Thế giới

Ý nghĩa sâu xa của Ả-rập Xê-út khi làm trung gian cho Mỹ và Nga

Bình Giang 18/02/2025 - 13:32

Ngày 18/2, Ả-rập Xê-út sẽ tiếp các quan chức cấp cao của Mỹ và Nga để thực hiện cuộc hội đàm được cả thế giới quan tâm. Cuộc gặp này cho thấy vương quốc Hồi giáo đang đóng vai trò rất quan trọng để có thể hòa giải thành công các cuộc xung đột quốc tế.

Ý nghĩa sâu xa của Ả-rập Xê-út khi làm trung gian cho Mỹ và Nga ảnh 1
Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman. (Ảnh: AP)

Không những vậy, sự kiện lần này còn giúp Ả-rập Xê-út hướng tới một nguyện vọng khác: Có thêm đòn bẩy để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán trong tương lai về số phận của Dải Gaza sau xung đột.

Tích lũy sức mạnh mềm

Một nhóm do cố vấn an ninh quốc gia của Ả-rập Xê-út dẫn đầu sẽ tham gia cuộc họp ngày 18/2 của phái đoàn Nga và Mỹ. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đánh giá Ả-rập Xê-út là nơi phù hợp với cả Nga và Mỹ, tạo nên một chiến thắng ngoại giao cho Thái tử Mohammed bin Salman, nhà lãnh đạo 39 tuổi của vương quốc, người đang thực hiện sứ mệnh gây dựng sức mạnh mềm cho quốc gia nhiều dầu mỏ và quá khứ hà khắc.

“Tôi không nghĩ có nơi nào khác mà lãnh đạo ở đó có mối quan hệ cá nhân tốt như vậy với cả Tổng thống Trump và Tổng thống Putin”, nhà bình luận người Ả-rập Ali Shihabi, đánh giá. Ông cho rằng sự kiện lần này làm gia tăng uy tín và sức mạnh mềm của Ả-rập Xê-út ở khu vực và toàn cầu.

Theo các nhà quan sát, trong những năm gần đây, Ả-rập Xê-út đã điều chỉnh lại chính sách của họ theo hướng trung lập đối với các cuộc xung đột toàn cầu, với hy vọng có thể thu hút hàng tỷ đô la để giúp vương quốc thực hiện “Tầm nhìn 2030” mà thái tử kế vị đã đặt ra để chuyển nền kinh tế theo hướng giảm phụ thuộc vào dầu mỏ.

Ả-rập Xê-út đã rút khỏi Yemen sau nhiều năm chiến tranh với lực lượng Houthi ở đó. Nước này đang hàn gắn quan hệ với đối thủ Iran, giữ quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và Nga trong khi vẫn thân thiết với phương Tây.

Ngoài việc tổ chức các trận đấu quyền anh quốc tế và lễ hội nhạc điện tử, Ả-rập Xê-út còn tìm cách thể hiện hình ảnh gìn giữ hòa bình toàn cầu, tổ chức nhiều cuộc họp của các nhà tài trợ và hội nghị hòa bình.

Tháng 8/2023, nước này tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình kéo dài 2 ngày về Ukraine với sự tham gia của đại diện hơn 40 quốc gia, dù không có Nga. Tháng 2 năm đó, Ả-rập Xê-út cam kết viện trợ 400 triệu USD cho Ukraine.

Vai trò gia tăng của Thái tử bin Salman trong các cuộc đàm phán bắt nguồn từ mối quan hệ thân thiết của ông với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã ủng hộ nhà lãnh đạo trẻ tuổi khi ông bị quốc tế xa lánh sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Năm 2017, ông Trump phá vỡ truyền thống khi chọn Ả-rập Xê-út là quốc gia đầu tiên đến thăm sau khi nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên.

Sau khi ông Trump thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020, Ả-rập Xê-út vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ làm ăn gần gũi với ông Trump, đầu tư 2 tỷ USD vào một công ty do con rể ông Trump - Jared Kushner - làm chủ tịch và công bố kế hoạch xây dựng các tòa tháp Trump tại vương quốc này.

Thái tử thường được gọi là MBS cũng có mối quan hệ nồng ấm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người cũng không cô lập ông sau vụ sát hại nhà báo Khashoggi.

Thái tử bin Salman không tham gia nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Mátxcơva sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng thống Putin để kiểm soát nguồn cung dầu toàn cầu. Ông thậm chí đứng về phía Nga khi gạt bỏ lời kêu gọi của chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden trước đây về việc tăng sản lượng dầu năm 2022.

Tổng thống Nga Putin có chuyến thăm vương quốc này năm 2023 và đã thuyết phục Riyadh gia nhập BRICS - một nhóm các quốc gia đang nỗ lực chống lại ảnh hưởng kinh tế của Mỹ. Các nhà phân tích đánh giá việc Ả-rập Xê-út giữ gìn những mối quan hệ trong thế giới ngày càng phân cực đã chứng minh được lợi ích.

