Bình Định sắp có trung tâm khoa học, công nghệ từ doanh nghiệp Ấn Độ
Hiện nay, Ấn Độ có 4 dự án đầu tư tại Bình Định với tổng vốn đăng ký đạt 3,24 triệu USD.
Ngày 25/6, UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Ấn Độ tại tỉnh, đồng thời ký kết nhiều bản ghi nhớ hợp tác đầu tư trên các lĩnh vực như công nghệ, du lịch, giáo dục, y tế…
Ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết, trong những năm qua, tỉnh đã tiếp nhận các chuyên gia du lịch do phía Ấn Độ phái cử, tăng cường kết nối với các công ty lữ hành của Ấn Độ để hỗ trợ quảng bá thông tin du lịch Bình Định.
Tuy nhiên, quan hệ hợp tác thương mại, du lịch, thu hút đầu tư các doanh nghiệp Ấn Độ vào tỉnh còn khá khiêm tốn, quy mô thấp, lĩnh vực chưa đa dạng, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của hai bên.
Ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện tại Ấn Độ có 4 dự án đầu tư tại Bình Định với tổng vốn đăng ký đạt 3,24 triệu USD. Dư địa cho hợp tác đầu tư trong các ngành lĩnh vực tiềm năng còn rất lớn, đặc biệt là các lĩnh vực thế mạnh của Ấn Độ như: năng lượng sạch, đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, y tế, nông nghiệp công nghệ cao...
Tỉnh Bình Định
Ông Payyaula Sai Venkat Kisshan - Chủ tịch Hiệp hội Robot Ấn Độ cho biết, các doanh nghiệp Ấn Độ muốn xây dựng một trung tâm khoa học sáng tạo tại Bình Định, giúp Việt Nam đào tạo ra những học sinh, sinh viên mạnh về lĩnh vực công nghệ và đẩy mạnh phát triển lĩnh vực về robot.
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, Bình Định đi đầu cả nước về hình thành tổ hợp trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ đầu tiên tại Việt Nam.
Dự án do Tập đoàn FPT làm chủ đầu tư, với vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng, cùng với lực lượng nhân sự dự kiến phục vụ cho dự án khoảng 20.000 nhân sự. Đây là nơi làm việc, nghiên cứu phát triển và đào tạo nhân sự công nghệ đưa Quy Nhơn thành trung tâm trí tuệ nhân tạo của Việt Nam.
Chủ tịch Bình Định nhận thấy Ấn Độ cũng đang trên đà trở thành một trung tâm AI, đặc biệt nhân tài công nghệ. Do vậy, việc hợp tác phát triển lĩnh vực này giữa hai bên là phù hợp với nhu cầu, chiến lược hợp tác.