Bí ẩn bên trong ngôi nhà hơn trăm tuổi của Bá Kiến ở làng Vũ Đại: Từng suýt bị 'xẻ thịt' để lấy gỗ
Theo các nhà nghiên cứu, số phận ngôi nhà Bá Kiến cũng thăng trầm như chủ nhân của nó với nhiều biến cố: Từng bị cháy và suýt bị "xẻ thịt" để lấy gỗ nhưng vẫn tồn tại đến ngày nay.
Ngôi nhà Bá Kiến được bê từ nguyên mẫu đời thực
Nam Cao được biết đến là bút danh của nhà văn, nhà báo - liệt sĩ Trần Hữu Tri, ông được biết đến là một trong những cây bút xuất sắc của trào lưu văn học hiện thực phê phán thời kỳ 1940-1945 của thế kỷ XX.
Nhà văn Nam Cao đã có đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện phong cách truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ này. Ông được xem là nhà văn của "những người cùng khổ" và tác phẩm Chí Phèo là một trong số đó.
![]() |
Nhà văn Nam Cao được xem là nhà văn của "những người cùng khổ". Ảnh: Internet |
Nổi tiếng trong tác phẩm Chí Phèo, nhân vật Bá Kiến được viết dựa trên nguyên mẫu có thật và hiện nay tại làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam vẫn còn ngôi nhà của nhân vật này.
Theo đó, ngôi nhà của Bá Kiến (có tên thật là Bá Bính) nằm lọt thỏm trong khu đất rộng chừng 900m2 tại làng Đại Hoàng (xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), còn có tên gọi khác là làng Vũ Đại. Ngôi nhà này đã tồn tại hàng trăm năm và trải qua 7 đời chủ.
![]() |
Ngôi nhà của Bá Kiến khi nhìn từ ngoài vào. Ảnh: Internet |
Theo lời kể của các bô lão trong làng, chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà này là cụ Trần Duy Hanh (thường gọi là Cựu Hanh) - một lái buôn vô cùng giàu có. vùng phía Nam Đồng bằng sông Hồng.
Giai đoạn những năm 1910, cụ Hanh đã thuê gần 20 thợ mộc nổi tiếng từ Cao Đà, phủ Lý Nhân về để dựng nhà khiến cả làng ngưỡng mộ.
![]() |
Ngôi nhà Bá Kiến đã tồn tại hơn 100 năm. Ảnh: Báo Tiền Phong |
Ngôi nhà được truyền đến đời con cháu thứ 3 của cụ Hanh thì phải gán nợ cho Bá Bính - nguyên mẫu của nhân vật Bá Kiến trong tác phẩm "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao.
Ngôi nhà được dựng theo kiểu 3 gian truyền thống bao gồm 4 hàng cột với tổng số 16 cây cột gỗ lim. Phần chân cột của ngôi nhà được kê đá và đẽo gọt cực kỳ công phu.
![]() |
Phía trước ngôi nhà. Ảnh: Internet |
Trên các văng, li tô, kèo đều được khắc họa hình rồng vô cùng chỉn chu và sắc nét.
Phía trước ngôi nhà có dạ chắn mưa, che nắng và đảm bảo sự kín đáo riêng tư cho sinh hoạt của các thành viên trong ngôi nhà.
![]() |
Gian chính trong ngôi nhà Bá Kiến. Ảnh: Báo Tiền Phong |
Đầu thế kỷ XIX, khi chưa có xi măng để làm nhà, các thợ thi công đã trộn mật mía, bồ hóng vào vô cùng một số phụ gia khác để làm thành hồ.
Gạch được dùng để xây tường và lát nền đều được nung bằng rơm nên dù đã qua nhiều năm, bức tường này vẫn không hề bong tróc.
![]() |
Nhà Bá Kiến được làm từ gỗ lim, chạm trổ vô cùng công phu. Ảnh: Báo Tiền Phong |
Lối vào của ngôi nhà được thiết kế 2 bên nách theo phong thủy, tránh việc mọi người vào nhà trực diện từ gian giữa. Đầu mỗi cái kẻ đều được đục chữ Thọ thể hiện mong muốn trường sinh.
![]() |
Bên ngoài hiên nhà Bá Kiến. Ảnh: Báo Tiền Phong |
Theo nhận xét của nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Vinh, thời "Bá Kiến", ngôi nhà này là công trình rất bề thế, thể hiện sự giàu có và sang trọng của chủ nhân.
Số phận thăng trầm của ngôi nhà
Chia sẻ trên báo VTC News, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Vinh cho rằng ngôi nhà Bá Kiến có số phận thăng trầm theo chủ nhân của nó: Không chỉ có 2 đời chủ tự tử, 2 lần bị bán đi vì chủ mê cờ bạc, ngôi nhà này còn từng bị cháy, suýt bị phá lấy gỗ nhưng vẫn tồn tại đến ngày nay.
Năm 1953, trong trận càn quét của thực dân Pháp từ Nam Định lên, ngôi nhà đã bị đốt cháy ở gian giữa nhưng may mắn được "cứu".
![]() |
Ngôi nhà đã trải qua nhiều thăng trầm và biến động. Ảnh: Báo VTC News |
Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, khi chủ nhân ngôi nhà thời điểm đó muốn bán, có người đã có ý định mua nó để tháo ra, lấy gỗ lim xẻ làm khung cửi dệt vải. Tuy nhiên sau đó, người cuối cùng mua là ông Trần Hữu Hậu, mua có mục đích để ở nên vẫn giữ được nguyên vẹn ngôi nhà.
![]() |
Phần mái ngói nhà Bá Kiến. Ảnh: Internet |
Sau thời Bá Bính, ngôi nhà này đã trải qua 3 đời chủ khác và cho đến tháng 11/2007, ngôi nhà này đã được Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Hà Nam mua lại với giá 700 triệu đồng, giao cho Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lý Nhân quản lý.
![]() |
Ngôi nhà là minh chứng cho lịch sử và kiến trúc phong kiến cổ truyền. Ảnh: Internet |
Hiện nay, ngôi nhà Bá Kiến đã trở thành một điểm tham quan vô cùng nổi tiếng của huyện Lý Nhân cùng với khu tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao.
Chia sẻ trên báo Tiền Phong, hậu duệ của nhà văn Nam Cao là ông Trần Hữu Vịnh cho biết, khu tưởng niệm được xây dựng trên phần đất của ông Trùm Ruyện - nguyên mẫu của nhân vật Lão Hạc.
Sau nhiều biến động thăng trầm, đến nay ngôi nhà Bá Kiến không chỉ mang đậm dấu ấn văn học mà còn là minh chứng sống động cho kiến trúc phong kiến cổ truyền.