Bầu cử tổng thống Mỹ và tác động tới châu Á
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 5/11 có thể dẫn đến nhiều thay đổi ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thậm chí một sáng kiến dấu ấn sẽ bị khai tử, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nhận định trong cuộc trao đổi với phóng viên Tiền Phong.
Chính sách đối ngoại khác biệt
Ông có nhận xét gì về bầu cử tổng thống Mỹ năm nay và cơ hội chiến thắng của 2 ứng viên?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Tất cả những dự đoán và thăm dò đến thời điểm này cho thấy 2 ứng viên đang cạnh tranh rất sát sao, cả trên bình diện toàn liên bang và ở những bang chiến trường. Năm nay có 7 bang chiến trường gồm Pensylvania, Wiscousin, Michigan, Arizona, Georgia, Nevada và Bắc Carolina. Sự cạnh tranh sát sao đó cho thấy 2 ứng viên ở mức ngang nhau và sẽ kịch tính đến phút cuối. Khả năng 2 bên giành chiến thắng là 50-50. Khả năng xảy ra sự cố hay đảo chiều có lợi cho 1 trong 2 ứng viên là điều có thể xảy ra.
Đại sứ Phạm Quang Vinh. |
Trong suốt quá trình tranh cử, 2 ứng viên Donald Trump và Kamala Harris tuy đều vì lợi ích quốc gia và vai trò toàn cầu của nước Mỹ, nhưng cách tiếp cận của họ rất khác nhau, cả về đối nội và đối ngoại. Ví dụ, ông Trump nhấn mạnh sự tự do cho các doanh nghiệp và tập đoàn lớn, để họ mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, tạo ra công ăn việc làm và giảm bớt gánh nặng lên ngân sách nhà nước. Vì thế, ông chủ trương giảm thuế đánh vào các doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, đảng Dân chủ và bà Harris chủ trương phải đánh thuế vào người thu nhập cao, tập đoàn lớn để có ngân sách chi cho người thu nhập trung bình và thấp.
Về đối ngoại cũng là bức tranh rất khác. Dù họ đều tập trung vào lợi ích của Mỹ, vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới, nhưng Tổng thống Biden và bà Harris nói nhiều đến các giá trị của nước Mỹ, giá trị của đồng minh và đối tác, nhấn mạnh các thiết chế đa phương và khu vực. Trong khi đó, ông Trump nhấn mạnh chủ trương nước Mỹ là trên hết, tính toán thực dụng với cả đồng minh và đối tác, như đòi chia sẻ trách nhiệm chi phí quốc phòng cho NATO. Hay trong vấn đề Ukraine, chắc chắn ông Trump sẽ dùng sức ép viện trợ để yêu cầu cả Nga, Ukraine và NATO phải tính toán làm sao sớm dừng cuộc xung đột này. Trong các vấn đề khu vực khác, ông Trump cũng thực dụng hơn.
Trong vấn đề thương mại, ông Trump  luôn nhấn mạnh đến chuyện cân bằng, rất chú ý đến thâm hụt thương mại. Nếu ông Trump hay bà Harris thắng thì chính sách đối nội và nhiều chính sách đối ngoại sẽ rất khác nhau và các quốc gia trên thế giới cần chuẩn bị những kịch bản và giải pháp.
Số phận sáng kiến IPEF
Theo ông, số phận của những sáng kiến chính quyền Biden với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, như IPEF, sẽ ra sao sau cuộc bầu cử lần này?
Chính sách của Tổng thống Biden với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong 4 năm qua gồm 2 mặt. Một mặt, chính quyền Biden tiếp tục nhiều những chính sách của chính quyền Trump trước đây. Đó là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, trong đó coi Trung Quốc là đối thủ số 1, và coi Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực địa chiến lược quan trọng nhất.
Điểm khác là trong khi duy trì cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và nhấn mạnh trọng tâm địa chiến lược ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Tổng thống Biden trong 4 năm qua chú trọng việc gắn kết với các đồng minh và phát triển quan hệ với các đối tác, như làm mới và củng cố liên minh của Mỹ với Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc; nhấn mạnh vai trò của Ấn Độ, kết nối vào trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong 4 năm qua, quan hệ đối tác ở tầm chiến lược của Mỹ với Ấn Độ được tăng cường rất nhiều.
Ông Donald Trump hay bà Kamala Harris sẽ trở thành chủ nhân Nhà Trắng? Ảnh: Financial Times |
Chính quyền Biden ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của ASEAN và coi trọng các thành viên chủ chốt của ASEAN như Indonesia, Việt Nam, Singapore. Chuyến thăm đầu tiên cấp cao của chính quyền Biden là chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris đến Singapore và Việt Nam vào tháng 8/2021. Ngoài ra, còn có những chuyến thăm ở cấp bộ trưởng. Tổng thống Biden cũng đã thăm Việt Nam và hai bên nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Tổng thống Biden muốn gắn kết với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cả về kinh tế và an ninh. Vì thế, họ đưa ra sáng kiến về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) với 4 trụ cột để gắn kết 13 quốc gia về kinh tế- thương mại và chuỗi cung ứng. Một quan điểm cũng được tiếp tục từ thời chính quyền Trump là nhấn mạnh vấn đề hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông.
Cách tiếp cận của chính quyền Biden là hợp tác với ASEAN và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là để tạo ra lựa chọn mới cho các nước ở khu vực, chứ không nhằm lôi kéo họ vào cuộc cạnh tranh hoặc chọn bên đối đầu với Trung Quốc. Đây là điểm cũng rất đáng chú ý.
