Xã hội

70 năm trước, một thảm họa y tế khiến ít nhất 130 trẻ tử vong: Uống sữa nhiễm ‘thạch tín’, hàng chục nghìn trẻ sơ sinh bị nhiễm độc

Hải Châu 27/04/2025 16:00

Phần lớn trẻ em sống sót sau vụ việc phải đối mặt với các di chứng nghiêm trọng.

Vụ ngộ độc sữa Morinaga (Morinaga Milk Arsenic Poisoning Incident), là một thảm họa y tế nghiêm trọng xảy ra tại Nhật Bản vào năm 1955. Đây được xem là một trong những vụ ngộ độc thực phẩm lớn nhất trong lịch sử nước này, vụ việc xảy ra trong bối cảnh Nhật Bản đang trong giai đoạn phục hồi sau Thế chiến II, khi hệ thống quản lý an toàn thực phẩm còn nhiều sơ hở.

70 năm trước, một thảm họa y tế khiến ít nhất 130 trẻ tử vong: Uống sữa nhiễm ‘thạch tín’, hàng chục nghìn trẻ sơ sinh bị nhiễm độc - ảnh 1
Lô sữa Morinaga được thu thập. Ảnh: GetArchive

Nguyên nhân của sự cố bắt nguồn từ việc sử dụng nguyên liệu dicalcium phosphate, một chất bổ sung khoáng trong sản phẩm sữa bột, bị nhiễm thạch tín (arsenic) ở mức độ nguy hiểm. Do không trải qua quy trình kiểm định chặt chẽ, chất này đã được pha trộn vào sữa bột Morinaga, gây nhiễm độc hàng loạt.

Ngoài dicalcium phosphate, một số tài liệu cũng đề cập đến việc công ty đã trộn thạch tín vào chất bảo quản disodium phosphate trong quy trình sản xuất. Lỗ hổng trong khâu kiểm định chất lượng và hệ thống giám sát thực phẩm yếu kém là nguyên nhân trực tiếp khiến hàng nghìn trẻ em trở thành nạn nhân.

Từ tháng 6/1955, một số trẻ sơ sinh tại khu vực phía tây Nhật Bản xuất hiện các triệu chứng như tiêu chảy, nôn mửa, táo bón, bụng trướng và thay đổi sắc tố da. Các trường hợp này đều có điểm chung là được nuôi bằng sữa bột, sau được xác định là sản phẩm của thương hiệu Morinaga Milk.

Trong giai đoạn đầu, tên công ty chưa được công bố chính thức. Một phóng viên cho biết từng được khuyên ngầm ngừng sử dụng sản phẩm sau khi con mình phát bệnh. Đến tháng 8/1955, thương hiệu Morinaga mới chính thức được nêu tên.

70 năm trước, một thảm họa y tế khiến ít nhất 130 trẻ tử vong: Uống sữa nhiễm ‘thạch tín’, hàng chục nghìn trẻ sơ sinh bị nhiễm độc - ảnh 2
Nạn nhân của sữa nhiễm thạch tín từ sữa Morinaga. Ảnh: GetArchive

Theo thống kê thời điểm xảy ra vụ việc, hơn 12.000 trẻ sơ sinh đã bị ảnh hưởng bởi vụ nhiễm độc, trong đó ít nhất 130 trẻ tử vong. Những trẻ sống sót thường phải chịu các di chứng nghiêm trọng như tổn thương não, liệt vận động hoặc chậm phát triển trí tuệ.

Một số nhà nghiên cứu, trong đó có William R. Cullen, cho biết công ty Morinaga đã không tích cực theo dõi và nghiên cứu tình trạng sức khỏe của những người sống sót sau sự cố. Hành động này vấp phải phản ứng tiêu cực từ công chúng, dẫn đến làn sóng tẩy chay sản phẩm của công ty trong những năm 1960.

Vụ việc sau đó được đưa ra xét xử tại Tòa án quận Tokushima. Trong phán quyết ban đầu, tòa tuyên bố bị đơn vô tội và bác bỏ yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, Tòa án cấp cao Takamatsu đã xem xét lại và đảo ngược phán quyết vào ngày 31/3/1966. Năm 1969, sau khi kháng cáo cuối cùng bị bác bỏ, người đứng đầu quy trình sản xuất tại nhà máy Morinaga bị tuyên án 3 năm tù giam.

70 năm trước, một thảm họa y tế khiến ít nhất 130 trẻ tử vong: Uống sữa nhiễm ‘thạch tín’, hàng chục nghìn trẻ sơ sinh bị nhiễm độc - ảnh 3
Mẹ của các nạn nhân vụ sữa nhiễm thạch tín từ sữa Morinaga. Ảnh: GetArchive

Vụ kiện kéo dài trong suốt 18 năm, trong đó nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra, yêu cầu công ty phải nhận trách nhiệm và bồi thường cho các nạn nhân. Trong quá trình xử lý dân sự, một hội đồng xét xử cho rằng các di chứng ở trẻ em không phải do asen gây ra mà là hậu quả của các bệnh lý từ trước. Kết luận này khiến dư luận bức xúc vì được cho là che giấu bản chất thực sự của vụ việc.

Theo một số đánh giá, việc hội đồng quy kết các hậu quả này là "thảm họa tự nhiên" thay vì hậu quả của sai sót trong sản xuất đã làm sai lệch nhận thức công chúng về bản chất của sự cố.

Để hỗ trợ nạn nhân, tháng 4/1974, Quỹ Hikari được thành lập với mục tiêu hỗ trợ phát triển khả năng tự lập cho những người bị ảnh hưởng. Đến cuối tháng 3/1983, tổng cộng 13.396 nạn nhân đã được xác định, trong đó 6.389 người có liên hệ thường xuyên với Quỹ. Tính đến năm 2019, đã có 13.451 người được chứng nhận là nạn nhân.

Các hoạt động của tổ chức này tập trung vào việc tạo điều kiện xã hội phù hợp để hỗ trợ sự phát triển lâu dài của các nạn nhân, với sự tham gia chủ yếu của các phụ huynh từng tham gia vào các nhóm bảo vệ quyền lợi người bị hại.

>> Vụ 3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất 'nước kẹo' ở Nghệ An: Nhận diện giá sạch để bảo vệ sức khỏe gia đình

Sữa giả, thuốc giả

'Xiên bẩn' - món ăn đường phố quen thuộc: Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc, nhiễm khuẩn và tích tụ độc tố

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/70-nam-truoc-mot-tham-hoa-y-te-khien-it-nhat-130-tre-tu-vong-uong-sua-nhiem-thach-tin-hang-chuc-nghin-tre-so-sinh-bi-nhiem-doc-140654.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    70 năm trước, một thảm họa y tế khiến ít nhất 130 trẻ tử vong: Uống sữa nhiễm ‘thạch tín’, hàng chục nghìn trẻ sơ sinh bị nhiễm độc
    POWERED BY ONECMS & INTECH