Xuất khẩu rau quả phá kỷ lục lịch sử
Rau quả luôn là nhóm hàng ghi nhận sự tăng trưởng xuất khẩu cao nhất của toàn ngành nông nghiệp. Giá trị xuất khẩu ngành hàng này nay đã vượt kỷ lục lịch sử kim ngạch 3,81 tỷ USD của năm 2018. Nhiều dự báo cho rằng, xuất khẩu rau quả cả năm 2023 có thể mang về hơn 5,5 tỷ USD khi vẫn còn 3 tháng cuối năm.
Tuy nhiên, trong quá trình tăng trưởng mạnh của nhóm mặt hàng thì yêu cầu giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định uy tín và sự tăng trưởng bền vững của cả ngành hàng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 9 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 4,2 tỷ USD, tăng gần 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Hiệp hội Rau quả Việt Nam ước tính giá trị nhập khẩu rau quả chỉ 1,458 tỷ USD, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các mặt hàng rau quả của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu đến các thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan. Trong top 5 thị trường này, riêng chỉ có thị trường Mỹ giảm nhẹ, các thị trường còn lại khác đều có sự tăng trưởng mạnh.
Điển hình thị trường Trung Quốc, xuất khẩu rau quả đã đạt trên 2,26 tỷ USD, tăng 134% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đến là Hà Lan tăng 50%, Hàn Quốc tăng 18%, Nhật Bản tăng 6%. Trung Quốc cũng là thị trường đứng đầu về thị phần xuất khẩu với gần 64%, tiếp đến là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan…
Riêng mặt hàng sầu riêng, tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh. Qua 8 tháng, mặt hàng này đã xuất khẩu được trên 1,28 tỷ USD, tăng trên 700% so với cùng kỳ năm ngoái. Có được điều này bởi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Riêng thị trường Trung Quốc nhập khẩu chủ yếu sầu riêng tươi và đã đạt giá trị 1,148 tỷ USD trong 8 tháng năm 2023.
Cũng nhờ đó mà sầu riêng nhanh chóng gia nhập nhóm trái cây tỷ đô. Sầu riêng cũng được dự báo sớm cán đích kim ngạch xuất khẩu 1,5 tỷ USD trong tháng 10 này. Bên cạnh sự tăng trưởng của mặt hàng sầu riêng còn có sự đóng góp của các mặt hàng như: mít, xoài, vải, dưa hấu, bưởi, nhãn…
Mặt hàng thanh long lại có sự giảm nhẹ và đạt gần 450 triệu USD bởi xuất khẩu thanh long ruột đỏ sang Trung Quốc và Mỹ giảm mạnh; hay thanh long đông lạnh sang Mỹ cũng giảm tương đối khá.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cuối năm Trung Quốc thường có nhu cầu thanh long cao. Điều này kì vọng xuất khẩu thanh long sẽ có sự hồi phục trở lại. Mới đây, trái dừa đã được cấp “visa” sang Mỹ và cùng với việc đàm phán xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm từ dừa sang Trung Quốc, thời gian tới trái dừa Việt Nam được kỳ vọng sẽ nhanh chóng trở thành mặt hàng tỷ USD. Những điều này góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành rau quả thời gian tới.
Tuy nhiên, theo ông Cao Bá Đăng Khoa, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, cơ hội thị trường mở ra nhưng cũng đặt ra không ít điều đáng lo. Đó là các doanh nghiệp trong tâm thế để xuất khẩu trái dừa chưa có nhiều.
“Khi nhiều nước mở cửa thị trường, doanh nghiệp sẽ đầu tư vội vã. Doanh nghiệp không có đủ thời gian đầu tư nghiên cứu kỹ thị trường để đáp ứng tốt yêu cầu thị trường”, ông Cao Bá Đăng Khoa cho hay.
Theo ông Cao Bá Đăng Khoa, hiện nay chỉ khoảng 20 doanh nghiệp có sự đầu tư bài bản, nghiên cứu kỹ về ngành hàng dừa. Các doanh nghiệp nhỏ thường không có nghiên cứu chiều sâu về thị trường, vội vã xuất khẩu sẽ rất dễ tạo ra “làn sóng” với trái dừa như giá sầu riêng hiện nay.
Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động thu hồi 74 mã số vùng trồng và 40 cơ sở đóng gói trái cây chuối, mít, thanh long, sầu riêng… để chủ động khắc phục đáp ứng yêu cầu nước nhập khẩu. Bởi, nếu bị các nước nhập khẩu thu hồi thì sẽ rất khó khăn trong việc đàm phán tháo gỡ, ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu nông sản nói chung và rau quả nói riêng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, để thực hiện tốt hơn trong quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, Cục Bảo vệ thực vật đang phối hợp với Cục Trồng trọt tham mưu lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ xây dựng Nghị định quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; Nghị định xử phạt đối với trường hợp vi phạm để nâng cao tính cảnh báo, răn đe.
Là một doanh nghiệp tham gia vào logistic, ông Đặng Đình Long, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư thương mại Mega A cho hay, Trung Quốc ngày càng đặt tiêu chuẩn cao hơn cho hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là sản phẩm nông sản, thực phẩm. Do đó, doanh nghiệp luôn phải đổi mới về bao bì, thiết kế sản phẩm sao cho phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật, văn hóa tiêu dùng, cùng với việc học hỏi, tìm hiểu kỹ nhu cầu, tiêu chuẩn chất lượng của thị trường này. Doanh nghiệp phải giữ vững chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu thị trường nhưng cũng không ngừng đổi mới sáng tạo sản phẩm của mình.
Bên cạnh những nỗ lực đáp ứng tốt về tiêu chuẩn chất lượng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, ngành sẽ tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường cho rau quả Việt sang các thị trường tiềm năng, đặc biệt là thị trường có giá trị cao. Riêng với Trung Quốc là nghị định thư về các mặt hàng gồm: dưa hấu từ mặt hàng xuất khẩu truyền thống chuyển sang ký nghị định thư để chuẩn hóa quy định; sầu riêng lạnh, ớt, dược liệu và trái cây có múi. Nếu giải quyết được đồng bộ các vấn đề trong xuất khẩu các mặt hàng này, thì việc giao thương sẽ rất thuận lợi, tốc độ tăng trưởng còn lớn hơn rất nhiều.
Sinh vật ngoại lai Trung Quốc tràn sang chợ Việt, hải sản ‘quý tộc’ giá siêu rẻ 
Đề án 1 triệu ha lúa: Cần phải thực sự đi vào đời sống nông dân!