Doanh nghiệp

Bí ẩn đường đi: Khu đất vàng từ Vinafood II (VSF) về tay Địa ốc Việt Hân như thế nào?

Hồ Nga 14/10/2023 18:36

Lô đất vàng số 33 Nguyễn Du và 34-36-42 Chu Mạnh Trinh đã "chạy" từ Vinafood 2 (VSF) sang công ty Việt Hân như thế nào?

Mới đây, thông tin cho biết Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản gửi các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bản tỉnh phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến 8 cá nhân theo đề nghị của Cơ quan an ninh điều tra Công an TP HCM.

Cả 8 cá nhân này có liên quan đến việc góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ số 33 Nguyễn Du và 34-36-42 Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM), xảy ra tại Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II - mã chứng khoán VSF).

Nói về lịch sử hình thành, Tổng công ty lương thực Miền Nam trải qua nhiều quá trình theo lịch sử, tuy vậy mốc quan trọng đối với sự kiện, là tháng 4/2018 Tổng công ty tiến hành cổ phần hoá, chuyển đổi mô hình hoạt động từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang hình thức công ty cổ phần với tỷ lệ sở hữu của Nhà nước còn hơn 51%. Tạm gọi Tổng công ty với cái tên Vinafood 2 qua các thời kỳ.

Lai lịch khu đất vàng số 33 Nguyễn Du và 34-36-42 Chu Mạnh Trinh

Báo cáo kết luận của Thanh tra chính phủ ngày 2/12/2020 liên quan phản ánh thông tin về sai phạm lô đất này cho thấy trước 1975, khu đất do Quốc gia Việt Nam đứng bộ, làm trụ sở Tổng cục thực phẩm Quốc gia. Sau 1975, Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn Gia Định tiếp quản 3 khu nhà đất tại 34-36-42 Chu Mạnh Trinh và tạm giao cho Ban lương thực Miền Nam sử dụng. Riêng khu nhà tại số 33 Nguyễn Du Ủy ban quân quản tiếp quản.

Nhóm 1: 3 cơ sở nhà 33 Nguyễn Du, 34 và 36 Chu Mạnh Trinh có diện tích 2.290 m2, nguyên gốc có 12 ngôi nhà villa; với các ngôi nhà này, Ban lương thực thực phẩm miền Nam cấp cho khoảng 34 hộ gia đình là cán bộ công nhân viên làm việc cho Tổng công ty ở.

Nhóm 2: là số 42 Chu Mạnh Trinh có 4 tòa nhà, diện tích khuôn viên 3.257m2 là văn phòng của Ban lương thực miền Nam từ năm 1975.

Quá trình xác lập quyền sở hữu cho thấy từ năm 1993, 1994 các cơ sở nhà đất số 33 Nguyễn Du, 34, 36 và 42 Chu Mạnh Trinh đã lần lượt được bàn giao cho Vinafood2 tiếp tục sử dụng, trong đó số 34 và 36 đường Chu Mạnh Trinh làm công sở hoặc nhà ở tập thể; và quyết định giao đất tại số 42 Chu mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du cho Vinafood2 tiếp tục quản lý sử dụng làm văn phòng.

Năm 2001 Vinafood 2 - lúc đó là Công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước - lập thủ tục báo cáo kê khai và lập phương án xử lý sắp xếp lại tài sản theo hướng xin chuyển mục đích sử dụng 4 cơ sở nhà đất trên, từ sản xuất kinh doanh sáng xây dựng cao ốc văn phòng và nhà ở cao tầng để bán và cho thuê.

Tháng 1/2004 UBND thành phố thống nhất cho Vinafood 2 chuyển đổi mục đích, giá bán và quyền sử dụng đất được xác định theo giá thị trường. Vinafood 2 có trách nhiệm lập dự án đầu tư trình các cấp có thẩm quyền, đồng thời lập phương án di dời các hộ gia đình đang sống tại đó.

