Vùng núi nghèo phía Bắc Việt Nam sắp có 'cú hích tỷ đô' kết nối với thị trường 500 triệu dân của Trung Quốc
Khi tuyến đường hoàn thiện, Việt Nam sẽ không chỉ là điểm trung chuyển mà còn trở thành đầu mối kinh tế quan trọng trong mạng lưới vận tải của châu Á.
Ngày 19/2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, với tổng mức đầu tư 203.231 tỷ đồng, tương đương gần 8,4 tỷ USD. Đây là dự án tỷ đô với tham vọng sẽ tạo nên trục giao thông huyết mạch kết nối vùng núi nghèo phía Bắc Việt Nam với khu vực Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc – nơi có tới 500 triệu dân.

Theo Nghị quyết, tuyến đường sắt hiện đại sẽ dài gần 391km, đi qua các tỉnh, thành phố như Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Đây là khu vực có tầm ảnh hưởng kinh tế lớn, chiếm khoảng 20% dân số, 25,4% GRDP và 25% số khu công nghiệp của cả nước.
Chính vì thế, dự án này không chỉ là một tuyến đường sắt mà còn là bước tiến quan trọng trong chiến lược trong kết nối kinh tế – thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Với vận tốc có thể lên tới 160km/h, tuyến đường sắt này kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực vận tải , giảm chi phí logistics và mở rộng khả năng liên vận quốc tế.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, đến năm 2050, tuyến hành lang này sẽ phục vụ khoảng 397 triệu tấn hàng hóa và 334 triệu hành khách. Trong đó, riêng đường sắt được kỳ vọng đảm nhiệm hơn 25 triệu tấn hàng và gần 19 triệu lượt khách.
Từ vùng cao đến thế giới – Hành trình của cơ hội
Với vị trí địa lý tiếp giáp Trung Quốc, tuyến đường sắt này mở ra cánh cửa kết nối sâu rộng hơn với tuyến đường sắt Trung Quốc – Lào, vốn đã góp phần đẩy GDP của Lào tăng 6,5% sau khi đi vào hoạt động. Đồng thời, dự án này cũng giúp Việt Nam có cơ hội vươn xa trong mạng lưới đường sắt liên Á, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa từ nội địa Việt Nam ra khu vực ASEAN, sang Trung Quốc, thậm chí tới cả châu Âu thông qua hành lang Á – Âu.

Tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) là nơi kết nối trực tiếp với tuyến đường sắt này, đang là trung tâm logistics và giao thương của khu vực. Với vai trò trung chuyển hàng hóa sang Lào, Thái Lan, Malaysia và các quốc gia Đông Nam Á khác, Vân Nam sẽ là cầu nối quan trọng trong chuỗi cung ứng xuyên quốc gia – nơi Việt Nam giữ một mắt xích then chốt.
Không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi thương mại khu vực, tuyến đường sắt này còn là cú hích kinh tế cho toàn bộ vùng Bắc Bộ – nơi nhiều tỉnh còn gặp khó khăn về hạ tầng. Khi tuyến đường đi vào hoạt động, các khu công nghiệp và cảng dọc tuyến sẽ được tiếp thêm động lực phát triển, góp phần rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa vùng núi và đồng bằng.
Cái bắt tay trở thành cú hích tỷ đô
Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam và Trung Quốc hợp tác trong lĩnh vực đường sắt. Từ đầu thế kỷ 20, tuyến đường sắt nối Việt Nam với tỉnh Vân Nam đã được xây dựng dưới thời Pháp thuộc. Đến năm 2017, tuyến tàu hàng từ Nam Ninh (Quảng Tây) đến Yên Viên (Hà Nội) cũng được khai trương nhưng vẫn mất gần 20 giờ di chuyển. Thời gian chính là rào cản lớn trong vận chuyển xuyên biên giới. Chính vì thế, dự án tuyến đường sắt này với tiêu chuẩn đồng bộ sẽ cho phép tàu hàng chạy thẳng qua biên giới, tiết kiệm thời gian và chi phí rất đáng kể.
Các chuyên gia Trung Quốc nhận định rằng, với việc đồng bộ hạ tầng đường sắt, Việt Nam có thể hội nhập sâu hơn vào mạng lưới logistics quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong kết nối giữa Trung Quốc và Đông Nam Á. Hàng hóa từ Việt Nam không chỉ lưu thông nhanh hơn mà còn được vận chuyển đến tận châu Âu một cách thuận tiện, nhờ kết nối với hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc và mạng lưới liên Á.
Việc đầu tư vào dự án đường sắt trị giá hàng tỷ USD không chỉ thể hiện quyết tâm chiến lược của Việt Nam trong phát triển hạ tầng giao thông mà còn là biểu tượng cho tầm nhìn dài hạn về hội nhập và hợp tác khu vực. Khi tuyến đường hoàn thiện, Việt Nam sẽ không chỉ là điểm trung chuyển mà còn trở thành đầu mối kinh tế quan trọng trong mạng lưới vận tải của châu Á.
* Tổng hợp
>>Thủ tướng chỉ đạo khởi công 2 tuyến đường sắt trọng điểm trị giá 255 nghìn tỷ đồng tại 2 vị trí này
Khởi công đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước 31/12/2026
Thủ tướng chỉ đạo khởi công 2 tuyến đường sắt trọng điểm trị giá 255 nghìn tỷ đồng tại 2 vị trí này