Cần làm rõ quy trình cấp phép, xây dựng chung cư mini bị cháy ở Hà Nội
Vụ cháy làm nhiều người thương vong ở chung cư mini trong hẻm 29/70 Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) vào đêm qua, theo chuyên gia, cần làm rõ việc cấp phép xây dựng toà nhà bị cháy cao 9 tầng, 1 tum trên diện tích trên 200m2.
Theo tin từ phía lực lượng chức năng, chung cư mini nơi xảy ra vụ cháy nghiêm trọng có diện tích hơn 200m2 với khoảng 150 người dân sinh sống.
Chung cư cao 9 tầng, 1 tum kiểu nhà ống với 1 mặt tiền, 3 mặt giáp nhà dân. Tầng 1 để xe, 8 tầng bố trí các căn hộ để ở và một tầng tum. Mỗi tầng được thiết kế với 5 căn hộ có diện tích từ 35 - 56m2 chủ yếu là sinh viên và hộ gia đình sinh sống.
Trao đổi với PV VietNamNet, TS. Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đặt vấn đề, cần làm rõ quy trình cấp phép, xây dựng, quản lý chung cư mini trên.
“Vấn đề xây dựng, phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với công trình đều đã có quy chuẩn, tiêu chuẩn, Nghị định, Thông tư hoàn chỉnh. Ở đây là việc thực thi pháp luật. Luật được đưa vào và thực hiện như thế nào lại là vấn đề khác. Công trình nhà ống, 3 mặt giáp nhà dân trên diện tích hơn 200m2 cao đến 9 tầng như vậy thì việc cấp phép như thế nào? Ai là người cấp phép? Tôi cho rằng, cơ quan thẩm định về xây dựng, cơ quan thẩm duyệt về PCCC dựa trên quy chuẩn và tiêu chuẩn sẽ không để lọt công trình vi phạm” – ông Thịnh nói.
Nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1 cũng nêu ra một số trường hợp.
“Nếu công trình trên chưa được cấp phép nhưng người dân vẫn “liều” xây dựng thì cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương tại sao lại không biết, khi mà đến một viên gạch, một đống cát người dân đổ ra còn biết. Nếu không có giấy phép thì phải đình chỉ.
Trường hợp nữa là có giấy phép nhưng làm không đúng giấy phép thì vẫn là do địa phương, cơ quan quản lý. Tại sao có quy định, quy chuẩn… mà vẫn để xảy ra việc thương vong để từ đó quy rõ trách nhiệm” – ông Thịnh nêu ý kiến.
KTS Phạm Thanh Tùng, chuyên gia phản biện độc lập thẳng thắn chỉ ra rằng, vụ cháy chung cư mini đã cho thấy công tác cấp phép, quản lý đô thị yếu kém của cơ quan quản lý.
“Nhiều chung cư mini hiện nay là dạng biến tướng từ nhà ở riêng lẻ. Chung cư mini thường ở những khu nhỏ, ngõ ngách nên vi phạm nhiều vấn đề về điều kiện nhà ở, PCCC… Đã có nhiều khuyến cáo về việc không phát triển chung cư mini mà phải đưa chung cư mini vào kiểm soát từ thiết kế đến thẩm định nhưng vẫn có sự buông lỏng trong quản lý” – ông Tùng đánh giá.
Từ chung cư mini bị cháy, nhìn rộng ra, TS. Lê Văn Thịnh cho biết, thực tế cho thấy, những năm gần đây, loại hình chung cư mini xuất hiện tại nhiền quận, huyện trên địa bàn Hà Nội Hà Nội như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy… Các tòa chung cư mini này được xây dựng trên diện tích nhỏ, nhiều căn nằm sâu trong ngõ ngách với quy mô từ 5 - 10 tầng và xen kẽ trong các khu dân cư.
“Những chung cư mini như vậy hiện đang cho thuê rất nhiều. Công trình đưa vào khai thác sử dụng, công an PCCC, công an khu vực, cơ quan chức năng liên quan quản lý, kiểm tra, kiểm soát như thế nào? Những trường hợp không đủ điều kiện về PCCC có báo cáo, ngăn chặn đưa vào sử dụng không?” – TS. Thịnh đặt vấn đề.
Theo ông Thịnh, vấn đề cần làm hiện nay là phải yêu cầu UBND phường kiểm tra, thống kê tất cả chung cư mini cho người lao động thuê trên địa bàn thành phố. Trong đó, kiểm tra giấy phép xây dựng, điều kiện PCCC, đăng ký kinh doanh và phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Còn theo ông Tùng, chung cư mini phát triển trong giai đoạn nhu cầu nhà ở ngày càng phát triển. Giá rẻ là yếu tố cơ bản để các chung cư mini hút khách. Trong khi đó, người thu nhập thấp chưa có điều kiện mua nhà ở xã hội cũng như nguồn cung nhà ở xã hội quá hạn chế khiến chung cư mini vẫn “đắt khách” trong thời gian qua.
“Cần phải nhìn nhận vào những vấn đề thực tế trên. Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến cho người dân về những nguy hiểm, rủi ro của loại hình chung cư mini cần tăng cường việc kiểm tra từ thiết kế, xây dựng không nên phát triển chung cư mini mà nên phát triển nhà trọ cho thuê có quản lý. Cùng với đó, tăng cường xây dựng nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người thu nhập thấp tại các đô thị lớn” – ông Tùng nói.
Chung cư mini phá quy hoạch, bóp nghẹt hạ tầng
Cũng phải nói thêm rằng, những vấn đề về chung cư mini không phải là câu chuyện mới mà đã được đặt ra từ nhiều năm trước.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, trong hơn 10 năm qua, nhất là từ năm 2010, đã nở rộ tình trạng khoét lõm xây dựng chung cư mini, có nhiều tầng, nhiều căn hộ mini tại các đô thị, quận nội thành.
Từ năm 2020, Bộ Xây dựng có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường công tác thanh , kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng trên địa bàn, đặc biệt đối với việc xây dựng nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở.
Cũng trong thời gian này, HoREA đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng kiến nghị kiểm soát tình trạng phát triển tự phát chung cư mini làm phá vỡ quy hoạch, gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị và không đảm bảo an toàn PCCC.
Việc nở rộ chung cư mini vượt ngoài tầm kiểm soát, theo ông Châu nguyên nhân đầu tiên bắt nguồn từ những bất cập của các quy định pháp luật về “phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân”.
Luật Nhà ở 2014, tại Điều 46, đã cho phép hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị được phép xây dựng nhà ở có từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín, có đủ tiêu chuẩn diện tích sàn xây dựng tối thiểu mỗi căn hộ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng… thì được Nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó.
Quy định này đã tạo cơ sở pháp lý dẫn đến tình trạng phát triển loại nhà "chung cư mini", "chung cư hộp diêm", làm tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội, làm phá vỡ quy hoạch, gây trở ngại cho công tác chỉnh trang đô thị.
Ngoài ra, do những hạn chế, yếu kém trong công tác thực thi pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước, nhất là cấp cơ sở, đã có hiện tượng cán bộ chính quyền cấp cơ sở thoái hóa biến chất, tiếp tay, bao che cho các công trình chung cư mini trái phép. Sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng cũng được Bộ Xây dựng chỉ rõ khiến tình trạng chung cư mini phát triển méo mó…
Nạn nhân nặng nhất trong vụ cháy chung cư mini vẫn chưa khôi phục trí nhớ 
Nguyên nhân sâu xa vụ cháy chung cư mini khiến 56 người tử vong ở Thanh Xuân