Bỏ qua Mỹ dù đã đàm phán gần 10 năm, một quốc gia quyết chọn công nghệ Nga cho dự án điện hạt nhân trọng điểm
Các nhà phân tích cảnh báo rằng động thái này có thể làm gia tăng căng thẳng với Mỹ và kéo dài quá trình gia hạn thỏa thuận năng lượng chiến lược.
Bộ trưởng Tài nguyên Khoáng sản và Dầu khí Nam Phi Gwede Mantashe mới đây đã tuyên bố nước này Nam Phi đang cân nhắc mở rộng công suất điện hạt nhân dân sự và có thể hợp tác với Nga  hoặc Iran.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng động thái này có thể làm sâu sắc thêm rạn nứt trong quan hệ với Mỹ và kéo dài quá trình gia hạn thỏa thuận năng lượng chiến lược.
Hiện Nam Phi đang vận hành nhà máy điện hạt nhân Koeberg - nhà máy duy nhất ở châu Phi, và dự định bổ sung thêm 2.500 megawatt công suất để giải quyết tình trạng thiếu điện cũng như giảm phát thải.
"Chúng tôi không thể ký hợp đồng với điều kiện rằng Iran hoặc Nga không được đấu thầu. Chúng tôi không thể có điều kiện như vậy," Bộ trưởng Tài nguyên Khoáng sản và Dầu mỏ Gwede Mantashe, một trong những người ủng hộ mạnh mẽ việc mở rộng năng lượng hạt nhân của chính phủ, phát biểu.
"Nếu họ có đề xuất tốt nhất, chúng tôi sẽ xem xét bất kỳ quốc gia nào," ông nói với Reuters.
Tuy nhiên, kế hoạch này đang gặp nhiều thách thức khi Nam Phi vừa chịu áp lực từ sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump nhằm tạm dừng viện trợ, cáo buộc nước này tăng cường quan hệ với Iran trong các thỏa thuận thương mại, quân sự và hạt nhân.
Tuy nhiên, Văn phòng Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã khẳng định Pretoria không có hợp tác song phương với Iran trong lĩnh vực điện hạt nhân hay bất kỳ công nghệ nào liên quan đến hạt nhân.

Bộ Ngoại giao Nga mới đây cho hay Ngoại trưởng Sergei Lavrov sẽ tham dự cuộc họp Nhóm 20 nước (G20) tại Nam Phi vào tuần tới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết cuộc họp các ngoại trưởng tại Johannesburg từ ngày 20-21/2 sẽ là một sự kiện quan trọng.
Quá trình đấu thầu các dự án hạt nhân  của Nam Phi, dự kiến triển khai từ năm ngoái, đã bị trì hoãn do vướng các thách thức pháp lý từ đảng Liên minh Dân chủ (DA) khi đó là phe đối lập, nay là một phần của chính phủ liên minh.
Gần một thập kỷ đàm phán
Nam Phi và Mỹ đã đàm phán gần một thập kỷ để ký kết một thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự mới, còn được gọi là Thỏa thuận Mục 123. Đây là điều kiện tiên quyết để Nam Phi có thể nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân hoặc thiết bị do Mỹ sản xuất.
"Các cáo buộc trong sắc lệnh hành pháp có thể khiến việc gia hạn thỏa thuận trở nên phức tạp", Isabel Bosman, chuyên gia nghiên cứu năng lượng hạt nhân tại Viện Quan hệ Quốc tế Nam Phi, nhận định.
Thỏa thuận 123 trước đó, được thực thi vào năm 1997, đã hết hạn vào tháng 12/2022.
Theo Zizamele Mbambo, quan chức cấp cao thuộc Bộ Năng lượng Nam Phi, các cuộc đàm phán cho thỏa thuận mới đã hoàn tất về mặt kỹ thuật, nhưng vẫn chờ các thủ tục pháp lý. "Theo những gì chúng tôi biết, cả hai bên vẫn cam kết mạnh mẽ để hoàn tất thỏa thuận này", ông nói.
Nếu không đạt được thỏa thuận mới, công ty điện lực Eskom của Nam Phi có thể gặp khó khăn trong việc mua nhiên liệu cho lò phản ứng của tổ máy số 1 tại Koeberg từ Westinghouse (Mỹ). Trong khi đó, tổ máy số 2 hiện đang được cung cấp nhiên liệu bởi Framatome (Pháp).
Ngoài ra, việc thiếu thỏa thuận cũng có thể cản trở các công ty Mỹ, như TerraPower (do Bill Gates hậu thuẫn) và ASP Isotopes, đầu tư vào Nam Phi trong bối cảnh thế giới đang hướng đến một cuộc "phục hưng hạt nhân".
Theo Reuters