Doanh nghiệp khai thác quặng vàng tại huyện này có nhân công dự kiến khoảng 40 người, tổng diện tích ảnh hưởng của dự án khoảng hơn 126,71ha.
Thông tin từ UBND huyện Tương Dương (Nghệ An), tại hội nghị lấy ý kiến của Ủy ban MTTQ, UBND và cộng đồng dân cư 2 xã Yên Na, Yên Tĩnh (Tương Dương), đối với dự án đầu tư khai thác hầm lò quặng vàng gốc trên địa bàn 2 xã, 100% ý kiến không đồng ý. Đây là dự án của CTCP Xây dựng và Thương Mại tổng hợp Thủ Đô triển khai.
Tại hội nghị, Đại diện CTCP Xây dựng và Thương Mại tổng hợp Thủ Đô trình bày tóm tắt về dự án. Theo đó, dự án được doanh nghiệp này thăm dò từ năm 2008 và đến tháng 1/2017 được Bộ TN&MT cấp phép khai thác. Đại diện chủ đầu tư cho biết đang tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ còn thiếu để được khai thác mỏ vàng tại khu vực xã Yên Na và Yên Tĩnh.
Dự án khai thác hầm lò quặng vàng gốc tại xã Yên Na và Yên Tĩnh có công suất 13.800 tấn quặng vàng nguyên khai/năm; thời gian khai thác trong vòng 15 năm; công nghệ khai thác hầm lò, với nhân công dự kiến khoảng 40 người; tổng diện tích ảnh hưởng của dự án khoảng hơn 126,71ha.
Đại diện chủ đầu tư cũng cho biết, đối với hồ sơ về môi trường đã được công ty nộp tại Bộ TN&MT trường năm 2022, nhưng chưa được phê duyệt; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản công ty đã đóng đầy đủ cho Bộ TN&MT.
Đối với các khoản thuế nếu phải thực hiện tiếp theo, chủ đầu tư cam kết sẽ làm đầy đủ theo quy định, đồng thời cam kết sẽ trích một phần lợi nhuận để hỗ trợ cho nhân dân địa phương.
>> Huyện rộng nhất Việt Nam: Có 60km đường biên giới giáp Lào, thu ngân sách nghìn tỷ 
Kết quả lấy ý kiến tại hội nghị, 100% số người tham gia gồm lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền, đoàn thể và đại diện người dân của 2 xã nêu trên không đồng ý cho doanh nghiệp thực hiện việc khai thác vàng tại 2 địa phương này vì lo ngại sẽ làm ảnh hưởng tới môi trường, gây phát sinh tệ nạn xã hội.
Đại diện Sở TN&MT tỉnh Nghệ An cho rằng, tham vấn môi trường là một trong các bước của quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); ĐTM của dự án thuộc thẩm quyền thẩm định của Bộ TN&MT; hội nghị ghi nhận các ý kiến của cá nhân, tổ chức một cách khách quan, dân chủ.
Theo vị đại diện này, thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh Nghệ An giao, sau khi nhận được báo cáo của UBND huyện Tương Dương, căn cứ các quy định liên quan, Sở TN&MT Nghệ An sẽ phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý đối với dự án nêu trên.
CTCP Xây dựng và Thương Mại tổng hợp Thủ Đô (có trụ sở tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) được thành lập ngày 7/12/2004.
Trước đây, doanh nghiệp này do bà Giáp Thị Dinh (SN 1962 – Bắc Ninh) là người đại diện theo pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT công ty và ông Đỗ Xuân Cảnh làm Tổng giám đốc.
Tuy nhiên, đến ngày 22/7/2023, ông Trần Văn Thành (SN 1978 – Hà Nội) đã thay bà Giáp Thị Dinh đễ giữ chức Chủ tịch HĐQT công ty này.
Vốn điều lệ của CTCP Xây dựng và Thương Mại tổng hợp Thủ Đô được cập nhật tại ngày 13/12/2020 là 8 tỷ đồng.
Tương Dương là là một trong 4 huyện miền núi của Nghệ An, có hơn 60km đường biên giới với Lào. Với hơn 2.811km2, Tương Dương là huyện có diện tích lớn nhất Việt Nam, gấp hơn 3,4 lần diện tích tỉnh Bắc Ninh (822,7km2).
>> Các 'mỏ vàng' tại tỉnh 'sát vách' TP. HCM: Hút 40 dự án đầu tư quy mô hơn 800 triệu USD