Vương quốc này đóng vai trò đáng kể để dẫn đến việc Nga thả giáo viên người Mỹ Mark Fogel vào tuần trước, Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff cho biết. Ả-rập Xê-út cùng UAE đã thành công khi làm trung gian cho một số cuộc trao đổi tù nhân giữa Ukraine và Nga.

Bài toán Dải Gaza

Ngày 17/2, ông Witkoff cùng Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz và Ngoại trưởng Marco Rubio họp với Thái tử bin Salman tại thủ đô Riyadh, một ngày trước khi đoàn Mỹ gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, Trợ lý Yury Ushakov của Tổng thống Putin và giám đốc quỹ đầu tư quốc gia Nga Kirill Dmitriev. Cuộc hội đàm lần này không có sự tham gia của Ukraine.

Phát biểu khi đang thăm thủ đô Abu Dhabi của UAE, Tổng thống Volodymir Zelensky cho biết ông sẽ đến Ả-rập Xê-út vào cuối tuần này để có cuộc hội đàm riêng với các quan chức Ả-rập Xê-út.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Trợ lý tổng thống Yury Ushakov đến Riyadh ngày 17/2 để gặp đoàn Mỹ. (Nguồn: Viory)

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo châu Âu vừa họp tại Paris (Pháp) để bàn cách phối hợp ứng phó với những bước đi của chính quyền Tổng thống Trump. Điều này cho thấy vai trò an ninh của châu Âu có thể không còn là ưu tiên của Mỹ nữa.

Về lâu dài, Ả-rập Xê-út có thể muốn tận dụng vai trò trung gian giữa Nga và Mỹ để giải quyết một vấn đề cấp bách của khu vực: Đề xuất gây tranh cãi của Tổng thống Trump rằng Mỹ sẽ tiếp quản Dải Gaza và di dời người Palestine khỏi đó vĩnh viễn.

Đầu tháng này, ông Trump nêu ra tầm nhìn của ông nhằm mang lại hòa bình cho Trung Đông, bằng cách tái phát triển Dải Gaza để biến nơi này thành "Riviera" và di dời vĩnh viễn hơn 2 triệu cư dân. Các nước Ả-rập ngay lập tức bác bỏ ý tưởng đó. Một hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra vào cuối tuần này tại Ả-rập Xê-út, nơi các bên bàn bạc về những kế hoạch thay thế để gửi đến ông Trump.

"Thông qua việc hỗ trợ thực hiện mục tiêu của Tổng thống Trump nhằm chấm dứt cuộc xung đột Ukraine, Ả-rập Xê-út đang ở vị thế thuận lợi để giành nhiều thiện chí từ Washington. Vương quốc có thể tận dụng lợi thế gia tăng của họ với chính quyền Trump để giúp thu hẹp khoảng cách giữa lập trường của Mỹ và các nước Ả-rập về số phận của Dải Gaza", Hasan Alhasan, thành viên cấp cao về chính sách Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế tại Bahrain, nhận định.

Bốn năm tới có thể chứng kiến Thái tử bin Salman tận dụng triệt để mối quan hệ thân thiết của ông với Tổng thống Trump, dù nhà lãnh đạo trẻ có thể sẽ gặp một số khó khăn trong nỗ lực cân bằng các lợi ích của mình ở khu vực với việc đáp ứng những yêu cầu của vị tổng thống Mỹ thích giao dịch.

Ông Trump muốn Ả-rập Xê-út và Israel bình thường hóa quan hệ. Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Đông vẫn vô cùng giận dữ về chiến dịch quân sự của Israel ở Dải Gaza, việc bảo vệ con đường thành lập nhà nước Palestine là điều không thể thương lượng về mặt chính trị đối với Thái tử bin Salman.

"Không thể đạt được hòa bình lâu dài và công bằng nếu người dân Palestine không giành được các quyền hợp pháp của họ theo các nghị quyết quốc tế, như đã được làm rõ với chính quyền Mỹ hiện tại và trước đây", Ả-rập Xê-út đưa ra tuyên bố đầu tháng này, để phản hồi đề xuất của ông Trump với Dải Gaza.

>> Ả-rập Xê-út vội vã tìm kế sách 'bán' cho Tổng thống Mỹ Trump

Nguy cơ ông Trump rút Mỹ khỏi NATO nếu phương Tây làm hỏng đàm phán Nga – Mỹ

Ả-rập Xê-út vội vã tìm kế sách 'bán' cho Tổng thống Mỹ Trump

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/y-nghia-sau-xa-cua-a-rap-xe-ut-khi-lam-trung-gian-cho-my-va-nga-post1718011.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Ý nghĩa sâu xa của Ả-rập Xê-út khi làm trung gian cho Mỹ và Nga
    POWERED BY ONECMS & INTECH