Thế giới

Hàng loạt công ty tại nước láng giềng Việt Nam thua lỗ, chính chiến tranh thương mại Mỹ - Trung 'châm ngòi'

Chu My 18/02/2025 14:22

Mức thuế bổ sung 10% (hoặc cao hơn) của ông Donald Trump đối với hơn 400 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc có thể khiến nhiều nhà sản xuất phá sản hoặc buộc phải chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc.

Cuộc chiến thuế quan mới giữa Tổng thống Mỹ Donald TrumpTrung Quốc đang gây ra vấn đề lớn cho nền kinh tế lớn nhất châu Á: Có quá nhiều hàng hóa giá rẻ mà các doanh nghiệp không thể bán được. Từ các nhà sản xuất thép, đồ nội thất đến tấm pin năng lượng mặt trời, nhiều công ty Trung Quốc đang chìm trong thua lỗ vì phải giảm giá sản phẩm để cạnh tranh.

Một loạt công ty tại nước láng giềng Việt Nam thua lỗ, hàng nghìn người dân mất việc: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chính thức 'giáng đòn' trực diện - ảnh 1
Tỷ lệ các công ty Trung Quốc đang thua lỗ trên thị trường chứng khoán

Theo phân tích của Nikkei Asia, đến quý III/2024, hơn 23% các công ty niêm yết của Trung Quốc đang bị lỗ, tăng từ 20% trong năm 2023 và gần gấp ba lần so với mức dưới 10% vào năm 2019, trước khi có đại dịch Covid-19.

Các chuyên gia cảnh báo rằng mức thuế bổ sung 10% (hoặc cao hơn) của ông Trump đối với hơn 400 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc có thể khiến nhiều nhà sản xuất phá sản hoặc buộc phải chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc.

Chen Zhiwu, Giáo sư Tài chính tại Đại học Hồng Kông nhận định: “Chuyển sản xuất sang các quốc gia khác có thể giúp các nhà sản xuất Trung Quốc tránh được tác động của thuế quan nhưng điều này lại không có lợi cho nền kinh tế Trung Quốc, vì sẽ làm mất đi cơ hội việc làm”.

Bắc Kinh không muốn từ bỏ chính sách hỗ trợ sản xuất. Tuy nhiên, khi không có đủ cầu trong nước để hấp thụ sản lượng, các nhà sản xuất phải giảm giá để giữ được khả năng cạnh tranh, dẫn đến một vòng luẩn quẩn: lợi nhuận thấp và nhu cầu yếu tạo ra áp lực lên các công ty, khiến họ phải giảm đầu tư và cắt giảm nhân sự.

Cạnh tranh thiếu lành mạnh đã trở nên phổ biến đến mức Chính phủ nước này phải can thiệp vào tháng 12/2024. Hơn 30 nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời đã đồng ý giảm sản lượng và kiềm chế giảm giá để tránh thua lỗ trên diện rộng. Tương tự, Hiệp hội Công nghiệp Nguồn điện Trung Quốc cũng kêu gọi các nhà sản xuất pin lithium ngừng “cạnh tranh không lành mạnh”.

Kelvin Lam, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Pantheon Macroeconomics, cho biết: “Càng nhiều đối thủ cạnh tranh, càng khó duy trì lợi nhuận”. Ông cũng nhấn mạnh rằng vấn đề lớn hơn là thiếu hụt nhu cầu.

Robin Xing, Chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Morgan Stanley, cho rằng khi mất cân bằng trong nước vẫn tồn tại, các công ty sẽ tiếp tục phụ thuộc vào xuất khẩu. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng thuế quan và xu hướng toàn cầu hướng đến đa cực hóa có thể làm giảm tiềm năng tăng trưởng của thị trường và các nhà máy vẫn đang thừa công suất.

Nikkei Asia viết, xu hướng bảo hộ đang gia tăng trên khắp thế giới. Liên minh châu Âu (EU) đã tăng thuế đối với xe điện Trung Quốc, Indonesia dự kiến áp thuế lên tới 200% đối với dệt may và gốm sứ, trong khi Ấn Độ đang xem xét thuế từ 15% đến 25% đối với thép Trung Quốc.

Những động thái này phản ánh các chính sách thuế của chính quyền Trump đối với thép và nhôm, hai ngành mà Trung Quốc đã thống trị sản xuất toàn cầu trong nhiều năm.

Một loạt công ty tại nước láng giềng Việt Nam thua lỗ, hàng nghìn người dân mất việc: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chính thức 'giáng đòn' trực diện - ảnh 2
Cuộc chiến thuế quan mới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Trung Quốc đang gây ra vấn đề lớn cho nền kinh tế lớn nhất châu Á

Tác động của các biện pháp này đã rõ ràng trong kết quả tài chính của các công ty. Maanshan Iron & Steel dự đoán sẽ thua lỗ 4,59 tỷ nhân dân tệ (629 triệu USD) trong năm 2024, gấp ba lần so với năm trước.

Angang Steel cảnh báo rằng lỗ có thể lên đến 7,1 tỷ nhân dân tệ, gấp đôi so với năm 2023. Ba công ty năng lượng mặt trời lớn nhất, bao gồm Longi Green Energy Technology và TCL Zhonghuan Renewable Energy Technology, ước tính sẽ lỗ tổng cộng 24 tỷ nhân dân tệ trong năm 2024, trái ngược với mức lãi 27,8 tỷ nhân dân tệ của năm 2023.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng gặp khó khăn. Công ty sản xuất nệm Healthcare ở Thượng Hải dự báo thua lỗ 160 triệu nhân dân tệ trong năm 2024, trong khi ROIDMI Information Technology, nhà sản xuất máy hút bụi của Xiaomi, đã phải tuyên bố phá sản. Tổng cộng, lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc đã giảm 3,3% trong năm 2024, đánh dấu năm giảm thứ ba liên tiếp.

Một mối lo ngại là số lượng các công ty "zombie" - tức là những công ty có doanh thu không đủ để trả lãi vay trong hai năm - đã tăng lên 13% trong nửa đầu năm 2024, gấp đôi mức trung bình toàn cầu (6%).

Điều này đã dẫn đến nhiều công ty phải sa thải nhân viên, như công ty Healthcare đã cắt giảm 19% số lượng lao động, từ 9.150 người vào năm 2021 xuống còn 7.443 người vào năm 2023. Thomas Gatley từ Gavekal Dragonomics nhận xét: “Chính sách ưu tiên sản xuất đi kèm với những chi phí khác. Khi công việc không tăng trưởng và nhu cầu yếu, các công ty sẽ phải dựa nhiều hơn vào xuất khẩu để tồn tại”.

Tham khảo Nikkei Asia

>> Giới tài phiệt Trung Quốc họp kín với Chủ tịch Tập Cận Bình, quyết tâm 'giáng đòn' trực diện vào công nghệ phương Tây?

Phát hiện ‘kho báu’ khổng lồ trong hàng chục giếng cổ ở nước gần Việt Nam nhưng không ai dám khai thác

Thái Lan công bố tăng trưởng GDP đáng thất vọng, Việt Nam chỉ còn cách 50 tỷ USD là đuổi kịp

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/mot-loat-cong-ty-tai-nuoc-lang-gieng-viet-nam-thua-lo-hang-nghin-nguoi-dan-mat-viec-chien-tranh-thuong-mai-my-trung-chinh-thuc-giang-don-truc-dien-137022.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Hàng loạt công ty tại nước láng giềng Việt Nam thua lỗ, chính chiến tranh thương mại Mỹ - Trung 'châm ngòi'
    POWERED BY ONECMS & INTECH