Việt Nam đã tham gia tổng cộng 15 hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Canada, Mexico, Nhật Bản và Hàn Quốc...
Tăng trưởng xuất khẩu tại các thị trường có hiệp định thương mại
Trong 8 tháng đầu năm 2022, các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia đã đóng góp tích cực cho thành công chung của hoạt động xuất khẩu hàng hóa.
Việt Nam đã tham gia tổng cộng là 15 hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Canada, Mexico, Nhật Bản và Hàn Quốc...
Kết quả cho thấy, 8 tháng của năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 500 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước trong đó xuất khẩu tăng trên 17%.
Với Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), xuất khẩu 8 tháng đầu năm đạt 32 tỷ USD, tăng tới 24%. Đặc biệt, xuất siêu sang EU ước đạt tới 21,6 tỷ USD, tăng gần 47% so với cùng kỳ. Đây là con số ấn tượng sau 2 năm thực thi Hiệp định.
Trong khi đó, xuất khẩu sang các quốc gia trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) 7 tháng đầu năm cũng có tốc độ tăng trưởng rất cao, như sang Canada tăng trên 20%, Mexico trên 44%; Peru trên 84%...
Với các đối tác lớn khác, như Hàn Quốc, xuất khẩu 8 tháng ước đạt 16,5 tỷ USD; xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 15,6 tỷ USD, tăng 16 - 17%.
Với Hiệp định thương mại tự do với Anh, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh năm 2021 đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 16,4%.
Riêng về mặt hàng thuỷ hải sản, theo VASEP, tính đến hết tháng 8/2022, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang Nga đạt trên 94 triệu USD, giảm 20%, do xung đột Nga – Ukraine từ cuối tháng 2/2022. Trong tháng 3 và tháng 4/2022, xuất khẩu mặt hàng này giảm lần lượt 86% và 46% do vận tải tắc nghẽn, thanh toán thương mại khó khăn.
Tạo cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu
Những lợi thế từ Hiệp định tương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đang giúp Việt Nam đa dạng hóa từ sản phẩm cho đến thị trường. Con số xuất siêu 4 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm chính là minh chứng khách quan cho hoạt động ngoại thương của Việt Nam với các thị trường trên thế giới trong bối cảnh lạm phát toàn cầu.
Tuy nhiên, để tận dụng tối đa những lợi thế hiệp định mang lại, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thị trường, thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo chuỗi cung ứng bền vững. Quan trọng là cần hình thành một tư duy chuyên nghiệp về xây dựng thương hiệu để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Những ưu đãi thuế của các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia đã giúp doanh số xuất khẩu 8 tháng đầu năm của doanh nghiệp tăng tới 55% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với việc đầu tư quy trình khép kín từ vùng nguyên liệu đến sản xuất, chế biến, không ngừng nâng cao chất lượng để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường, doanh nghiệp còn chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu thông qua các kênh phân phối uy tín tại thị trường xuất khẩu.
Chỉ sau một năm hợp tác với đối tác ủy quyền tại châu EU, doanh nghiệp đã đăng ký sở hữu trí tuệ dưới tên thương hiệu Việt Nam cho sản phẩm của mình và phân phối sản phẩm trong hệ thống các siêu thị, nhà hàng tại Cộng hoà Czech, Đức, Nga.
Cùng với chiến lược đẩy mạnh chế biến sâu, sự kết nối chặt chẽ với các đại lý ủy quyền còn giúp doanh nghiệp nhanh nhạy với xu thế mới của thị trường, nhờ đó bắt kịp xu hướng dịch chuyển rất mạnh sang tiêu dùng hàng hóa xanh, sạch của thị trường EU.
Chủ động được quy trình chế biến sâu còn giúp các doanh nghiệp tự tin sử dụng chứng nhận xuất xứ C/O để nhận ưu đãi trong các FTA. Như với EVFTA, nếu tỷ lệ hàng xuất khẩu sử dụng C/O trong năm đầu tiên chỉ đạt 14%, thì sang năm thứ hai con số này đã tăng lên gần 21%.
Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa Việt Nam của EU cũng đã tăng mạnh, từ 0,1% vào năm 2020 lên tới gần 27% vào năm 2022.
Việt Nam đang thực hiện tốt Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) với Liên minh châu Âu. Đó là khẳng định của Nghị sĩ Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu.
Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế, Nghị viện châu Âu, nhận định: Thương mại hai chiều Việt Nam - châu Âu đang phát triển rất tốt, đã tăng tới 17%. Đó là lợi thế cho Việt Nam. Thời điểm ban đầu có một chút vướng mắc về một số loại hàng hóa, tuy nhiên sau 2 năm tôi nghĩ rằng Việt Nam đang thực hiện khá tốt hiệp định này. Bên cạnh việc thực thi, Việt Nam là quốc gia mới nổi, tiếp tục gia tăng đầu tư để nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu.
Theo Bộ Công Thương, phải sau 3 năm thực thi, biên độ và mức ưu đãi mà doanh nghiệp được hưởng mới đủ lớn để tạo động lực xuất khẩu mạnh hơn. Với EVFTA, năm sau là năm thứ 3 thực thi; còn CPTPP đã bước sang năm thứ 4. Do vậy, đây là thời điểm vàng để ưu tiên đẩy mạnh xuất khẩu, khẳng định giá trị thương hiệu hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh biến động giá cả làm giảm tổng cầu thế giới.
Xuất khẩu thủy sản sang Nga hồi mạnh trong tháng 8, dự cán mốc 190 triệu USD năm 2022 
Kỳ vọng vận tải đường sắt thay thế đường biển trong xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu 
10 quốc gia xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, đứng đầu là một đại diện châu Á