12.000 quán cà phê Trung Quốc đổ bộ thị trường tỷ dân, đe dọa phá thế độc tôn của Starbucks
Sự ủng hộ từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng với việc mở rộng nhanh chóng và cạnh tranh về giá đã khiến cà phê ngày càng trở nên phổ biến hơn với đại chúng ở đất nước đông dân thứ 2 thế giới.
Thị trường cà phê tại Trung Quốc đang bùng nổ khi sự mở rộng mạnh mẽ các cửa hàng và sự cạnh tranh giá cả khiến loại đồ uống này trở nên dễ tiếp cận hơn với số đông. Đồng thời, sự ủng hộ từ Chủ tịch nước Tập Cận Bình cũng góp phần thúc đẩy sự quan tâm của người dân quốc gia đông dân thứ nhì thế giới (hơn 1,41 tỷ người tính đến ngày 4/5/2025, theo Worldometer).
Khi văn hóa cà phê lan rộng ra ngoài các thành phố lớn nhất và dần rũ bỏ hình ảnh “cao cấp”, các doanh nghiệp mới với mô hình kinh doanh và hương vị độc đáo đã đổ xô vào việc gia nhập thị trường béo bở này, buộc các thương hiệu hiện tại phải điều chỉnh lại chiến lược, theo các chuyên gia trong ngành cho biết.

Theo dữ liệu từ Canyan.com – nhà cung cấp thông tin ngành thực phẩm và đồ uống, tổng cộng 66.920 quán cà phê đã được mở tại Trung Quốc trong năm qua. Sau khi tính cả số lượng quán đóng cửa, con số tăng ròng là gần 12.000 quán.
Sự bùng nổ này diễn ra trong bối cảnh có sự thúc đẩy chính thức nhằm quảng bá hạt cà phê nội địa, với việc Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu vào tháng 3 năm nay rằng cà phê từ tỉnh Vân Nam ở nội địa phía Tây Nam “đại diện cho Trung Quốc”.
Cả các chuỗi cà phê nội địa lẫn quốc tế đều đang cảm nhận tác động, trong đó “Vua cà phê” Starbucks là bên chịu thiệt hại nặng nề nhất. Từng là cái tên đồng nghĩa với cà phê ở Trung Quốc, thị phần của Starbucks đã giảm từ 34% năm 2019 xuống còn 14% vào năm 2024, theo Euromonitor International. Doanh thu tại các cửa hàng Starbucks hiện có ở Trung Quốc của thương hiệu đến từ Mỹ đã giảm 8% trong năm tài chính 2024, theo báo cáo tài chính của công ty.
Tính đến năm 2025, Starbucks vẫn là chuỗi cà phê lớn nhất thế giới dựa trên số lượng cửa hàng và doanh thu toàn cầu. Starbucks - chuỗi cửa hàng cà phê và kho rang xay đa quốc gia của Mỹ có trụ sở chính tại Seattle , Washington có trên 38.000 cửa hàng tại hơn 80 quốc gia, trong đó có Trung Quốc (6.000 cửa hàng), Canada (2.359), Hàn Quốc (1.893), Nhật Bản (1.415), Indonesia (500), Thái Lan (410), Việt Nam (100)...

