Áp dụng công nghệ đã có 35 năm, Việt Nam tạo ra cột mốc mới đối với cao tốc, dự kiến đem về hơn 5 tỷ USD vào năm 2030
Với hệ thống thanh toán điện tử được tích hợp, công nghệ này đã đảm bảo cho các phương tiện lưu thông qua trạm thu phí một cách liền mạch, không cần dừng, đạt tỷ lệ chính xác lên tới 99,98%.
Hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) là công nghệ đã được nhiều quốc gia trên thế giới ứng dụng từ sớm.
Na Uy là một trong những nước tiên phong khi triển khai rộng rãi hệ thống này từ năm 1986. Đặc biệt, Italy đã đi vào lịch sử khi là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng ETC trên toàn bộ mạng lưới đường cao tốc  quốc gia từ năm 1989. Như vậy, công nghệ này đã xuất hiện và phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu trong hơn 35 năm qua.
Tại Việt Nam, công nghệ ETC bắt đầu được thí điểm từ năm 2015. Tuy nhiên, phải đến tháng 8/2022, hệ thống này mới chính thức được triển khai trên toàn bộ mạng lưới cao tốc cả nước.
Theo Bộ Giao thông vận tải, dịch vụ thu phí tự động đường bộ VETC tại Việt Nam sử dụng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification) để nhận diện phương tiện một cách tự động, hỗ trợ hiệu quả công tác giám sát, quản lý và lưu vết giao dịch của từng phương tiện.
Công nghệ ETC được triển khai vào năm 2022. Nguồn ảnh: VETC |
Với hệ thống thanh toán điện tử được tích hợp, dịch vụ VETC đã đảm bảo cho các phương tiện lưu thông qua trạm thu phí một cách liền mạch, không cần dừng, đạt tỷ lệ chính xác lên tới 99,98%.
Công nghệ này cũng khẳng định sự ưu việt của mình trong các mô hình giao thông thông minh, đặc biệt tại những quốc gia có hạ tầng và điều kiện giao thông tương tự Việt Nam như Malaysia, Indonesia, và Philippines.
>> Huyện rộng lớn tỉnh Nam Định có cụm công nghiệp mới 75ha, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ 
Để hiện thực hóa việc triển khai ETC tại Việt Nam, Công ty TNHH Thu phí tự động VETC đã được thành lập với vai trò nhà đầu tư và vận hành hệ thống. Đáng chú ý, vào quý II/2022, công ty này đã thiết lập kỷ lục khi triển khai công nghệ ETC tại 28 trạm thu phí với 132 làn xe trên 4 tuyến cao tốc chỉ trong 5 ngày.
Theo Phó Giám đốc Công ty VETC, trước đây, việc lắp đặt một trạm thu phí ETC thường mất tới 60 ngày để hoàn thành.
Hệ thống ETC không chỉ mang lại sự thuận tiện mà còn ghi dấu ấn trong việc cải thiện giao thông tại các tuyến cao tốc có mật độ xe cộ cao như Pháp Vân - Ninh Bình và Long Thành - Dầu Giây. Kể từ khi hệ thống được đưa vào vận hành, tình trạng ùn tắc tại các trạm thu phí trên các tuyến này đã hoàn toàn được giải quyết.
Toàn quốc có 169 trạm thu phí sử dụng VETC. Nguồn ảnh: Chuyên trang TP. HCM |
Tính đến năm 2024, Công ty VETC đã hoàn thiện từ khâu thiết kế, lắp đặt cho đến khai thác và vận hành hệ thống ETC trên toàn quốc. Theo thống kê, sau hơn 2 năm triển khai, đến ngày 15/4/2024, cả nước đã có gần 5,5 triệu phương tiện (chiếm 97% số lượng xe lưu thông) dán thẻ thu phí không dừng.
Toàn quốc hiện có 169 trạm thu phí với 931 làn áp dụng công nghệ ETC, xử lý khoảng 1,3-1,5 triệu giao dịch/ngày. Trên các tuyến cao tốc, hệ thống ETC đã được triển khai hoàn toàn, trong khi các tuyến quốc lộ chỉ còn duy trì một làn hỗn hợp/chiều, phần còn lại sử dụng thu phí tự động không dừng.
Theo PGS. TS Vũ Minh Khương, việc triển khai hệ thống ETC không chỉ cải thiện hạ tầng giao thông mà còn mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho Việt Nam, ước tính đạt 5,3 tỷ USD vào năm 2030, trong đó, tiết kiệm chi phí nhiên liệu gần 950 triệu USD, giảm chi phí nhân công 2,2 tỷ USD, và tiết kiệm hơn 1,6 tỷ USD từ tuổi thọ phương tiện.
Hệ thống ETC không chỉ là bước tiến công nghệ trong lĩnh vực giao thông, mà còn khẳng định sự quyết tâm của Việt Nam trong việc hiện đại hóa hạ tầng giao thông, góp phần xây dựng một nền kinh tế bền vững và hiệu quả.
>> Điều chỉnh quy hoạch TP. Biên Hòa, các dự án của Nam Long, Novaland đón tin vui