Tháng 3/2005 Trung tâm kiểm định bản đồ và tư vấn địa ốc lập 3 chứng thư tư vấn giá bất động sản đối với 4 lô đất này với tổng giá trị 311,78 tỷ đồng; trong đó giá trị quyền sử dụng đất hơn 304,6 tỷ đồng và giá trị công trình hơn 7 tỷ đồng. Tháng 6/2005 UBND thành phố chấp thuận phê duyệt giá bán chỉ định cụm 4 lô đất này theo giá đề nghị gần 368,6 tỷ đồng.

Song Vinafood II cho rằng công ty đang ở thời kỳ khó khăn về nguồn vốn, không thể nộp tiền sử dụng đất, không lập phương án di dời hộ dân và không thực hiện bất kỳ thủ tục đầu tư nào.

Quá trình gia hạn, tháng 11/2007 xét đề nghị, UBND thành phố chấp thuận chủ trương lần 2, xác định lại giá bán chỉ định theo giá thị trường cho Vinafood 2, trong đó quy hoạch bỏ đi chức năng nhà ở cao tầng. Giá thẩm định và phê duyệt lần 2 là hơn 643 tỷ đồng; mục đích chuyển đổi để làm khách sạn cao cấp, cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại để cho thuê.

Đến tháng 11/2008 Vinafood 2 chỉ nộp hơn 633,5 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của Tổng công ty tại kho bạc thành phố. Tháng 9/2010 Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất được cấp cho Vinafood 2, thời hạn giao đất 50 năm.

Từ 2004 đến 2015 Vinafood 2 vẫn chưa lập phương án bồi thường di dời dân, cũng chưa làm thủ tục xin đầu tư dự án do khả năng tài chính yếu kém. Tháng 1/2015 Vinafood 2 có văn bản đề nghị Bộ tài chính cho phép chuyển từ mục đích sử dụng ban đầu là trực tiếp đầu tư sang phương án bán tài sản và chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thu hồi vốn.

Thời điểm đó, dù chưa được chấp thuận bán 4 cơ sở nhà đất trên, nhưng tháng 2/2015 Hội đồng thành viên Vinafood 2 đã ban hành Nghị quyết HĐTV, thống nhất chủ trương cho phép Vinafood 2 liên kết với Công ty TNHH TM Quảng cáo xây dựng địa ốc Việt Hân thành lập công ty TNHH 2 thành viên để thực hiện dự án, chuyển chủ đầu tư và chuyển quyền sử dụng đất.

Đáng chú ý, nội dung thành lập công ty mới: Vinafood 2 góp 20% vốn bằng toàn bộ giá trị tài sản trên đất và một phần giá trị quyền sử dụng đất của 4 cơ cở nhà đất này; phía Việt Hân góp 80% bằng tiền mặt. Sau khi được chấp thuận của cơ quan chủ quản, trong vòng 3 ngày phía Việt Hân phải chuyển đủ 100% số tiền chuyển nhượng 4 cơ sở nhà đất này (bao gồm giá trị quyền sử dụng đất vào tài sản gắn liền trên đất) để đảm bảo cho việc triển khai dự án. Vinafood 2 sẽ thoái 20% vốn góp trong công ty liên kết này ngay sau khi được phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Song song với đó Vinafood II tiếp tục xin chủ trương từ các cấp có thẩm quyền. Vinafood II trình bày, Tổng công ty đã lỗ lũy kế 1.200 tỷ đồng trong hoạt động kinh doanh, đã nộp hơn 633 tỷ đồng tiền để chuyển mục đích sử dụng đất cho 4 cơ sở nhà đất này, song nguồn tài chính yếu kém nên chưa thể khai thác khu đất, phải tìm đối tác mạnh, cùng lập công ty liên kết để thực hiện dự án. Cùng với đó là 1 số thay đổi trong phương án góp vốn.

Trước kiến nghị, Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc, với điều kiện quan trọng là Vinafood 2 phải thực hiện phương án sắp xếp lại đối với 4 cơ sở nhà đất; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn là đơn vị lựa chọn đối tác đầu tư…

Vinafood 2 đã vi phạm: không sắp xếp lại 4 cơ sở nhà đất, không lập thủ tục liên kết góp vốn trình Bộ NG&PTNT. Đồng thời Vinafood 2 thuê công ty thẩm định giá, định giá trị tổng của tài sản hơn 704,4 tỷ đồng. Tháng 10/2015 Vinafood 2 phê duyệt quyết định giá trị tổng của 4 cơ sở nhà đất này là 730 tỷ đồng để thực hiện bán chuyển nhượng thay đổi toàn bộ nội dung đã trình Bộ NN& PTNT trước đó.

