Xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản phục hồi tích cực

08-05-2023 22:57|Đỗ Hương

Theo thống kê của Bộ Công Thương, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản như cao su, cà phê, hạt tiêu… đang có xu hướng hồi phục. Cùng với đó, dư địa tại các thị trường lớn đang mở ra kỳ vọng xuất khẩu tăng trong quý II.

Xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản phục hồi tích cực   - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trung Quốc tăng cường nhập khẩu cao su

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đến nửa cuối tháng 4/2023, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt tại châu Á có xu hướng phục hồi nhẹ do lo ngại thiếu hụt nguồn cung.

Tại Việt Nam, vào quý I/2023, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước không có nhiều biến động. Diễn biến giá cao su trong nước cùng chiều với xu hướng giá thế giới, tuy nhiên xu hướng giá yếu hơn khá nhiều so với giá niêm yết trên các sở giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới. Trong khi đó, giá năng lượng tăng kéo theo chi phí logistics tăng cũng là yếu tố gây sức ép lên xuất khẩu cao su giai đoạn đầu năm.

Trong tháng 4/2023, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước không có biến động. Trong đó, giá mủ nước tại Bình Phước và Đồng Nai giữ ở mức 270-280 đồng/TSC; Tại Đắk Lắk, Phú Yên, Quảng Trị giao dịch ở mức 250 đồng/TSC; còn ở các vùng nguyên liệu khác, giá cao su ghi nhận trong khoảng 225 – 240 đồng/TSC.

Trong các tháng đầu năm 2023, trừ EU, trị giá nhập khẩu cao su của các thị trường này đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022 do giá cao su giảm mạnh và nhu cầu cao su vẫn chậm, thị trường chịu ảnh hưởng bởi lạm phát cao, sức cầu tiêu dùng suy yếu.

Hiện Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới, chiếm 22% thị phần toàn cầu. Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong quý I/2023, nhập khẩu cao su của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 416.520 tấn, trị giá 562,66 triệu USD, tăng 15,2% về lượng. Thị phần cao su Việt Nam chiếm 18,11% trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc, tăng so với mức 17,34% của cùng kỳ năm 2022. Thời gian tới, việc Trung Quốc mở cửa sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cao su của nước này, tạo điều kiện để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.

Cà phê Robusta và Arabica tăng mạnh

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong quý I/2023 đạt 552.610 tấn, tăng 36,3% về lượng và tăng 31,1% về trị giá so với quý IV/2022, nhưng so với quý I/2022 giảm 5,0% về lượng và giảm 5,4% về trị giá.

Dự báo quý II/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam có khả năng sẽ phục hồi trở lại nhờ nhu cầu tiêu thụ cà phê của khu vực châu Âu tăng. Giá cà phê Robusta duy trì ở mức cao do nguồn cung hạn chế.

Quý I/2023 so với quý IV/2022 trị giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang tất cả các khu vực trên thế giới tăng. Trong đó, tốc độ xuất khẩu cà phê sang khu vực châu Phi tăng 75%; châu Âu tăng 42,4%; châu Đại Dương tăng 30,2%. So với quý I/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang khu vực châu Á, châu Mỹ, châu Phi tăng, nhưng xuất khẩu sang khu vực châu Âu, châu Đại Dương giảm.

Về cơ cấu thị trường, quý I/2023 so với quý IV/2022, trị giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chủ lực tăng, ngoại trừ Hoa Kỳ. Đáng chú ý, tốc độ xuất khẩu cà phê sang các thị trường Italy và Bỉ ghi nhận mức tăng trưởng cao, lần lượt tăng 86,8% và 60,7%. So với quý I/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang các thị trường Italy, Hoa Kỳ, Nga… tăng, nhưng xuất khẩu sang các thị trường Đức Nhật Bản, Bỉ… giảm.

Bộ Công Thương đưa ra đánh giá, thị trường cà phê toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục thâm hụt trong năm thứ hai liên tiếp, với mức thâm hụt 7,3 triệu bao trong niên vụ 2022/2023. Điều này có khả năng sẽ hỗ trợ cho giá cà phê thế giới tăng.

Giá hạt tiêu phục hồi từ tháng 2

Bộ Công Thương cho biết trong quý I/2023, giá hạt tiêu trong nước có xu hướng phục hồi kể từ tháng 2. Cuối tháng 4/2023, giá hạt tiêu trong nước tiếp tục tăng từ 3.000 – 3.500 đ/kg so với cuối tháng 3/2023.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong quý I/2023 đạt 76.200 tấn, trị giá 233,45 triệu USD, tăng 41,1% về lượng, so với quý I/2022 tăng 40,3% về lượn và tăng 16,5% về trị giá.

Dự báo quý II/2023, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ khả quan nhờ nhu cầu tăng cao từ các thị trường Trung Quốc, ASEAN, Thổ Nhĩ Kỳ..., bù đắp cho nhu cầu nhập khẩu vẫn trầm lắng của thị trường Hoa Kỳ và EU. Quý I/2023 so với quý IV/2022 và so với quý I/2022, trị giá xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang khu vực châu Á, châu Đại Dương và châu Phi tăng mạnh. Đáng chú ý, xuất khẩu hạt tiêu sang châu Đại Dương tăng trưởng tới 3 con số.

Bộ Công Thương đưa ra dự báo, thị trường hạt tiêu thế giới vẫn sẽ đối mặt với khó khăn trong quý II/2023 do nhu cầu tiêu thụ tại các nền kinh tế lớn như EU, Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản… chậm lại. Kinh tế khó khăn, lạm phát vẫn ở mức cao, căng thẳng địa chính trị kéo dài, bất ổn trên thị trường tài chính được cho là nguyên nhân khiến nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu giảm. Ngược lại, nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu của Trung Quốc được dự báo tăng mạnh sẽ là yếu tố giúp nâng đỡ thị trường.

‘Hạt tỷ đô’ của Việt Nam lập kỷ lục mới, khiến Mỹ, Trung Quốc, EU mê mẩn

Thủ tướng: Nông nghiệp phải tăng tốc và bứt phá, phấn đấu xuất khẩu 70 tỷ USD

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/xuat-khau-nhieu-mat-hang-nong-san-phuc-hoi-tich-cuc-102230508191001156.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản phục hồi tích cực
    POWERED BY ONECMS & INTECH