suất giữa các khu vực sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cả dòng vốn nội địa và xuyên biên giới mở rộng.

“APAC - trong đó có Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn từ xu hướng gia tăng đầu tư xuyên biên giới, đặc biệt nhờ vào sức mạnh của đồng USD”, ông Pilgrim nhận định.

Bất động sản cao cấp - điểm đến của các nhà đầu tư toàn cầu

Trong khi đó, International Business Times (IBT) nhận định thị trường bất động sản Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển vượt bậc, bắt kịp tốc độ tăng trưởng của thế giới, đặc biệt ở phân khúc cao cấp và hàng hiệu.

IBT dẫn báo cáo của Knight Frank cho biết, bất động sản cao cấp tại Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng nhờ sự mở rộng của tầng lớp thượng lưu cùng nền kinh tế phát triển bền vững.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,5% vào năm 2025, góp phần làm gia tăng số lượng cá nhân có tài sản ròng cao (HNWIs) với tốc độ 12% mỗi năm

>> Khu công nghiệp gần 200ha của tỷ phú Trần Bá Dương tại Thái Bình sẽ hoạt động trong năm nay

Cùng lúc, nhóm siêu giàu (UHNWIs) tại Việt Nam cũng tăng trưởng tích cực, với mức tăng 2,4% trong năm 2023.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Knight Frank dự đoán xu hướng này sẽ tiếp diễn, với số lượng UHNWIs tại Việt Nam dự kiến tăng 30% giai đoạn 2023-2028, tương đương mức tăng trưởng trung bình khoảng 6%/năm.

Tài sản gia tăng kéo theo nhu cầu đối với bất động sản giá trị cao ngày càng lớn. Đáng chú ý, tính đến năm 2023, Việt Nam đã trở thành nơi sinh sống và làm việc của khoảng 100.000 người nước ngoài - một con số đang tiếp tục tăng.

Dân số ngoại quốc tăng cao đã tạo lực đẩy cho nhu cầu về nhà ở cao cấp, đặc biệt tại các đô thị lớn như TP. HCM và Hà Nội.

Ngoài ra, Việt Nam còn nổi bật nhờ mức giá cạnh tranh. Các căn hộ hạng sang tại đây đang có giá thấp hơn 30-40% so với các nước trong khu vực như Thái Lan và Singapore.

Theo Mordor Intelligence, tỷ lệ tăng giá trị vốn tại thị trường Việt Nam dao động từ 10-15% mỗi năm, củng cố sức hút đối với giới đầu tư.

Với tốc độ tăng trưởng được dự báo đạt 13,65% trong giai đoạn 2025-2030, Việt Nam đang khẳng định vị thế là một trong những điểm đến đầu tư bất động sản cao cấp đáng chú ý nhất khu vực Đông Nam Á.

>> TP trực thuộc Trung ương lớn nhất Việt Nam khởi công trung tâm logistics hơn 1.500 tỷ

Sếp Newstarland: Vinhomes Wonder City đang ở 'chân sóng', mức giá chỉ bằng 40% thị trường phía Tây Hà Nội

Thị trường bất động sản sắp thay đổi lớn vào 2026

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/viet-nam-gop-mat-trong-top-10-thi-truong-bat-dong-san-hang-dau-khu-vuc-chau-a-thai-binh-duong-202250327111206743.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Việt Nam góp mặt trong top 10 thị trường bất động sản hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương
    POWERED BY ONECMS & INTECH