Phần lớn sự tăng trưởng của các quán cà phê Trung Quốc trên thị trường quốc nội tập trung ở các thành phố hạng hai và “hạng nhất mới” – những trung tâm đô thị không kết nối toàn cầu như Bắc Kinh hay Thượng Hải nhưng đang phát triển nhanh cả về dân số lẫn sức mạnh kinh tế. Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, đã mở thêm 1.995 cửa hàng trong năm qua, đứng thứ ba toàn quốc. Hàng Châu – trung tâm công nghệ phía Đông Trung Quốc xếp thứ sáu với 1.725 cửa hàng mới.
Thói quen tiêu dùng thay đổi đang thúc đẩy sự mở rộng này, khi cà phê chuyển từ biểu tượng địa vị thành đồ uống phục vụ nhu cầu thực tiễn, theo ông Quách Hưng Quân (Guo Xingjun) – nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Nowwa Coffee, một trong những chuỗi cà phê lớn nhất Trung Quốc với hơn 2.000 địa điểm.
Ông cho biết sự phổ biến của cà phê vượt ra ngoài tầng lớp nhân viên văn phòng đang mở ra những cơ hội mới. “Để tôi cho bạn một ví dụ, Thượng Hải là thành phố có kinh tế phát triển nhất Trung Quốc với dân số 24 triệu người, nhưng chỉ khoảng 8 triệu cư dân là nhân viên văn phòng. Những người tiêu dùng trẻ làm phục vụ ở trung tâm thương mại, nhân viên bán hàng tại Chow Tai Fook hoặc tài xế giao hàng chiếm phần lớn trong 16 triệu người còn lại. Họ từng dùng nước tăng lực để tiếp sức, nhưng giờ họ thích uống nhanh một ly cà phê”, ông Quách nói.
Nowwa đang đặt cược vào xu hướng này khi mở rộng sự hiện diện ở các thị trường cấp thấp hơn để giành chỗ đứng trong ngành đang có sự cạnh tranh về giá ngày càng khốc liệt. Riêng trong tháng 3 năm 2025, chuỗi cà phê Trung Quốc này đã mở “hàng trăm cửa hàng trên toàn quốc” và doanh thu hàng tháng đã tăng gấp đôi, ông Quách cho biết nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết.
Sự mở rộng này đưa thương hiệu Nowwa cạnh tranh trực tiếp với nhà sản xuất cà phê giá rẻ Manner và thậm chí vượt qua cả thương hiệu K Coffee thuộc chuỗi KFC về số lượng cửa hàng.
Yếu tố then chốt là mô hình cửa hàng nhỏ, siêu hiệu quả.
Phần lớn các cửa hàng của Nowwa được đặt trong các địa điểm bán lẻ như cửa hàng tiện lợi, tiệm internet và khách sạn bình dân, theo website của hãng. Trung bình, các cửa hàng này có diện tích 30 - 40 m2, nhỏ hơn nhiều so với khoảng 200 m2 của một cửa hàng Starbucks điển hình.
Thông qua mô hình này, Nowwa tận dụng được các nguồn lực sẵn có của nhà bán lẻ như điều hòa không khí, lưu lượng khách và thậm chí cả chuỗi cung ứng, ông Quách cho biết.

Ngành cà phê Trung Quốc đã đạt giá trị thị trường 624 tỷ nhân dân tệ (gần 86 tỷ USD) và được dự báo sẽ đạt 1.000 tỷ nhân dân tệ (gần 138 tỷ USD) trong năm nay, theo một báo cáo được công bố vào tháng 11 năm ngoái của iiMedia Research.
Tuy nhiên, khi thị trường mở rộng, cạnh tranh cũng tăng theo, gây áp lực lên giá bán. Theo dữ liệu từ canyin88.com, mức giá trung bình người tiêu dùng Trung Quốc trả cho một ly cà phê đã giảm xuống còn 28 nhân dân tệ (khoảng 100 nghìn đồng) vào năm 2024, giảm 14% so với năm trước.
“Thị trường cà phê tại Trung Quốc đang trở nên bão hòa”, ông Nathanael Lim, Trưởng nhóm nghiên cứu mảng đồ uống khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Euromonitor nhận định. “Các thương hiệu nội địa và thương hiệu mới đang mở rộng rất nhanh. Cuộc chiến giá và các chương trình khuyến mãi đã dẫn đến việc giảm lợi nhuận và khiến nhiều quán cà phê nhỏ phải đóng cửa”.
Để tồn tại, các chuỗi cà phê tại Trung Quốc đang phải thích nghi, ông Lim cho biết. Nhiều thương hiệu đang mở rộng sang trà, đồ nướng và các loại đồ uống mang đậm yếu tố văn hóa, trong khi một số khác thiết lập cửa hàng tại các địa điểm du lịch nổi tiếng như chùa cổ để thu hút khách qua đường và tạo hiệu ứng truyền thông xã hội. Ông nói thêm rằng các thương hiệu nước ngoài cần đẩy mạnh nội địa hóa và tìm kiếm đối tác địa phương “để duy trì khả năng cạnh tranh”.
Theo SCMP
Quốc gia châu Á ‘vớ bẫm’ từ loạt máy bay Boeing bị Trung Quốc trả về
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ cảnh báo Washington về xung đột thuế quan