Trong 4 năm qua, Mỹ gặp phải nhiều khó khăn trong triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thứ nhất, cạnh tranh với Trung Quốc gia tăng, ngày càng gay gắt. Cách tiếp cận của chính quyền Biden là dù cạnh tranh nhiều mặt, vừa về kinh tế và công nghệ, nhưng vẫn thận trọng không để quan hệ với Trung Quốc đổ vỡ hoặc xảy ra nguy cơ xung đột.
Trong mấy năm qua đã xảy ra nhiều vấn đề, nhất là cuộc xung đột Nga - Ukraine và chiến sự Trung Đông. Rõ ràng Mỹ bị phân tán nguồn lực, nhưng trong mọi quyết sách, chính quyền Biden đều nhấn mạnh rằng dù phải quan tâm đến Trung Đông và Ukraine, Mỹ vẫn coi khu vực và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là ưu tiên chiến lược hàng đầu.
Nếu nhìn lại 4 năm qua có thể thấy, khi cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trở thành một ưu tiên chiến lược quan trọng của Mỹ. Thực sự Mỹ đã đầu tư cả chiến lược và nguồn lực vào khu vực này.
Tổng thống Biden đã tạo ra và củng cố quan hệ của Mỹ với các đồng minh và đối tác không chỉ ở cấp độ song phương mà cả tiểu đa phương. Ngoài những thiết kế khu vực như ASEAN, các khuôn khổ tiểu đa phương như Bộ tứ và AUKUS cũng được tăng cường. Những điều đó tạo ra bức tranh chiến lược mới, một vị trí mới của Mỹ ở đây, dù cạnh tranh Mỹ - Trung cũng rất phức tạp.
“Vẫn kết nối đồng minh nhưng thực dụng hơn”
Ông có cho rằng bà Harris sẽ tiếp tục những nỗ lực đó nếu đắc cử, còn ông Trump sẽ làm theo cách riêng?
Chưa rõ ai sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử tới. Về cơ bản trong chính sách đối ngoại, bà Harris có thể sẽ tiếp nối những chính sách của Tổng thống Biden, sau 4 năm làm phó tổng thống và bà cũng từng đến khu vực này. Chính sách đó coi trọng phát triển quan hệ với các đồng minh và đối tác ở khu vực, trong đó có ASEAN và Việt Nam, tiếp tục thúc đẩy những sáng kiến mà Mỹ dưới thời chính quyền Biden đã làm, bao gồm những khuôn khổ tiểu đa phương như IPEF.
Tôi cho rằng cần chờ xem mới có thể biết có thay đổi gì không, vì bà Harris có thể một mặt vẫn theo những nguyên tắc của đảng Dân chủ, mặt khác lại có xu hướng thiên tả. Vì thế, bà ấy có thể đề cao hơn những câu chuyện liên quan đến giá trị dân chủ, nhân quyền. Trong những vấn đề liên quan tới Trung Quốc, như minh bạch về thương mại, tiêu chuẩn về nhân quyền - dân chủ, những câu chuyện liên quan đến Tân Cương, Tây Tạng, Hong Kong… có thể sẽ có những phức tạp mới.
Đối với ông Trump, chính ông là người đã đưa ra khái niệm cạnh tranh Mỹ - Trung, cạnh tranh nước lớn. Ông cũng là người đầu tiên đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhân dịp dự hội nghị cấp cao APEC ở Đà Nẵng năm 2017. Ông Trump có thể sẽ tiếp nối những điều ông ấy đã làm liên quan đến cạnh tranh nước lớn, nhất là liên quan đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng có lẽ sẽ có một số điều khác.
Ông ấy đã nói đến chuyện đòi các đồng minh NATO chia sẻ chi phí quốc phòng. Chưa rõ với châu Á - Thái Bình Dương hay là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ông Trump sẽ bắt các nước chia sẻ trách nhiệm như thế nào. Trong nhiệm kỳ trước, đòi hỏi này với các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn chưa rõ lắm.
Ông Trump không thích các cơ chế đa phương nên đã rút khỏi hiệp định TPP, vậy thì ông ấy sẽ không thúc đẩy IPEF, thậm chí khai tử luôn. Khả năng kết nối kinh tế - thương mại của Mỹ với khu vực theo khuôn khổ đa phương sẽ không còn nữa. Tuy nhiên, một số cơ chế tiểu đa phương như Bộ tứ vẫn sẽ tồn tại, vì chính ông Trump là người đã tái khởi động khuôn khổ này. Với ông Trump, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn sẽ là khu vực ưu tiên chiến lược, vẫn kết nối với đồng minh nhưng theo cách thực dụng hơn.
Về Biển Đông, chính quyền Trump trước đây cũng rất quan tâm đến an ninh, an toàn và tự do hàng hải, nhấn mạnh Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Cảm ơn ông.
Bám đuổi sát sao
Ngày 3/11, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump có mặt tại các bang chiến trường ở miền Nam; ông Trump dừng chân tại Bắc Carolina và Virginia, còn bà Harris đến thăm Georgia và Bắc Carolina, CNN đưa tin. Các cuộc thăm dò mới ở cấp bang cho thấy cuộc đua sít sao tại các bang thuộc “bức tường xanh” (18 bang và thủ đô mà đảng Dân chủ giành chiến thắng trong mỗi cuộc bầu cử tổng thống từ năm 1992 đến 2012); bà Harris chiếm ưu thế nhẹ ở Michigan và Wisconsin và ngang điểm ở Pennsylvania.
Theo cuộc thăm dò mới nhất, ông Trump không còn dẫn đầu ở Iowa. Cuộc thăm dò mới của Des Moines Register và Mediacom cho thấy không có ứng viên nào chiếm ưu thế rõ ràng tại bang này, nơi ông Trump đã giành chiến thắng vào năm 2016 và 2020.
>> Những mốc thời gian chính trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