Bộ Công an phối hợp với Giáo hội Phật giáo xây dựng hệ thống quản lý tăng ni, phật tử
Phó Cục trưởng Cục C06 Bộ Công an đề nghị các tăng ni thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam được giao sử dụng hệ thống quản lý tăng ni, phật tử hết sức chú ý tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ bí mật cá nhân.
Ngày 3/6, Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an ) phối hợp cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức chương trình đào tạo thí điểm hệ thống phần mềm quản lý tăng ni, phật tử tại chùa Đại Thành (tỉnh Bắc Ninh).
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục C06 cho hay, thời gian qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng với lực lượng Công an nhân dân trong việc giữ gìn, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, tuyên truyền các chư vị phật tử tuân thủ quy định pháp luật nhà nước, tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm tại nơi cư trú.
Bộ Công an luôn trân trọng và ghi nhận những đóng góp trên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hòa cùng với công cuộc chuyển đổi số quốc gia hiện nay, để giảm thiểu công việc hành chính cho các chư vị tăng ni, giúp nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời, hỗ trợ phương thức trực tuyến giảng pháp đến công chúng, qua đó góp phần vào khối đại đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc, cùng với chính quyền các cấp xây dựng phát triển đất nước văn minh, Bộ công an đã phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng hệ thống quản lý tăng ni, phật tử.
Theo Đại tá Vũ Văn Tấn, hệ thống quản lý, tăng ni, phật tử gồm có các phân hệ sau:
Thứ nhất, ứng dụng di động cho phật tử, gồm các chức năng chính:
Đăng nhập vào ứng dụng thông qua tài khoản VNeID; đăng ký ghi danh phật tử; đăng ký Quy y Tam Bảo; xem thông tin hành chính Giáo hội; xem tin tức, sự kiện, các ngày lễ Phật giáo; nghe giảng pháp; cúng dường trực tuyến (triển khai giai đoạn 2). Khi đã thu thập đủ danh mục các chùa trên toàn quốc để tạo điều kiện cho Phật tử cúng dường trực tuyến tới tất cả các chùa trên toàn quốc.
Thứ hai, phần mềm Quản lý tăng ni, gồm các chức năng chính:
Quản lý Phật tử; quản lý tăng ni; quản lý hồ sơ (hồ sơ thụ giới), hồ sơ thuyên chuyển nội tỉnh, hồ sơ thuyên chuyển ngoại tỉnh, hồ sơ cấp đổi/cấp lại CNTN (chứng nhận tăng ni), hồ sơ cập nhật thông tin tăng ni, hồ sơ xuất gia; an cư kết hạ; báo cáo thống kê.
Thứ ba, phần mềm quản lý hành chính của Giáo hội Phật giáo, gồm các chức năng chính:
Xem thông tin cá nhân dành cho tăng ni; hồ sơ điện tử (hồ sơ thụ giới Tỷ khiêu/Tỷ khiêu Ni; hồ sơ thụ giới Sa di/Sa di Ni; hồ sơ thụ giới Thức Xoa Ma Na; hồ sơ thuyên chuyển nội tỉnh (có/không kiêm trụ trì); hồ sơ thuyên chuyển ngoại tỉnh (có/không kiêm trụ trì); hồ sơ cấp đổi/cấp lại CNTN; hồ sơ xuất gia); tra cứu hồ sơ.
“Để triển khai hệ thống này hiệu quả, ổn định và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, trong thời gian tới, C06 và Hội Phật giáo Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai thí điểm các chức năng của phần mềm, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, thân thiện, tiện lợi nhất cho người sử dụng tại Bắc Ninh và Thái Nguyên trước khi triển khai mở rộng trên toàn quốc”, Phó Cục trưởng Cục C06 cho biết.
Phó Cục trưởng Cục C06 đề nghị các tăng, ni thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam được giao sử dụng hệ thống quản lý cần hết sức chú ý tuân thủ các quy định của nhà nước về bảo vệ bí mật cá nhân.
>> Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng