Cảng biển lớn nhất Ba Lan 'mở đường' cho doanh nghiệp Việt tiến sâu vào thị trường châu Âu
Phía Ba Lan cho biết, cảng biển này sẵn sàng là đối tác tin cậy và cửa ngõ chiến lược để hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường châu Âu.
Tại Hội nghị giao thương Việt Nam - Ba Lan, ông Paweł Krężel, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Hàng hải và Hàng hải Nội địa thuộc Bộ Cơ sở Hạ tầng Ba Lan đã nhấn mạnh vai trò ngày càng nổi bật của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu.
"Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, đứng thứ 36 thế giới với GDP hơn 408 tỷ USD năm 2022. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Ba Lan mở rộng sự hiện diện tại thị trường đầy tiềm năng này", ông Krężel phát biểu.
Trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Ba Lan đã có những bước tiến đáng kể, thể hiện qua sự gia tăng trong kim ngạch thương mại và các khoản đầu tư song phương. Năm 2023, xuất khẩu của Ba Lan sang Việt Nam tăng gần 20% so với năm trước, trong khi Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Ba Lan tại ASEAN.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), có hiệu lực từ năm 2020, đã xóa bỏ hơn 99% thuế quan giữa hai bên, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam và Ba Lan tăng cường hợp tác thương mại. Ông Krężel cho rằng đây là thời điểm lý tưởng để các doanh nghiệp Ba Lan khám phá sâu hơn cơ hội tại thị trường Việt Nam.
Năm 2022, nhập khẩu từ Việt Nam vào Ba Lan tăng 15%, với giá trị nhập khẩu gần gấp 10 lần so với xuất khẩu của Ba Lan sang Việt Nam. Điều này cho thấy nhu cầu ngày càng tăng của Ba Lan đối với các sản phẩm và dịch vụ từ Việt Nam, đồng thời mở đường cho mối quan hệ kinh tế sâu sắc hơn giữa hai nước.
>> Ông lớn logistics Maersk đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam: Những lĩnh vực nào sẽ hưởng lợi? 
Cảng biển lớn nhất Ba Lan muốn đón nhiều công ty Việt Nam |
Bà Dorota Pyć, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cảng Gdańsk cho biết, cảng Gdańsk là cảng lớn nhất của Ba Lan và một trong những cảng phát triển nhanh nhất châu Âu. Nhờ các khoản đầu tư và hiện đại hóa, Gdańsk đã trở thành cửa ngõ quan trọng vào Trung và Đông Âu, cung cấp kết nối thuận lợi với các thị trường lớn trong khu vực.
"Chúng tôi cam kết phát triển bền vững, đầu tư vào công nghệ thân thiện với môi trường và năng lượng tái tạo để đảm bảo hiệu quả và cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu ngày càng khắt khe. Cảng Gdańsk sẵn sàng là đối tác tin cậy và cửa ngõ chiến lược để hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường châu Âu", bà Pyć chia sẻ.
Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, sự kiện này và các hoạt động của Đoàn Cảng vụ Gdańsk tại Việt Nam là bước chuẩn bị quan trọng cho kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1950-2025).
"Việt Nam và Ba Lan đều là những quốc gia có biển, do đó phát triển hạ tầng cảng biển và giao thông vận tải đường biển là yếu tố thiết yếu để thúc đẩy kinh tế và quan hệ song phương. Với bờ biển dài hơn 3.260km, Việt Nam sở hữu nhiều cảng biển lớn như Hải Phòng, Cái Mép, Cát Lái, Đà Nẵng… Trong khi đó, Cảng Gdańsk là trung tâm giao thông quốc tế quan trọng của Ba Lan, xử lý gần 17,8 triệu tấn hàng hóa mỗi năm", ông Liêm nói.
Hiện nay, một số doanh nghiệp logistics Việt Nam đã thiết lập tuyến vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Ba Lan và ngược lại, nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng hợp tác chưa được khai thác hết. Ông Liêm kỳ vọng chuyến công tác lần này sẽ mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp hai bên trong các lĩnh vực như hạ tầng cảng biển, hậu cần, vận tải, và thương mại xuất nhập khẩu.
>> Nhà máy chiếu xạ hơn 700 tỷ đồng tại Hậu Giang chính thức đi vào hoạt động