Quý cuối năm 2023, Xây dựng Hòa Bình báo lãi sau thuế hơn 100 tỷ đồng, ngắt mạch chuỗi thua lỗ 4 quý liên tiếp. Vinaconex, Coteccons, cũng báo lãi sau thuế lần lượt đạt 132 tỷ và 69 tỷ đồng.
Năm 2023, trong bối cảnh thị trường bất động sản còn gặp khó khăn, hoạt động kinh doanh của các "ông lớn" ngành xây dựng cũng chưa thể khởi sắc. Dù vậy, kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp trong ngành đã dần có sự cải thiện, nhất là trong quý cuối năm.
Hòa Bình (HBC) thoát lỗ nhờ khấu trừ chi phí
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC ) công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với doanh thu đạt 2.081 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ, song giá vốn bán hàng cũng giảm đáng kể, giảm tới 45%. Qua đó, công ty ghi nhận lãi gộp 31,4 tỷ đồng, khả quan hơn so với mức lỗ 415,4 tỷ đồng năm trước.
Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng tới 49% lên 60,7 tỷ đồng; trong khi chi phí tài chính giảm 31,4% xuống 136 tỷ đồng. Thêm vào đó, công ty được lấy lại một khoản lớn từ chi phí trích lập dự phòng. Kết quả, HBC lãi 205,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ tới 1.028 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2023, HBC ghi nhận doanh thu đạt 7.282,3 tỷ đồng, giảm 49% so với năm 2022, lỗ 545 tỷ đồng, khả quan hơn nhiều so với con số lỗ 2.079 tỷ đồng năm 2022.
>> Lợi nhuận của HBC không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi là xây dựng, mà do đâu? 
Doanh thu Vinaconex (VCG) cao nhất 14 năm
CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HoSE: VCG ) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất cho năm 2023, doanh thu tăng mạnh 50% đạt hơn 12.700 tỷ đồng và là mức ghi nhận cao nhất từ năm 2012.
Trong cấu trúc nguồn thu, hoạt động xây lắp tiếp tục đóng góp một phần quan trọng, chiếm gần 65% tổng nguồn thu với hơn 8.300 tỷ đồng, tăng 35,6% so với năm trước. Mảng kinh doanh bất động sản đạt hơn 2.300 tỷ đồng, tăng đột biến 10,5 lần so với cùng kỳ.
Trong năm 2023, Vinaconex không ghi nhận khoản thu 663 tỷ đồng từ việc đánh giá lại các khoản đầu tư tại Vinaconex - ITC, dẫn đến giảm gần 70% doanh thu tài chính còn 333 tỷ đồng. Lợi nhuận khác cũng giảm mạnh xuống 17,5 tỷ đồng.
Khấu trừ chi phí, lãi sau thuế của VCG đạt hơn 336 tỷ đồng trong năm 2023, giảm 64% so với năm trước đó, mức thấp nhất từ năm 2013 và chỉ đạt được 39% so với mục tiêu cả năm.
Đáng chú ý, năm 2023 được xem là năm thành công của Vinaconex trong thị trường thầu xây dựng, với việc trúng thầu nhiều gói dự án sân bay Long Thành , đạt tổng giá trị trúng thầu gần 68.000 tỷ đồng. Do đó, doanh thu hoạt động xây lắp của công ty tăng 35,6%, đạt gần 8.300 tỷ đồng và chiếm hơn 65% tổng doanh thu. Mảng kinh doanh bất động sản cũng ghi nhận tăng đột biến, đạt hơn 2.300 tỷ đồng.
Coteccons (CTD) báo lãi vượt 20% kế hoạch
Với CTCP Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD ), trong quý II của năm tài chính 2024, tương đương quý IV/2023, lợi nhuận của công ty tiếp tục tăng trưởng mạnh 266% so với cùng kỳ, lên 69 tỷ đồng (mức doanh thu theo quý lớn nhất kể từ đầu năm 2021 tới nay) dù doanh thu sụt giảm hơn 9%, còn 5.660 tỷ.
Cộng dồn 12 tháng năm Dương lịch 2023, Coteccons có doanh thu 16.524 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 187 tỷ - đánh dấu lần đầu tiên sau 3 năm, lợi nhuận của công ty trở lại với ngưỡng trăm tỷ đồng.
