Bánh chưng sau Tết có thể trở thành nguồn cơn gây ung thư, thấy dấu hiệu này cần phải vứt bỏ lập tức
Do có độ ẩm cao và chứa nhiều tinh bột, protein, bánh chưng là môi trường lý tưởng cho nấm mốc phát triển, đặc biệt khi để ở nhiệt độ phòng nhiều ngày.
Tiềm ẩn mối nguy hại từ bánh chưng sau Tết
Bánh chưng là món ăn truyền thống  không thể thiếu trong ngày Tết Nguyên đán của người Việt. Vì vậy, mỗi dịp Tết đến, các gia đình thường gói rất nhiều bánh để sử dụng trong suốt dịp Tết.
Tuy nhiên, nếu bảo quản và sử dụng không đúng cách, món ăn truyền thống này có thể trở thành mối nguy hại cho sức khỏe, thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư. Một trong những sai lầm phổ biến nhất là tiếp tục sử dụng bánh chưng khi đã bị mốc.
Do có độ ẩm cao và chứa nhiều tinh bột, protein, bánh chưng là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển, đặc biệt khi để ở nhiệt độ phòng nhiều ngày. Khi bánh xuất hiện các đốm mốc màu xanh, trắng hoặc đỏ trên bề mặt lá hoặc bên trong bánh, nhiều người thường cắt bỏ phần mốc và tiếp tục ăn, cho rằng cách này an toàn.
Chia sẻ với Phụ Nữ số, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội) cảnh báo: "Nấm mốc không chỉ xuất hiện trên bề mặt bánh mà còn có thể ăn sâu vào bên trong bằng những sợi nấm mà mắt thường không nhìn thấy. Vì vậy, dù có cắt bỏ phần bị mốc, bánh vẫn có nguy cơ chứa độc tố, dễ gây ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa  và nguy hiểm hơn là làm tổn thương gan".
Đặc biệt, các nghiên cứu cho thấy nấm mốc trên bánh chưng thường có sự xuất hiện của hai loại vi khuẩn nguy hiểm là Aspergillus flavus và Aspergillus parasiticus. Chúng có khả năng sản sinh ra aflatoxin – một trong những độc tố nguy hiểm nhất đối với cơ thể con người.
Aflatoxin - "sát thủ thầm lặng" trong bánh chưng mốc
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), aflatoxin đã được xếp vào nhóm chất gây ung thư cấp độ 1 từ năm 1993, tức là có bằng chứng rõ ràng về khả năng gây ung thư ở người.
Chất độc này thường xuất hiện trong thực phẩm bị mốc. Aflatoxin được biết đến là một trong những tác nhân gây ung thư gan mạnh nhất. Khi hấp thụ qua đường miệng, cơ thể có thể tích lũy tổng cộng 2,5 mg Aflatoxin trong vòng 90 ngày, làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư gan sau hơn một năm.
Đáng lo ngại hơn, theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc WHO , Aflatoxin có độc tính cao gấp 68 lần asen và gấp 10 lần kali xyanua, với khả năng tàn phá mô gan cực kỳ nghiêm trọng.
Đặc biệt, aflatoxin không bị phân hủy ở nhiệt độ cao. Điều này có nghĩa là dù bánh chưng bị mốc có được rửa sạch, hấp lại hay nướng lên, độc tố vẫn có thể tồn tại và gây hại cho sức khỏe.
Vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, để đảm bảo an toàn thực phẩm và tránh nguy cơ ngộ độc, bạn cần lưu ý:
· Chỉ ăn bánh chưng còn mới, không bị mốc, không có mùi lạ, không bị vữa.
· Bảo quản đúng cách: Nếu để ở nhiệt độ phòng, chỉ nên dùng trong 2 – 3 ngày. Nếu muốn bảo quản lâu hơn, nên để trong ngăn mát tủ lạnh (5 – 10 độ C), có thể giữ được đến 7 ngày.
· Khi ăn tới đâu, cắt tới đó. Phần còn lại cần bọc kín bằng màng bọc thực phẩm hoặc túi zip để hạn chế nhiễm khuẩn.
· Không để bánh chưng trong túi nilon hoặc hộp kín quá lâu, vì bánh có thể bị hấp hơi, dễ sinh nấm mốc.
· Nếu bánh có dấu hiệu mốc, mùi chua, bị nhớt hoặc vữa, tuyệt đối không cố ăn mà nên bỏ ngay.
>> Cảnh báo 5 thói quen hàng ngày 'nuôi' tế bào ung thư tuyến tụy nhưng ít ai để ý