Bài học đầu tư từ Top 3 cổ phiếu có EPS âm nặng nhất nhóm BĐS: NVL, LDG, LEC
EPS âm là dấu hiệu thua lỗ, phản ánh rủi ro tài chính nghiêm trọng của doanh nghiệp. Với NVL, LDG, các vấn đề quản trị, pháp lý và dòng tiền yếu khiến cổ phiếu lao dốc 90-95%, trở thành bài học lớn cho nhà đầu tư.
EPS  âm (Earnings Per Share âm) là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp đang thua lỗ, tức lợi nhuận ròng trong kỳ là số âm. Điều này không chỉ phản ánh tình hình tài chính khó khăn mà còn ảnh hưởng lớn đến niềm tin của nhà đầu tư.
Ảnh minh họa |
EPS âm phản ánh điều gì?
EPS âm cho thấy công ty không tạo ra đủ lợi nhuận để bù đắp chi phí vận hành, lãi vay hoặc các chi phí khác. Tình trạng này thường gắn liền với những vấn đề như:
- Áp lực tài chính: EPS âm đồng nghĩa doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc duy trì dòng tiền, thanh toán nợ hoặc triển khai hoạt động kinh doanh.
- Mất niềm tin từ nhà đầu tư: EPS âm khiến giá cổ phiếu sụt giảm, bởi nhà đầu tư lo ngại về khả năng sinh lời trong tương lai.
- Không chia cổ tức: Công ty không thể phân phối lợi nhuận cho cổ đông, làm giảm sức hấp dẫn của cổ phiếu.
- Tái cơ cấu: EPS âm buộc doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp khắc phục như cắt giảm chi phí, tái cơ cấu hoạt động hoặc huy động thêm vốn.
EPS âm có luôn xấu?
Không phải lúc nào EPS âm cũng là tín hiệu tiêu cực. Trong một số trường hợp, nó có thể phản ánh chiến lược dài hạn của doanh nghiệp:
- Đầu tư mở rộng: EPS âm tạm thời có thể xảy ra khi công ty chi phí lớn vào các dự án hạ tầng, công nghệ hoặc sản phẩm mới. Những khoản đầu tư này thường mang lại tăng trưởng vượt bậc trong tương lai.
- Tái cơ cấu: Một số doanh nghiệp chấp nhận thua lỗ để tái cơ cấu hoạt động hoặc tập trung vào lĩnh vực kinh doanh tiềm năng hơn.
Tuy nhiên, nếu EPS âm bắt nguồn từ hoạt động kinh doanh kém hiệu quả hoặc quản trị yếu kém, đây là cảnh báo lớn mà nhà đầu tư cần cân nhắc.
Thực tế từ mức EPS của Top 3 cổ phiếu nhóm BĐS
Dữ liệu từ Chứng khoán VNDirect cho thấy, nhiều doanh nghiệp trong nhóm bất động sản đang chịu EPS âm nặng. Đứng đầu là CTCP Đầu tư LDG (LDG ), CTCP Bất động sản Điện lực Miền Trung (LEC) và Tập đoàn Novaland (NVL ) với EPS lần lượt -2.491 đồng, -1.595 đồng và -1.258 đồng.
Kết quả kinh doanh của Đầu tư LDG |
Các vấn đề của doanh nghiệp EPS âm nổi bật:
- LEC : Gặp vấn đề tài chính kéo dài với hai năm lỗ liên tiếp (2022, 2023) và lỗ 41 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2024. Công ty đã bị đình chỉ giao dịch trên sàn HoSE.
- LDG: Biến cố lớn xảy ra sau khi cựu Chủ tịch HĐQT Nguyễn Khánh Hưng bị khởi tố, công ty bị cưỡng chế thuế và yêu cầu mở thủ tục phá sản. LDG ghi nhận lỗ gần 530 tỷ đồng từ dự án tai tiếng Khu dân cư Tân Thịnh  (Đồng Nai).
- NVL: Novaland – một trong ba doanh nghiệp bất động sản lớn nhất – đối mặt với áp lực trả nợ và pháp lý kéo dài từ năm 2022. Nửa đầu năm 2024, Novaland lỗ hơn 7.300 tỷ đồng khiến EPS âm nặng nề.
Cổ phiếu NVL, LDG tăng trưởng âm so với VN-Index trong khung thời gian 6 năm |
Tình trạng EPS âm kéo dài đã ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này khi LDG hiện chỉ còn 1.810 đồng/cp, giảm hơn 95% từ đỉnh; NVL cũng ở sát mệnh giá, giảm khoảng 90%.
Thực tế cho thấy, phần lớn doanh nghiệp có EPS âm đều gắn liền với những vấn đề nghiêm trọng về kinh doanh, quản trị hoặc pháp lý. Trong một số trường hợp, dù tiềm năng đầu tư luôn hiện hữu, song với những cổ phiếu EPS âm, sự thận trọng và phân tích sâu là điều kiện tiên quyết để tránh rủi ro.
>> Novaland (NVL) 'vỗ béo' tài sản bằng 81.000 tỷ đồng đi vay, giờ phải bán tài sản để trả nợ 
Novaland (NVL) thu hồi 388 tỷ đồng từ thương vụ Sài Gòn Gôn kéo dài 7 năm 
Cổ phiếu của doanh nghiệp có ROE cao nhất nhóm BĐS giảm 30%