5 triệu người Việt Nam đi du lịch nước ngoài, có đáng lo?
Con số 5 triệu người Việt Nam đi du lịch nước ngoài trong năm 2023 mới bằng một nửa so với trước dịch Covid-19. Các chuyên gia cho rằng điều đó không đáng lo vì như vậy mới tạo sự đối lưu, có khách ra khách vào.
Các điểm đến đông khách Việt nhất
Theo các công ty lữ hành, du lịch  nước ngoài (outbound) tiếp tục giữ vị thế chủ đạo trong mùa du lịch Tết 2024. Tại một số đơn vị, số khách outbound chiếm tới 55-60% tổng lượng khách, hay tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ vào dịp Tết, đi du lịch nước ngoài là xu hướng ngày càng được khách Việt ưa chuộng và lựa chọn. Ông Vũ Quốc Trí, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam, thông tin, năm 2023, khoảng 5 triệu người Việt Nam đi du lịch nước ngoài.
Trong đó, đông nhất là lượng khách Việt Nam đi Thái Lan, với khoảng hơn 1 triệu người. Tiếp theo là hơn 536.800 lượt khách đến Nhật Bản, vượt năm 2019, cao nhất từ trước tới nay. Khách đi Hàn Quốc là 420.000 lượt, đứng đầu khu vực ASEAN và thứ 5 châu Á. Thứ tư là thị trường Đài Loan (Trung Quốc) với 350.000 người.
Nhu cầu du lịch nước ngoài tại Việt Nam tăng mạnh từ năm 2022 trong bối cảnh đi lại giữa các nước ngày càng dễ dàng, thuận tiện hơn sau dịch Covid. Sau 3 năm “cuồng chân” và các điểm đến trong nước dần bão hòa, giá vé máy bay nội địa năm nay lại ở mức cao ngất ngưởng; trong khi đó, các điểm đến nước ngoài có những chính sách hấp dẫn, ưu đãi về visa, kích cầu, có thêm giá trị gia tăng cho khách... khiến số người Việt đổ đi du lịch nước ngoài ngày càng nhiều.
Đại diện khách sạn JW Marriott Hanoi cho rằng, ông Nguyễn Viết Tạo cho rằng, nhiều điểm đến trong nước, do quy hoạch mà phát triển du lịch trở nên lộn xộn, dẫn tới phá vỡ cảnh quan. Cộng với tình trạng giá vé máy bay tăng quá cao tại một số địa phương, giá dịch vụ cũng tăng gấp đôi, gấp ba đã làm mất đi hình ảnh, chất lượng của ngành du lịch trong mắt du khách. Nếu cứ tư duy theo kiểu theo mùa vụ là chúng ta đang tự ghè đá vào chân mình, ông Tạo lo ngại.
Bà Trần Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị và truyền thông Vietluxtour, phân tích, việc giá vé máy bay trong nước đắt đỏ khiến khách nảy sinh tâm lý phân vân, so sánh với các tour nước ngoài. Bởi giá vé tăng kéo giá land tour nội địa tăng theo, còn đi nước ngoài về cơ bản giá tour ổn định, nếu có tăng cũng không đáng kể.
Có sự đối lưu, khách sẽ đến đông hơn
Trước những phân vân về việc du khách Việt Nam đổ xô đi du lịch nước ngoài ảnh hưởng đến du lịch trong nước, các chuyên gia và công ty du lịch cho rằng điều đó không quá lo ngại.
Trên thực tế, giai đoạn trước dịch (năm 2019), du lịch nước ngoài đã từng bùng nổ. Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo của nhiều cơ quan du lịch quốc tế, năm 2018, có gần 10 triệu lượt người Việt đi du lịch nước ngoài. Trong 5 năm 2013-2018, lượng khách này tăng trưởng liên tục với tốc độ bình quân 20%/năm.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, nhìn nhận, đây là xu hướng, quy luật thị trường theo nhu cầu của du khách. Chúng ta không thể đi ngược lại, mà chỉ có thể khai thác một cách hiệu quả hơn, khi nhu cầu khách ngày càng đa dạng, thay đổi cơ bản do tác động của thương mại điện tử.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Trí nhận xét không quá lo ngại về việc này, bởi khi có lượng khách đối lưu tốt chúng ta mới có nhiều nguồn lực khai thác khách vào. Một chuyến bay không chỉ trông chờ vào khách một chiều. Điểm đến nào có sự đối lưu khách tốt sẽ nhanh chóng có nhiều chuyến bay hơn cũng như thu hút khách vào tốt hơn.
Ông dẫn chứng, Phú Quốc đến nay chưa tăng được nguồn khách vào cũng như số lượng chuyến bay là do nội lực bán ra của khách tại chỗ đi nước ngoài không cao. Với quy mô dân số hơn 70.000 người, nhu cầu đi du lịch nước ngoài không cao, nếu đảo Ngọc chỉ trông chờ vào nhu cầu một chiều khách đến (cả trong và ngoài nước) thì khó có thể duy trì một điểm đến phát triển nhanh.
Điều này minh chứng ở lượng khách quốc tế đến nước ta. Năm nay, theo số liệu từ Cục Du lịch quốc gia, Việt Nam ước đón 12,5 triệu lượt khách quốc tế, vượt mục tiêu 8 triệu khách đặt ra hồi đầu năm.
Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu về thị trường gửi khách trong 11 tháng, với 3,2 triệu lượt và chiếm 28,2% thị phần. Tiếp theo là thị trường Trung Quốc với 1,5 triệu lượt. Các điểm đến đón nhiều khách Việt Nam cũng xuất hiện trong top đầu lượng khách đến nước ta như Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan,...
Tuy nhiên, riêng tại thị trường Thái Lan, lượng khách Việt Nam đến đây tăng gấp hơn 2 lần (trên 1 triệu) so với số khách Thái đến nước ta (chỉ 442.000 lượt) trong 11 tháng năm 2023.