Theo lý giải của doanh nghiệp, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế quý II/2024 tăng 266% so với cùng kỳ chủ yếu là do chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ giảm 60,2 tỷ đồng, tương đương giảm 33% so với cùng kỳ, xuống còn 122 tỷ. Mức giảm này phần lớn đến từ khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi giảm 40,5 tỷ đồng, tương đương 45,8% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, việc công ty đang thực hiện tái cấu trúc cũng góp phần tối ưu hóa chi phí quản lý trong kỳ.
Ảnh minh họa |
Cùng với kết quả kinh doanh ghi nhận có lãi, nợ phải trả của hầu hết các doanh nghiệp xây dựng đã giảm bớt so với đầu năm và dòng tiền đều duy trì ở mức dương thay vì âm nặng như cùng kỳ.
Tại thời điểm ngày 31/12/2023, tổng nợ của HBC giảm 1.775 tỷ đồng so với đầu năm, giảm còn 12.601 tỷ. Phải trả người bán ngắn hạn giảm 370 tỷ (còn 4.368 tỷ), nợ vay ngắn hạn giảm mạnh 1.115 tỷ (xuống 3.989 tỷ), và nợ vay dài hạn giảm 298 tỷ (xuống 729 tỷ). Trong năm qua, công ty đã đi vay gần 2.535 tỷ và trả nợ vay 3.948 tỷ. Dòng tiền kinh doanh duy trì mức dương 1.393 tỷ đồng (cùng kỳ âm 883 tỷ).
VCG giảm hơn 2.000 tỷ đồng nợ vay so với đầu năm, còn hơn 20.000 tỷ. Nợ dài hạn giảm 3.132 tỷ, còn 5.036 tỷ, trong khi nợ ngắn hạn tăng 683 tỷ lên 6.028 tỷ. Dòng tiền kinh doanh đến cuối quý IV/2023 duy trì dương hơn 3.300 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 1.767 tỷ.
Ngược chiều, CTD có sự nhích nhẹ trong tổng nợ đến ngày 31/12/2023 với sự giảm 115 tỷ đồng ở nợ vay ngắn hạn, còn 582 tỷ, trong khi nợ vay dài hạn không có biến động nhiều, ở mức gần 500 tỷ. Dòng tiền kinh doanh sau khi dương trở lại trong năm tài chính 2023, duy trì mức dương 536 tỷ đồng đến hai quý đầu năm 2024, trong khi cùng kỳ âm 329 tỷ.
Nhận tin doanh nghiệp báo lãi, cổ đông "ăn mừng"
Là các "ông lớn" trong nhóm xây dựng, cổ phiếu của các công ty kể trên luôn nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư. Thị giá cổ phiếu phản ánh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, đều tăng hàng chục %.
Theo đó, cổ phiếu HBC tăng kịch biên độ vào ngày 30/1. Tuy đến phiên ngày 2/2, HBC có điều chỉnh đạt 8.900 đồng/cp. Tính từ đầu năm 2024, cổ phiếu này đã tăng 20%.
Tương tự, cổ phiếu VCG đạt 25.200 đồng/cp khi kết thúc phiên ngày 2/2. So với đầu quý IV/2023, cổ phiếu đã bứt tốc tăng trưởng thêm 34%.
Cổ phiếu CTD ghi nhận mức giá 66.900 đồng/cp thời điểm kết phiên 2/2. Sau 3 tháng, CTD tăng thêm 50%.
Có thể thấy, bức tranh kết quả kinh doanh năm 2023 của các doanh nghiệp ngành xây dựng nhìn chung vẫn đang gặp nhiều khó khăn nhưng đã có những tín hiệu khả quan hơn về những tháng cuối năm, khiến cho nhà đầu tư "hưng phấn" hơn trước cơ hội đầu tư vào cổ phiếu của các danh nghiệp xây dựng.
>> Đất Xanh Services (DXS) lần đầu báo lỗ sau 6 năm, cắt giảm 32% nhân sự 
'Xây lâu đài trên cát', Hòa Bình (HBC) dùng 2 năm để 'xô đổ' thành quả tích góp 15 năm 
Giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 dự kiến tăng tích cực, nhận diện 6 cổ phiếu đón 'sóng'