Boeing 747 đâm trực diện vào máy bay khác sau 7 phút cất cánh khiến 351 người trên 2 phi cơ thiệt mạng: Sự cố hàng không hy hữu gây ám ảnh suốt gần 3 thập kỷ
Với hệ thống kiểm soát không lưu ngày càng được hoàn thiện, đây được đánh giá là sự cố hàng không cực kỳ hiếm gặp.
Tối 12/11/1996, một thảm kịch hàng không  kinh hoàng xảy ra khi máy bay dân dụng của Saudi Arabia Airlines và máy bay vận tải của Kazakhstan Airlines va chạm gần sân bay New Delhi (Ấn Độ), khiến toàn bộ 351 người trên cả hai máy bay thiệt mạng. Đây là vụ va chạm hàng không nghiêm trọng thứ ba trong lịch sử về số người chết.
Chiếc Boeing 747 của Saudi Arabia Airlines, chở 312 hành khách và phi hành đoàn, cất cánh lúc 6 giờ 33 tối (giờ địa phương) từ New Delhi, hướng đến Dahran và Jidda (Saudi Arabia). Bảy phút sau, máy bay này đã va chạm với máy bay vận tải Ilyushin 76 của Kazakhstan Airlines, xuất phát từ Shymkent, Kazakhstan, đến New Delhi chở theo 39 người.
Theo Press Trust of India, phần lớn hành khách trên Boeing 747 là người Ấn Độ, nhiều người trong số họ thuộc cộng đồng Hồi giáo đang hành hương đến Mecca hoặc đi công tác. Ngoài ra, có 17 người nước ngoài trên máy bay. Trong khi đó, hầu hết nạn nhân trên Ilyushin 76 là người Kyrgyzstan do máy bay được một công ty Kyrgyzstan thuê vận hành.
Một phi công Không lực Hoa Kỳ lái chiếc C-141 là người tận mắt chứng kiến sự việc từ trên không và mô tả lại: “Chúng tôi nhìn thấy ánh sáng màu cam bên trong đám mây”, sau đó là hai quả cầu lửa lớn bùng lên trên bầu trời. Các mảnh vỡ từ hai máy bay rơi xuống đất, đánh dấu một thảm kịch chấn động ngành hàng không thế giới.
Với hơn 4 triệu chuyến bay cất cánh mỗi ngày trên toàn cầu, va chạm giữa hai máy bay vẫn là sự cố cực kỳ hiếm nhờ hệ thống kiểm soát không lưu  hiện đại. Nguyên nhân được phân tích có thể đến từ tình trạng hạ cánh và cất cánh trên cùng đường bay ở Ấn Độ. Tình trạng này đã nhiều lần được cảnh báo là mối nguy hiểm chết người. Dù tiêu chuẩn quốc tế yêu cầu khoảng cách tối thiểu giữa hai máy bay là 300m, việc đảm bảo an toàn tối ưu đòi hỏi các sân bay phải có đường bay riêng biệt cho từng hướng.
Một giả thuyết khác cho rằng lỗi kiểm soát không lưu hoặc sự hiểu nhầm của phi công với chỉ dẫn từ trạm kiểm soát không lưu tại sân bay quốc tế Indira Gandhi có thể là nguyên nhân dẫn đến vụ va chạm.
Trước thời điểm tai nạn xảy ra, kiểm soát viên không lưu xác nhận rằng cả hai máy bay Boeing 747 của Saudi Arabia và máy bay Kazakhstan đều "nằm trong tầm kiểm soát". Theo hướng dẫn, chiếc Boeing 747 được chỉ định bay lên độ cao hơn 4.200m, trong khi máy bay Kazakhstan hạ xuống độ cao hơn 4.500m. Tuy nhiên, vào lúc 6 giờ 40 tối, cả hai máy bay đột ngột biến mất khỏi màn hình radar.
Các chuyên gia quốc tế đã chỉ trích hệ thống radar tại sân bay New Delhi, nhận định rằng công nghệ "quá cũ kỹ và lỗi thời" có thể đã khiến kiểm soát viên không nhận được dữ liệu kịp thời về độ cao và hướng bay, góp phần gây nên thảm kịch. Thực tế này phản ánh rõ rệt sự lạc hậu của hệ thống hàng không Ấn Độ trong việc bắt kịp công nghệ hiện đại.
Trong khi đó, vào thời điểm trước khi sự cố xảy ra, vào hồi tháng 6/1996, Tổng cục Hàng không Dân dụng Ấn Độ (DGCA) đã yêu cầu tất cả máy bay dân dụng  trang bị thiết bị C transponder, công cụ quan trọng giúp cảnh báo phi công về vật cản và hỗ trợ kiểm soát viên theo dõi độ cao. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ khiến quy định này thiếu hiệu quả. Chiếc Boeing 747 của Saudi Arabia dù được trang bị C transponder nhưng không thể phát huy tác dụng khi hệ thống radar đặc biệt để hỗ trợ tín hiệu vẫn chưa được lắp đặt.
Không chỉ vấn đề kỹ thuật, giao tiếp giữa phi công và kiểm soát viên cũng là một thách thức. Cách phát âm tiếng Anh khác biệt của kiểm soát viên Ấn Độ thường gây khó khăn, dễ dẫn đến hiểu lầm trong điều phối chuyến bay, khiến nhiều phi công quốc tế lo lắng khi hoạt động tại nước này.
Sau thảm kịch, hàng không Ấn Độ đã có những bước cải tiến cơ bản. Chẳng hạn, hệ thống hướng dẫn hạ cánh chỉ được lắp đặt sau vụ va chạm tại Ahmedabad năm 1988, hay đường băng tại sân bay Aurangabad chỉ mở rộng sau một sự cố tương tự. Chính phủ Ấn Độ đang nỗ lực cải thiện an toàn hàng không, cho phép các công ty tư nhân cạnh tranh với các hãng nhà nước như Air India. Các hãng tư nhân đã thúc đẩy cải thiện dịch vụ và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt tại các sân bay lớn.
Tuy nhiên sau đó, các sự cố vẫn tiếp diễn, điển hình là vụ tai nạn năm 1994 khi một chiếc Boeing 737 của Sahara Airways trượt khỏi đường băng và va chạm với máy bay Aeroflot, khiến 22 người thiệt mạng. Mặc dù đã có những bước tiến tích cực, hệ thống hàng không Ấn Độ vẫn còn xa mới đạt tiêu chuẩn quốc tế.