Bất ngờ khối tài sản của các 'sếp' trong HĐQT Hòa Phát (HPG)
Tổng giá trị tài sản của các thành viên trong HĐQT Hòa Phát (HPG) hiện nay đạt khoảng 59.000 tỷ đồng, chưa kể hàng chục nghìn tỷ đồng mà người thân họ đang nắm giữ.
Hòa Phát (mã chứng khoán HPG ) là một tập đoàn sản xuất công nghiệp hàng đầu Việt Nam, được thành lập vào tháng 8/1992 với lĩnh vực kinh doanh chính ban đầu là buôn bán máy xây dựng. Hiện nay, Hòa Phát hoạt động trong năm lĩnh vực chính: Gang thép (bao gồm thép xây dựng và thép cuộn cán nóng); sản phẩm thép (ống thép, tôn mạ, thép rút dây, vỏ container, thép dự ứng lực); nông nghiệp; bất động sản; và điện máy gia dụng.
Ngành sản xuất thép là mảng kinh doanh cốt lõi, chiếm đến 90% doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn. Với công suất sản xuất đạt 8,5 triệu tấn thép thô mỗi năm, Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Ngày 15/11/2007, Hòa Phát chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mã HPG, góp phần bổ sung thêm nhiều tỷ phú vào danh sách giàu có của Việt Nam, trong đó có Chủ tịch Trần Đình Long – một trong những người giàu nhất Việt Nam.
Các 'sếp' trong Hội đồng quản trị của Hòa Phát |
Không chỉ có Chủ tịch Trần Đình Long , nhiều lãnh đạo cấp cao của Hòa Phát cũng sở hữu khối tài sản hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng.
Thống kê cho thấy 9 thành viên HĐQT Hòa Phát hiện nắm giữ tổng tài sản khoảng 59.000 tỷ đồng. Trong đó, hai thành viên HĐQT độc lập là Đặng Ngọc Khánh và Chu Quang Vũ không sở hữu nhiều cổ phiếu.
Khối tài sản của các sếp trong HĐQT Hòa Phát |
Tỷ phú Trần Đình Long hiện sở hữu 1,65 tỷ cổ phiếu HPG, trị giá khoảng 44.500 tỷ đồng (theo giá đóng cửa ngày 8/11 là 27.000 đồng/cổ phiếu). Vợ ông, bà Vũ Thị Hiền, sở hữu 440 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị gần 11.900 tỷ đồng. Con trai ông, Trần Vũ Minh, cũng nắm gần 147 triệu cổ phiếu, trị giá khoảng 4.000 tỷ đồng.
Tổng cộng, ông Trần Đình Long và những người liên quan sở hữu khối cổ phiếu trị giá khoảng 60.500 tỷ đồng.
Khối tài sản của vợ chồng tỷ phú Trần Đình Long cùng những người liên quan |
Không chỉ 'sếp lớn' Trần Đình Long, những lãnh đạo Hòa Phát trong HĐQT hiện nay đều đã có thâm niên gắn bó cùng tập đoàn hơn chục năm. Thậm chí có những người đi cùng Hòa Phát từ khi thành lập, Phó Chủ tịch Trần Tuấn Dương là một trong số đó.
Trước khi đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch, ông từng làm việc tại nhiều công ty thành viên của tập đoàn, bao gồm Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng Hòa Phát, Công ty Cổ phần Nội thất Hòa Phát, và Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát. Nhờ bề dày kinh nghiệm, ông Dương đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng và nâng cao vị thế của thương hiệu thép Hòa Phát cũng như của tập đoàn trên thị trường.
Ông Trần Tuấn Dương  giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Hòa Phát từ năm 2007 đến nay. Với gần 148 triệu cổ phiếu HPG, tài sản của ông Dương ước tính khoảng 4.000 tỷ đồng. Tính thêm cổ phần của công ty liên quan và cổ phiếu mà các con ông nắm giữ, tổng tài sản của gia đình ông Trần Tuấn Dương lên đến 5.600 tỷ đồng.
Khối cổ phiếu HPG mà ông Trần Tuấn Dương và gia đình sở hữu |
>> Gia nhập Hòa Phát (HPG) từ những ngày đầu, Phó Chủ tịch Trần Tuấn Dương có được những gì? 
