Bảo ấn vàng ròng lớn và đẹp nhất dưới triều đại phong kiến cuối cùng Việt Nam được đề nghị công nhận là Bảo vật Quốc gia
Ấn vàng này hiện được trưng bày tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có công văn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị công nhận ấn vàng triều Nguyễn  “Hoàng đế chi bảo” là Bảo vật Quốc gia. Cụ thể, trước đó, UBND tỉnh Bắc Ninh đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn hiện vật bảo đảm theo các tiêu chí hướng dẫn để xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Bảo vật Quốc gia đợt 13, năm 2024. Đến nay, cơ quan được giao nhiệm vụ đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận vật bảo quốc gia đối với hiện vật ấn vàng "Hoàng đế chi bảo".
UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, báo cáo Hội đồng thẩm định hiện vật và Hồ sơ hiện vật, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia đợt 13, năm 2024 cho hiện vật quý hiếm trên.
Được biết, ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" đang được trưng bày tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ấn vàng quý hiếm này được đúc bằng vàng ròng vào ngày 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4 tức ngày 15/3/1823. Đây là Bảo ấn lớn và đẹp nhất của triều Nguyễn, nặng 10,78kg, cao 10,4cm, mặt hình vuông, kích thước 13,8x13,7cm. Đế ấn in dòng chữ “Hoàng đế chi bảo” (Báu vật của hoàng đế).
Theo quy định của triều Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng của lịch sử Việt Nam, ấn "Hoàng đế chi bảo" được dùng khi “Gặp khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ cũng là các cáo dụ thân huân, đi tuần thú các nơi để xem xét các địa phương, mọi điển lễ long trọng ấy và ban sắc, thư cho ngoại quốc…”. Ấn được truyền từ đời vua Minh Mạng đến Bảo Đại, vị vua cuối cùng nhà Nguyễn.
Vào chiều ngày 30/8/1945, khi tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại đã chọn chiếc ấn đẹp nhất, quý nhất, biểu trưng của chế độ quân chủ thời Nguyễn là ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" cùng thanh bảo kiếm mà phụ vương của ông là vua Khải Định trao lại cho ông, để bàn giao cho chính quyền cách mạng.
Ông Trần Huy Liệu, đại diện cho chính quyền cách mạng khi đó, đã tiếp nhận bộ ấn kiếm mang tính biểu tượng này, rồi cho chuyển về Hà Nội ngay trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945.
Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), thực dân Pháp tái chiếm Hà Nội, hiện vật được đem giấu tại ngôi nhà ở làng Nghĩa Đô - vốn là xưởng in tiền của Việt Minh. Ngôi nhà bị phá hủy vào năm 1947. Tháng 2/1952, một tiểu đoàn của Pháp do Tiểu đoàn trưởng Toce Raymond chỉ huy, đào bới phần móng nhà để thu gạch vỡ, phát hiện hai chiếc hòm đựng bộ ấn kiếm. Sau đó, Pháp trao hai hiện vật cho cựu hoàng Bảo Đại.
Trước khi qua đời (năm 1997), cựu hoàng Bảo Đại đã để lại di chúc, trao quyền thừa kế toàn bộ tài sản của ông ở Pháp, trong đó có ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cho vợ là bà Monique Baudot, người Pháp. Năm 2021, bà Monique Baudot qua đời, các tài sản trên thuộc về những người thừa kế và được giao bán đấu giá.
Vào ngày 18/11/2023, ấn vàng chính thức được hồi hương sau hơn một năm đàm phán, thương thảo và thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan giữa các đối tác Việt Nam và Pháp. Theo đó, doanh nhân Nguyễn Thế Hồng, người sở hữu Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng đã chi 6,1 triệu Euro để mua ấn, dưới sự bảo trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành, cơ quan Việt Nam.
Đáng chú ý, trong gian phòng trưng bày ấn vàng, Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng cũng đặt nhiều cổ vật  quý của triều Nguyễn như bộ bình vôi ăn trầu bằng vàng của vua, tranh thêu hình long lân thời Khải Định, tranh thêu lân bằng chỉ ngũ sắc hay tranh Long sinh cửu tử thời Bảo Đại.