Năm 2016 Vinafood 2 dời trụ sở về số 333 đường Trần Hưng Đạo, quận 1.

Đường đi của khu đất vàng

Tháng 11/2015 Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ xây dựng Việt Hân Sài Gòn được thành lập với vốn điều lệ 800 tỷ đồng, trong đó Vinafood II góp 160 tỷ đồng tương ứng 20%; Địa ốc Việt Hân góp 640 tỷ đồng tương ứng 80%. Công ty do ông Đinh Trường Chinh làm Chủ tịch Hội đồng thành viên. Địa chỉ trụ sở chính lấy số 42 Chu Mạnh Trinh.

Lô đất vàng đã "dần" rời khỏi tay Vinafood II, về với Việt Hân.

Đáng chú ý, cập nhật thông tin đăng ký kinh doanh tháng 2/2016 của Việt Hân Sài Gòn đã không còn tên của Vinafood II. Cổ đông lớn Địa ốc Việt Hân cũng chỉ nắm 1%, còn lại 99% đứng tên cá nhân Hoàng Ngọc Cầm Hồng có địa chỉ tại Canada. Công ty vẫn do ông Đinh Trường Chinh làm người đại diện theo pháp luật.

Không lâu sau đó số cổ phần dưới tên Hoàng Ngọc Cầm Hồng được chuyển sang CTCP Bất động sản Mùa Đông - VID, trong tháng 2/2016.

Việt Hân Sài Gòn vẫn còn nhiều biến động về cổ đông sau đó, cơ bản, mấu chốt là Vinafood 2 đã không còn hiện diện tên trên danh sách cổ đông góp vốn, toàn bộ tài sản 4 cơ sở nhà đất được chuyển giao sang cho Việt Hân Sài Gòn.

Khu đất vàng giờ đang "ở đâu"?

Việt Hân Sài Gòn cũng đã có nhiều biến động về cơ cấu cổ đông. Sau khi về tay, Địa ốc Việt Hân sau đó cũng đã không hiện diện trong danh sách thành viên góp vốn tại Việt Hân Sài Gòn.

Còn khu đất vàng giờ đang ở đâu?

Thông tin ghi nhận 2/2016 Việt Hân Sài Gòn có giao dịch thế chấp tại Ngân hàng Hàng Hải (MSB), tài sản thế chấp là "Khoản phải thu hình thành trong tương lai phát sinh từ việc bán căn hộ, tầng hầm, trung tâm thương mại, văn phòng và các tài sản khác gắn liền với đất của dự án tại địa chỉ 34-36, 42 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là “Dự án 42 Chu Mạnh Trinh”).

Đáng chú ý, bên nhận đảm bảo không phải là MSB, mà là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với tài sản đảm bảo là "Toàn bộ lợi ích có được từ việc khai thác giá trị của bất động sản tại địa chỉ số 34 - 36, 42 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP HCM".

Giữa lùm xùm liên tiếp về vụ "đất vàng", Vinafood II làm ăn ra sao?

Cập nhật tiến độ 'siêu' dự án gần 12.000 tỷ đồng từng được 'ông lớn' FLC, T&T quan tâm tại tỉnh Tây Nguyên duy nhất sẽ lên TP trực thuộc Trung ương

Lộ diện chủ đầu tư mới của dự án gần 12.000 tỷ từng liên quan đến Ecopark, FLC và T&T

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bi-an-duong-di-khu-dat-vang-tu-vinafood-ii-vsf-ve-tay-dia-oc-viet-han-nhu-the-nao-205703.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Bí ẩn đường đi: Khu đất vàng từ Vinafood II (VSF) về tay Địa ốc Việt Hân như thế nào?
    POWERED BY ONECMS & INTECH