Bức tranh "sáng màu" cho ngành gạo cuối năm 2022

05-10-2022 20:14|Bảo Trâm

Theo các chuyên gia, Việt Nam được hưởng lợi từ lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Đồ dù phân khúc khác nhau.

Đầu tháng 9/2022, Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với một số loại gạo khác. Lệnh cấm xuất khẩu của gạo Ấn Độ đã khiến thị trường có nhiều biến động.

Theo ông Phạm Khắc Thiên Tường, Phó Tổng Giám đốc Edutrade, thành viên của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, Ấn Độ là nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu. Nước này áp thuế 20% đối với gạo trắng chưa xát, gạo lứt xát và gạo nửa xay hoặc xát toàn bộ.

Ông Tường cho rằng Ấn Độ chủ yếu xuất khẩu gạo khô cơm, trong khi Việt Nam xuất khẩu nhiều gạo dẻo, gạo thơm nên có sự khác biệt về phân khúc và chất lượng. Tuy nhiên, động thái mới đây của Ấn Độ vẫn sẽ giúp hoạt động xuất khẩu lúa gạo tại Việt Nam được hưởng lợi. Khi nguồn cung từ quốc gia xuất khẩu lúa gạo lớn nhất trên thế giới bị thu hẹp lại, cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tăng cường năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu lúa gạo sẽ nhiều hơn.

Vị chuyên gia từ Edutrade cho rằng, mặt hàng gạo của Ấn Độ đang khá cạnh tranh với gạo của Việt Nam ở phân khúc thị trường châu Phi và Trung Quốc.

Do đó, theo ông Tường, cơ hội hiện tại khá lớn để với các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gạo trong nước tìm kiếm thêm được các khách hàng mới. Đồng thời, dự báo giá gạo sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Những ngày qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng, khoảng hơn 30 USD/tấn so với hồi đầu tháng 9.

Giá gạo xuất khẩu tăng khiến doanh nghiệp thu mua lúa của nông dân với giá cao hơn, thị trường trong nước dự báo sẽ sôi động hơn.

3 yếu tố giúp xuất khẩu gạo Việt Nam "có chỗ đứng"

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kế hoạch năm 2022, Việt Nam xuất khẩu khoảng 6,3 đến 6,5 triệu tấn gạo, cao hơn 100.000 - 200.000 tấn so với năm 2021. Nếu không có các yếu tố bất lợi mới, khả năng xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022 sẽ đạt và vượt kế hoạch.

Kỳ vọng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong các tháng cuối năm, Phó Tổng giám đốc Edutrade đưa ra ba cơ sở chính.

Thứ nhất, nhu cầu nhập khẩu từ Philippines - nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng do giá lúa mì lên cao.

Sau khi Ấn Độ áp thuế xuất khẩu gạo trắng và cấm xuất khẩu gạo tấm, Philippines lo ngại nguồn cung toàn cầu bị ảnh hưởng, trong khi đó Philippines là quốc gia không thể ngừng nhập khẩu gạo. Điều này có thể thúc đẩy xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Thứ hai, Trung Quốc - nhà nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam, dự kiến sẽ quay trở lại nhập khẩu gạo nhiều hơn trong nửa cuối năm 2022 sau một thời gian bị kìm hãm bởi chính sách “Zero Covid”, nguồn gạo của các doanh nghiệp nhập khẩu về dự trữ đang vơi dần.

Bên cạnh đó, các hạn chế nghiêm ngặt đối với việc di chuyển trong bối cảnh dịch bệnh đã gây ra gián đoạn hoạt động sản xuất nông nghiệp khiến nhu cầu nhập khẩu tăng lên.

Thứ ba, xuất khẩu gạo sang châu Âu dự kiến sẽ tăng nhờ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Theo cam kết trong EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu 80.000 tấn gạo/năm.

Về giá, theo ông Tường, nếu như Ấn Độ kéo dài việc thực hiện áp thuế, giá gạo Việt Nam sẽ tiếp tục đi lên cùng với định hình lại về mặt bằng giá mới. Nhiều cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu đó, nhất là trong bối cảnh nguồn cung gạo toàn cầu còn đối mặt rủi ro do tình trạng thời tiết khắc nghiệt ở các nước xuất khẩu lớn.

Thời tiết khắc nghiệt gần đây tại các nước xuất khẩu gạo hàng đầu châu Á, nơi chiếm khoảng 90% sản lượng gạo thế giới, có khả năng làm giảm năng suất và sản lượng trong năm nay, đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt đáng báo động.

Do là loại lương thực thiết yếu, nên nhu cầu sử dụng gạo sẽ không bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế như các mặt hàng khác. Trong bối cảnh nguồn cung giảm, nhu cầu ổn định, giá gạo thế giới và giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn dư địa tiếp tục tăng.

Dự báo giá gạo thế giới tiếp tục tăng

Theo báo cáo mới đây của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, giá gạo có xu hướng tăng từ sau dịch Covid-19 đến nay, do các áp lực như chi phí vận tải, giá phân bón, lao động tăng.

Công ty chứng khoán này cho rằng ba nước đang chịu áp lực phải nhập khẩu gạo nhiều hơn phần còn lại là Trung Quốc, Philippines, Bangladesh, chiếm 16% tổng nhu cầu nhập khẩu. Bên cạnh đó, thời tiết bất lợi làm giảm dự báo sản lượng gạo 2022/2023 tại Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan. Tổng nguồn cung xuất khẩu gạo của ba nước này chiếm 49% tổng xuất khẩu của cả thế giới.

Yuanta dự báo giá gạo sẽ chịu áp lực tăng lên trong niên vụ 2022/2023 (đến giữa năm 2023). Trong đó, Việt Nam và Thái Lan là hai nước hưởng lợi chính. Tuy nhiên, Thái Lan dự kiến sẽ hưởng lợi hơn Việt Nam do đồng Baht Thái đã mất giá mạnh nhất 15 năm so với USD, tạo sức cạnh tranh về giá.

Gạo Việt gia nhập đường đua giá trị, doanh nghiệp xuất khẩu bứt tốc cuối năm?

Việt Nam tiếp tục là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất sang Singapore

Giá gạo liên tục biến động, cơ hội nào cho xuất khẩu những tháng cuối năm?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/buc-tranh-sang-mau-cho-nganh-gao-cuoi-nam-2022-152056.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Bức tranh "sáng màu" cho ngành gạo cuối năm 2022
    POWERED BY ONECMS & INTECH