Lộ diện 2 tỉnh sở hữu ‘kho vàng’ lớn nhất miền Bắc: Trữ lượng cực nhiều, vẫn còn ‘ngủ yên’ dưới lòng đất
Đây là 2 địa phương được xác định là sở hữu nhiều mỏ vàng nhất các tỉnh thành khu vực miền Bắc.
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố kết quả Đề án "Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỉ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc  phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế - xã hội" (gọi tắt là Đề án Tây Bắc). Sau gần 8 năm triển khai, đề án đã hoàn thiện bản đồ địa chất – khoáng sản trên diện tích hơn 13.000km2, qua đó phát hiện 110 mỏ khoáng sản với 25 loại khác nhau như đất hiếm, thiếc – wolfram, đồng, antimon, đá vôi, đá mỹ nghệ… và đặc biệt là vàng.
Trong số các mỏ khoáng sản kim loại, có tới 40 mỏ vàng với tổng tài nguyên cấp 333 ước tính gần 30 tấn vàng. Hai địa phương sở hữu số lượng mỏ vàng nhiều nhất là Tuyên Quang và Bắc Kạn, mỗi tỉnh phát hiện 8 mỏ, vượt trội so với các tỉnh khác trong vùng như Lai Châu, Lạng Sơn hay Điện Biên.

Tại Bắc Kạn , các mỏ vàng tập trung chủ yếu tại khu vực Thuần Mang – Kim Hỷ (thuộc xã Thượng Quan và Đức Vân, huyện Ngân Sơn). Các mạch khoáng hóa được phát hiện ở độ sâu tới 140m, với hai dải quặng vàng đáng chú ý là Nà Pò và Khuổi Po.
Trong khi đó, tại Tuyên Quang, các thân quặng vàng nằm sâu dọc theo hệ thống khe nứt, có nơi phát hiện dấu hiệu khoáng hóa ở độ sâu tới 500m. Đây là tiềm năng lớn chưa được khai thác hết, bởi hiện nay hoạt động khai thác vàng ở địa phương vẫn chủ yếu nhỏ lẻ, nằm trong các mỏ hỗn hợp chì - kẽm hoặc antimon.
Dù giàu tiềm năng khoáng sản, nhưng cả Tuyên Quang và Bắc Kạn đều đang đi theo định hướng phát triển bền vững, đặt ưu tiên vào bảo vệ môi trường và khai thác tài nguyên hợp lý. Tuyên Quang tập trung phát triển kinh tế rừng, nông nghiệp hữu cơ và du lịch sinh thái, với điểm nhấn là khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình và các di tích lịch sử cách mạng. Tỉnh cũng đang đẩy mạnh thu hút đầu tư hạ tầng, song luôn gắn với kiểm soát tác động môi trường.

Tương tự, Bắc Kạn định vị chiến lược phát triển kinh tế theo hướng "xanh và năng động", lấy chế biến nông - lâm sản và phát triển du lịch sinh thái làm trụ cột. Hồ Ba Bể - một trong những điểm du lịch trọng điểm quốc gia đang được địa phương định hướng phát triển gắn với bảo tồn văn hóa bản địa và sinh thái rừng. Đồng thời, Bắc Kạn cũng đầu tư vào phát triển vùng dược liệu, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp sạch và hiện đại hóa hạ tầng phục vụ đời sống dân cư nông thôn miền núi.
Từ kết quả Đề án Tây Bắc, có thể thấy rõ tiềm năng khoáng sản vàng tại hai tỉnh miền núi này là rất lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển bền vững và chuyển đổi xanh đang là xu thế tất yếu, việc khai thác khoáng sản tại Tuyên Quang và Bắc Kạn không thể tách rời khỏi các tiêu chí bảo vệ môi trường, gìn giữ sinh kế bền vững và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân địa phương. Nếu khai thác đúng hướng, khoáng sản vàng không chỉ mang lại nguồn thu ngân sách mà còn có thể trở thành nguồn lực phục vụ quá trình chuyển đổi kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, cân bằng và thân thiện với thiên nhiên.