Bất động sản

Bình Phước đề xuất chi hơn 5.000 tỷ khôi phục cây cầu bị sập 50 năm trước, rút ngắn kết nối tới sân bay lớn nhất và cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam

Việt Hoàng 13/02/2025 22:00

Dự án dự kiến có quy mô tối thiểu 4 làn xe, đồng bộ với các dự án đang triển khai trên các tuyến đường liên quan.

UBND tỉnh Bình Phước vừa có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải đề xuất phương án khôi phục cầu Mã Đà nhằm kết nối tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai.

Theo đề xuất, tuyến đường sẽ xuất phát từ TP. Đồng Xoài, đi theo đường ĐT.753, qua cầu Mã Đà sang địa phận tỉnh Đồng Nai, tiếp tục theo các tuyến đường địa phương để kết nối với đường Vành đai 4 đoạn qua TP. Biên Hòa với tổng chiều dài khoảng 76km.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - bà Trần Tuệ Hiền nhấn mạnh rằng, đây là phương án ngắn nhất và nhanh nhất để kết nối các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là Bình Phước với Đồng Nai, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển đến sân bay Long Thành và cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải.

Cầu Mã Đà. Nguồn ảnh: Báo Dân trí
Cầu Mã Đà. Nguồn ảnh: Báo Dân trí

Phương án này cũng phù hợp với quy hoạch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24/11/2023.

Việc khôi phục tuyến đường không chỉ góp phần thúc đẩy giao thương, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, mà còn tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh cho hai tỉnh Bình Phước, Đồng Nai cũng như khu vực Tây Nguyên và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đồng thời, tuyến đường còn mở ra cơ hội khai thác hiệu quả quỹ đất tiềm năng phía Đông Nam tỉnh Bình Phước, tận dụng lợi thế phát triển công nghiệp và dịch vụ lan tỏa từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.

Đối với các tác động đến khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, khảo sát thực tế cho thấy tuyến đường chỉ đi qua khoảng 2km rừng tự nhiên, trong khi 29km còn lại là rừng trồng, chủ yếu gồm keo lai.

>> Thủ tướng ấn định thời điểm hoàn thành dự án sân bay 11.000 tỷ được liên danh ADANI - Sovico ngỏ ý đầu tư

Để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến hệ sinh thái, UBND tỉnh Bình Phước đề xuất nghiên cứu phương án xây dựng đường trên cao, cầu cạn, rào chắn chống ồn hoặc hầm lộ thiên, tương tự như tuyến đường Hồ Chí Minh qua rừng quốc gia Bạch Mã, Cúc Phương.

Dự án dự kiến có quy mô tối thiểu 4 làn xe, đồng bộ với các dự án đang triển khai trên các tuyến đường liên quan, trong đó, ĐT.753 sẽ được nâng cấp mở rộng với chiều dài 17km, mặt đường rộng 19m, nền đường 24m; các tuyến ĐT.761, ĐT.767 cũng được mở rộng với tổng chiều dài khoảng 46km, mặt đường 19m, nền đường 24m; đồng thời đầu tư cầu cạn dài khoảng 2km, hệ thống tường chống ồn và hàng rào bảo vệ hai bên tuyến, mỗi bên khoảng 2km.

Tổng mức đầu tư sơ bộ cho phương án khôi phục cầu Mã Đà và hoàn thiện tuyến đường kết nối giữa tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai ước tính khoảng 5.130 tỷ đồng, bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng.

UBND tỉnh Bình Phước đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, đồng thuận với phương án này nhằm đảm bảo phù hợp với quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời thực hiện theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Thông báo số 117-TB/VPTW ngày 13/1/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng.

Theo thông tin từ Báo Dân trí, khu vực do tỉnh Bình Phước đề xuất trước đây đã có dấu tích chân cầu cũ. Được biết đây là chiếc cầu bắc qua sông Mã Đà và đổ gãy trước năm 1975.

Hiện tại, người dân qua lại địa phận hai tỉnh bắt buộc phải lội qua lòng sông Mã Đà, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đặc biệt là trong mùa nước lớn.

Thị xã Phú Mỹ sở hữu sông Thị Vải với vùng nước mặt khá rộng, khoảng cách giữa các bờ sông có nơi hơn 1.000m, chiều sâu trung bình mực nước thấp nhất của mỗi đoạn sông từ 14-20m, nhiều khúc sông sâu từ 20-40m, hình thành lên cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là cảng biển nước sâu lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD, chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 dự kiến khai thác vào năm 2026 với vốn đầu tư 5,45 tỷ USD, đạt công suất 25 triệu lượt khách/năm.

Giai đoạn 2 triển khai từ năm 2028-2032, nâng công suất lên 50 triệu lượt khách/năm. Giai đoạn 3 sẽ bắt đầu sau năm 2035, đưa công suất sân bay lên 100 triệu lượt khách/năm và giúp sân bay Long Thành trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam.

>> Hôm nay, chính thức trình Quốc hội dự án tuyến đường sắt hơn 8 tỷ USD, đi qua 9 tỉnh, thành miền Bắc

Cây cầu gần 4.900 tỷ có nhịp chính lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam vượt tiến độ 3 tháng

Cây cầu gần 12.000 tỷ kết nối Thủ đô với tỉnh là ‘bến đỗ’ của Tập đoàn Trump tại Việt Nam có đề xuất mới

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/binh-phuoc-de-xuat-chi-hon-5000-ty-khoi-phuc-cay-cau-bi-sap-50-nam-truoc-rut-ngan-ket-noi-toi-san-bay-lon-nhat-va-cang-nuoc-sau-lon-nhat-viet-nam-20225021315250847.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Bình Phước đề xuất chi hơn 5.000 tỷ khôi phục cây cầu bị sập 50 năm trước, rút ngắn kết nối tới sân bay lớn nhất và cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH