Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Cần đặt lên vai các doanh nghiệp lớn như Vingroup, Thaco những sứ mệnh lớn lao hơn
Theo Bộ trưởng, Hội nghị của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp lớn giống như phiên "Diên Hồng" của khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Sáng 21/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp lớn để thảo luận về các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tại đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh vai trò tiên phong của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam như Vingroup, Thaco, Hòa Phát trong việc dẫn dắt nền kinh tế và tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.
Hội nghị có sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao như các Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Lê Minh Khái, Hồ Đức Phớc, cùng lãnh đạo các bộ, ngành và đại diện các doanh nghiệp lớn như Vingroup, Hòa Phát, Thaco, Sun Group, Masan, Sovico và nhiều tập đoàn khác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhưng đây là lần đầu tiên một hội nghị theo chuyên đề được tổ chức, nhằm trao đổi, bàn về vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong phát triển kinh tế đất nước.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến cuối năm 2023, tổng tài sản của các doanh nghiệp tư nhân tham gia hội nghị đã đạt khoảng 70 tỷ USD. Đây là nguồn lực quan trọng cho nền kinh tế, kết hợp với công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra sự tự chủ cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị |
>> Vingroup ủng hộ 250 tỷ đồng: Khi từ thiện trở thành giá trị cốt lõi 
Theo Bộ trưởng, Hội nghị này giống như phiên "Diên Hồng" của khu vực doanh nghiệp tư nhân, nơi Chính phủ và các doanh nghiệp cùng nhau thảo luận về những vấn đề lớn của đất nước, đặc biệt là vai trò của doanh nghiệp lớn trong việc tiên phong giải quyết các thách thức và đẩy mạnh phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp lớn sẽ thực hiện vai trò tiên phong trong các lĩnh vực then chốt, đảm nhiệm vị trí dẫn đầu trong các chuỗi giá trị công nghiệp và nông nghiệp, đồng thời tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế. Ông nhấn mạnh, các doanh nghiệp lớn cần chủ động đi đầu trong những việc lớn, việc khó và việc mới, đặc biệt là những lĩnh vực có ảnh hưởng sâu rộng đến quốc gia.
“Với tiềm lực tài chính, năng lực nghiên cứu và phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao, bề dày kinh nghiệm và thương hiệu lâu đời, chúng tôi tin rằng đã đến lúc đặt lên vai doanh nghiệp lớn những sứ mệnh lớn lao hơn”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.
Ngoài ra, Bộ trưởng nhấn mạnh các doanh nghiệp lớn cần tham gia vào các dự án chiến lược của quốc gia như đường sắt cao tốc Bắc-Nam, các dự án năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi, và các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghiệp bán dẫn.
Bộ trưởng cũng đề xuất doanh nghiệp lớn cần tiên phong trong việc đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và áp dụng các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, ông kêu gọi doanh nghiệp dẫn đầu đầu tư vào các ngành công nghiệp xanh, bền vững như xe điện, năng lượng tái tạo, nông nghiệp phát thải thấp, đồng thời phải chú trọng đến các dự án phát triển hạ tầng lớn của quốc gia.
Bên cạnh đó, ông khuyến khích các doanh nghiệp lớn liên kết với doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện cho các đơn vị này tham gia vào chuỗi giá trị, từ đó hỗ trợ phát triển bền vững. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, đảm nhận vai trò nhà thầu phụ trong các dự án lớn, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng đồng đều của nền kinh tế.
Kết thúc bài phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp lớn cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đón đầu các xu hướng kinh doanh mới và hướng tới mô hình phát triển xanh và bền vững. Ông cũng khuyến khích các doanh nghiệp lớn xây dựng thương hiệu, phát huy đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp, từ đó nâng cao uy tín và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
“Tôi rất hy vọng các doanh nghiệp tiếp tục phát huy niềm tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử, sức mạnh nội sinh, tự lực, tự cường; chủ động nắm bắt thời cơ, có phương án thích ứng với những biến động trong tương lai; đón đầu các xu hướng kinh doanh mới; đổi mới mô hình hướng tới kinh doanh xanh và bền vững; chú trọng nâng cao giá trị thương hiệu, đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp; xây dựng uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường khu vực và quốc tế”, Bộ trưởng kết luận.