Gia nhập Hòa Phát từ năm 1996, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Tuấn  hiện có khối tài sản từ cổ phiếu HPG đạt khoảng 3.900 tỷ đồng. Tổng cộng, ông và gia đình sở hữu tài sản trị giá khoảng 4.800 tỷ đồng.
Khối cổ phiếu HPG mà ông Nguyễn Mạnh Tuấn và gia đình sở hữu |
Phó Chủ tịch Doãn Gia Cường  là Thạc sỹ quản trị kinh doanh của Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông gia nhập Hòa Phát từ năm 1999 với vị trí Phó Giám đốc nội thất Hòa Phát. Từ tháng 1/2007 ông kiêm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT.
Ông Doãn Gia Cường hiện có hơn 80 triệu cổ phiếu HPG, trị giá khoảng 2.100 tỷ đồng. Vợ ông, bà Phạm Thị Thu Lan, cũng sở hữu 11,2 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 300 tỷ đồng. Tổng tài sản của gia đình ông Cường khoảng 2.400 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch HĐQT Hòa Phát, ông Doãn Gia Cường |
>> Vingroup (VIC) vượt Hòa Phát (HPG), trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 
Ông Hoàng Quang Việt  đến với Hòa Phát từ năm 2001 từ vị trí Phó Giám đốc Công ty Xây dựng và Phát triển đô thị Hòa Phát. Ông đã cùng Hòa Phát gặt hái được nhiều thành quả trong lĩnh vực bất động sản. Công trình khởi đầu của ông tại Hòa Phát là xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Phố Nối A. Từ thành công đầu tiên này, ông và Ban lãnh đạo công ty đã hoạch định nhiều dự án triển vọng về nhà ở và khu công nghiệp khác.
Ông Hoàng Quang Việt hiện sở hữu gần 29 triệu cổ phiếu HPG, tương đương khoảng 780 tỷ đồng. Tổng tài sản của ông và gia đình vào khoảng 870 tỷ đồng.
Khối tài sản là cổ phiếu HPG mà gia đình các 'sếp' Hòa Phát đang sở hữu |
>> 'Bộ ba lợi thế' sẽ giúp Dung Quất 2 của Hòa Phát (HPG) không sợ 'ế' hàng trong năm 2025 
Ông Nguyễn Việt Thắng , thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Hòa Phát, sở hữu hơn 20,5 triệu cổ phiếu HPG, trị giá khoảng 550 tỷ đồng.
Ông Thắng gia nhập Hòa Phát từ năm 2003, là một kỹ sư xây dựng. Với 20 năm kinh nghiệm tại Hòa Phát, ông Thắng trải qua nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau tại cả Tập đoàn và các công ty con. Tháng 4/2021 ông được bổ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc.
Là một trong những người đầu tiên gia nhập Hòa Phát từ năm 1992, ông Nguyễn Ngọc Quang  hiện nắm giữ 113 triệu cổ phiếu HPG, tương đương khoảng 3.000 tỷ đồng. Tổng giá trị cổ phiếu của ông và người thân vào khoảng 3.300 tỷ đồng.
Ông Quang có 4 năm làm Giám đốc chi nhánh công ty Thiết bị phụ tùng Hòa Phát tại TP HCM. Từ năm 1997 đến nay ông giữ vị trí Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị phụ tùng Hòa Phát (nay là Công ty TNHH Chế tạo kim loại Hòa Phát).
Tính riêng 7 thành viên HĐQT (không bao gồm hai thành viên độc lập), tổng tài sản của họ lên đến 59.000 tỷ đồng. Khi tính cả người thân trong gia đình, tổng giá trị tài sản mà các lãnh đạo Hòa Phát và người liên quan nắm giữ đạt 78.000 tỷ đồng, cho thấy sự giàu có và ảnh hưởng lớn của tập đoàn này trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Vingroup (VIC) vượt Hòa Phát (HPG), trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 
Bất ngờ với khối tài sản 56.000 tỷ đồng của vợ chồng Chủ tịch Hòa Phát (HPG) Trần Đình Long