Theo CTCK BSC, năng lực cạnh tranh của gạo xuất khẩu của Việt Nam chưa cao do chủ yếu cạnh tranh với các đối thủ về giá bán.
Trong báo cáo ngành lương thực, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho biết ngành xuất khẩu gạo đã xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực trong năm 2023.
Cụ thể BSC cho rằng diễn biến thời tiết bất lợi khiến các nhà xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Pakistan giảm sản lượng xuất khẩu, trong khi nhà nhập khẩu lớn như Trung Quốc vẫn tăng cường nhập khẩu gạo trước kỳ vọng mở cửa nền kinh tế. Trong bối cảnh cầu tăng, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng sẽ được hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá.
Ngoài ra, Việt Nam và Thái Lan dự kiến sẽ tổ chức các cuộc đàm phán để tăng giá gạo xuất khẩu trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao.
Tín hiệu thị trường khả quan song BSC cho rằng các doanh nghiệp kinh doanh lương thực vẫn phải đối mặt với thách thức tăng trưởng, đặc biệt trong trung hạn.
BSC phân tích, năng lực cạnh tranh của gạo xuất khẩu của Việt Nam chưa cao do chủ yếu cạnh tranh với các đối thủ về giá bán, phần lớn chưa đảm bảo được yêu cầu về quy trình sản xuất và đảm bảo chất lượng để xuất khẩu sang các thị trường lớn như EU, Nhật… Điều này khiến mức tăng giá kỳ vọng có thể thấp hơn mức tăng giá xuất khẩu trung bình thế giới.
Mặt khác, vấn đề chi phí đầu vào, logistics của Việt Nam cao hơn các đối thủ, trình độ chuyên môn hoá và năng lực sản xuất còn hạn chế, diện tích canh tác manh mún… sẽ tiếp tục tạo áp lực lên biên lợi nhuận của doanh nghiệp ngành gạo.
Trở lại câu chuyện xuất khẩu tháng 10, mặt hàng gạo bán ra nước ngoài khoảng 713.546 tấn, tương đương 341 triệu USD, tăng hơn 22% về lượng và tăng 24% về giá trị so với tháng 9. Đây cũng là tháng có lượng gạo xuất khẩu cao kỷ lục trong lịch sử ngành gạo nước ta.
Tính đến hết tháng 10, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 6,1 triệu tấn, tương đương khoảng 3 tỷ USD, tăng 17% về lượng và 8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Thống kê của Hải quan cho thấy Philippines vẫn duy trì là thị trường số một về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 45% trong tổng lượng với 2,7 triệu tấn, tương đương giá trị gần 1,3 tỷ USD.
Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm gần 13% trong tổng lượng với 793.000 tấn, tương đương kim ngạch gần 383 triệu USD; Bờ Biển Ngà nhập khẩu khoảng 600.000 tấn gạo, chiếm gần 9% tổng lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam, tương ứng kim ngạch 265 triệu USD.
Bộ NN&PTNT dự báo sản lượng xuất khẩu gạo cả năm 2022 có thể đạt 7,2-7,3 triệu tấn. Đây là lượng gạo xuất khẩu cao thứ hai trong lịch sử ngành lúa gạo Việt Nam kể từ sau năm 2012.
Thị trường gạo năm 2025: Nguồn cung tăng cao, giá có thể hạ nhiệt 
Vừa lập ‘cú đúp’ kỷ lục lịch sử, gạo Việt lại có diễn biến bất ngờ