Ấn Độ phóng thành công vệ tinh phân cực tia X vào vũ trụ để nghiên cứu hố đen
Ấn Độ vừa qua đã phóng thành công vệ tinh XPoSat để nghiên cứu các hố đen và sao neutron, đặt mục tiêu trở thành một cường quốc không gian hàng đầu thế giới.
Trong một khởi đầu đáng chú ý của năm 2024, Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã đạt được một cột mốc quan trọng khác khi phóng thành công Vệ tinh  phân cực tia X (XPoSaT).
Đánh dấu sứ mệnh phóng lần thứ 60 của mình, tên lửa PSLV-C58 mang theo vệ tinh phân cực tia X cùng 10 vệ tinh khác được phóng vào quỹ đạo từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan ở đảo Sriharikota, bang miền Nam Andhra Pradesh vào ngày 1/1.
Với trọng lượng 400kg, XPoSat được thiết kế dựa trên vệ tinh Mini Satellite-2 (IMS-2) của Ấn Độ . Đáng chú ý, thiết kế này cho phép tàu vũ trụ có thể chở được trọng tải khoảng 200kg, thể hiện sự tiến bộ đáng kể của cơ quan này về khả năng thám hiểm không gian.
Tên lửa mang theo vệ tinh phân cực tia X được phóng từ Sriharikota ở Andhra Pradesh. Ảnh: ISRO |
Vệ tinh mang theo 2 thiết bị, đó là POLIX, dụng cụ đo phân cực trong tia X và XSPECT, dụng cụ đo thời gian và độ phân giải quang phổ tia X.
Các thiết bị này sẽ giúp các nhà khoa học thu thập dữ liệu quan trọng về cơ chế bức xạ và hình học của các nguồn thiên thể, đồng thời đóng vai trò là công cụ chẩn đoán quan trọng trong việc kiểm tra và nghiên cứu các hiện tượng vũ trụ như hố đen và sao Neutron.
Dự kiến nhiệm vụ XPoSaT kéo dài ít nhất 5 năm và sẽ điều tra khoảng 50 nguồn thiên thể.
Cựu Chủ tịch ISRO Madhavan Nair cho biết: "PSLV đã phát triển thành một trong những phương tiện đáng tin cậy và hiệu quả nhất về mặt chi phí trong bối cảnh toàn cầu. Hồ sơ theo dõi cho thấy tỷ lệ thành công của tên lửa là hơn 95% và tốt hơn tiêu chuẩn toàn cầu về mặt hệ thống phóng".
Thành tựu mang tính bước ngoặt này đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 trên toàn cầu thực hiện thành công cuộc đổ bộ lên mặt trăng, ngang hàng với Nga, Mỹ và Trung Quốc .
Ngoài những đóng góp về mặt khoa học, sứ mệnh còn có tiềm năng trở thành yếu tố then chốt trong việc xây dựng kiến thức chuyên môn về phân cực tia X ở Ấn Độ. XPoSat được kỳ vọng sẽ đặt nền tảng cho những tiến bộ trong tương lai và cung cấp mạng lưới hợp tác trong cộng đồng thiên văn học.
Hiện tại, Ấn Độ đang tích cực theo đuổi một số dự án không gian đầy tham vọng, bao gồm cả kế hoạch phóng mô-đun trạm vũ trụ đầu tiên vào năm 2028.