Quốc gia châu Á ‘vớ bẫm’ từ loạt máy bay Boeing bị Trung Quốc trả về
Thương vụ mua lại tiềm năng này được đánh giá có thể mang lại lợi thế lớn cho ngành hàng không Ấn Độ, giúp giải quyết tình trạng thiếu công suất và tận dụng cơ hội địa chính trị hiếm có giữa căng thẳng Mỹ - Trung.
Các hãng hàng không Ấn Độ đang nhắm tới hàng chục chiếc Boeing bị phía Trung Quốc từ chối tiếp nhận. Theo các chuyên gia, lô máy bay này có thể mang lại lợi thế lớn cho ngành hàng không Ấn Độ trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt và nhu cầu đi lại tăng mạnh.
Dẫn đầu thương vụ tiềm năng là Air India, với kế hoạch mua tới 10 chiếc Boeing 737 Max. Một lãnh đạo ngành hàng không tiết lộ rằng các cuộc thảo luận giữa các hãng Ấn Độ và Boeing đang ở “giai đoạn nghiêm túc, nếu không muốn nói là sắp hoàn tất”.
Air India từ chối bình luận, trong khi Boeing cho biết hãng này là một trong nhiều lựa chọn đang được cân nhắc cho số máy bay bị chuyển hướng khỏi Trung Quốc.
“Thương vụ này đang rất sáng sủa và có thể là món hời với hàng không Ấn Độ, bởi số máy bay này gần như có thể đưa vào vận hành ngay, không phải chờ đợi. Tuy nhiên, vẫn còn một số chi tiết cần hoàn thiện”, vị chuyên gia nói thêm.

Diễn biến mới nhất trong câu chuyện hàng không giữa Ấn Độ và Trung Quốc xuất hiện sau khi CEO Boeing, ông Kelly Ortberg, tiết lộ trong cuộc họp báo cáo lợi nhuận hôm 23/4 rằng nhiều hãng hàng không Trung Quốc đã từ chối nhận các đơn hàng trước đó - hệ quả từ căng thẳng thương mại leo thang giữa Bắc Kinh và Washington.
Air India Express - hãng hàng không giá rẻ trực thuộc Air India - hiện vận hành đội bay 100 chiếc và đang tìm cách mở rộng để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng trong nước.
Hãng này cũng từng có kinh nghiệm mua lại các máy bay “đuôi trắng” - thuật ngữ chỉ máy bay sản xuất theo đơn đặt hàng nhưng sau đó được bán cho khách hàng khác.
Manish Chheda, CEO công ty tư vấn hàng không YCP Auctus tại Ấn Độ, nhận định: “Việc Air India quan tâm đến thương vụ là điều hợp lý về mặt chiến lược. Các hãng hàng không Ấn Độ đang tăng trưởng mạnh nhưng bị hạn chế công suất do các đơn giao máy bay mới từ cả Boeing và Airbus đều chậm”.
Theo Chheda, Air India đã nhận 41 chiếc Boeing 737 Max vốn được sản xuất cho các hãng Trung Quốc trước thời hạn tháng 3/2025 - cho thấy năng lực và quyết tâm tích hợp đội bay từ nguồn cung này.
Thị trường hàng không Ấn Độ tăng tốc
Với tầng lớp trung lưu đang mở rộng, sự phát triển của các hãng bay giá rẻ và chính sách hỗ trợ tích cực, Ấn Độ hiện là một trong những thị trường hàng không tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Việc mở rộng sân bay, cơ cấu dân số trẻ và cạnh tranh giữa các hãng bay đang thúc đẩy sự bùng nổ của ngành.
Hiện tại, Ấn Độ có khoảng 850 máy bay chở khách, trong đó 70% thuộc Airbus.
Dự báo cho thấy nước này sẽ cần thêm khoảng 2.000 máy bay trong hai thập kỷ tới, với đơn đặt hàng chia đều cho Boeing và Airbus. Chính phủ Ấn Độ lâu nay kêu gọi cả hai hãng thiết lập dây chuyền lắp ráp cuối tại nước này nhằm đẩy mạnh sản xuất và tạo việc làm, nhưng chưa có kết quả rõ rệt.

Tuy vậy, việc mua lại số máy bay bị Trung Quốc từ chối có thể mang lại lợi thế đáng kể trong ngắn hạn.
“Điều này giúp giải quyết tình trạng thiếu công suất nghiêm trọng mà các hãng hàng không Ấn Độ đang đối mặt. Việc bổ sung đội bay sẽ giúp mở rộng nhanh chóng vào đúng lúc nhu cầu hành khách vượt xa khả năng cung ứng”, Chheda nói. “Đặc biệt khi chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đang bị gián đoạn khiến việc giao máy bay mới từ Boeing và Airbus tiếp tục chậm trễ”.
Đại dịch Covid-19 đã gây ra gián đoạn lớn trong chuỗi cung ứng ngành hàng không toàn cầu, và đến nay ngành vẫn chưa phục hồi hoàn toàn trước tình trạng tồn đọng kéo dài nhiều năm.
Các hãng hàng không Ấn Độ cũng chịu ảnh hưởng từ việc giao hàng bị trì hoãn. Tuy vậy, từ góc độ cạnh tranh, những thương vụ như thế này có thể được chốt với điều kiện thuận lợi, cải thiện tài chính cho các hãng. Dù chi tiết giá không được tiết lộ, Chheda cho rằng các hãng có thể tận dụng lợi thế đàm phán để đạt mức giá tốt hơn so với đơn hàng mới.
Những thách thức phía trước
Mặt khác, việc tiếp nhận các máy bay vốn được thiết kế theo tiêu chuẩn Trung Quốc đặt ra nhiều thách thức. Các hãng Ấn Độ sẽ phải điều chỉnh để đáp ứng quy định trong nước, nâng cấp thiết bị điện tử hàng không, xin phê duyệt, thu xếp tài chính và thay đổi nhận diện thương hiệu.
Ông Harsh Vardhan, Chủ tịch hãng tư vấn Starair, nhận xét: “Phần lớn thế giới đang trong giai đoạn suy giảm kinh tế theo cách này hay cách khác. Vì vậy, Ấn Độ có cơ hội ở đây. Việc tích hợp lại không đơn giản, vì mỗi hãng có nhu cầu khác nhau. Nếu là kế hoạch mua máy bay từ đầu, kỹ thuật viên và phi hành đoàn sẽ được chuẩn bị trước. Nhưng trong trường hợp này, bạn không thể chỉ mua máy bay rồi lập tức khai thác mà cần phát triển thị trường trước”.
Ông lưu ý rằng, về dài hạn, Mỹ và Trung Quốc vẫn có thể tìm được tiếng nói chung để giải quyết các đơn hàng của Boeing.
Trong khi đó, Chheda thấy rằng, dù còn trở ngại, lợi ích dành cho Ấn Độ lớn hơn nhiều so với khó khăn.
“Các hãng hàng không châu Á khác cũng đang để mắt đến số máy bay này, tạo ra áp lực cạnh tranh trong quá trình đàm phán. Nhanh chóng ra quyết định và thực thi sẽ là yếu tố then chốt để chốt được thương vụ”, ông nói.
Theo SCMP
Thuế nhập khẩu tăng vọt, dân Mỹ bay hẳn sang Trung Quốc để săn hàng giá rẻ
Trung Quốc bất ngờ miễn thuế 1/4 hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, danh sách hơn 130 mặt hàng