Chứng khoán

Cảng trung chuyển hơn 50.000 tỷ đồng tại cửa ngõ TP. HCM đứng trước thời khắc lịch sử

Hải Băng 15/08/2024 15:40

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các Bộ tổng hợp tài liệu cần thiết trước ngày 15/8 để họp xem xét đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư cho Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn.

Văn phòng Chính phủ vừa phát hành văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư cho Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn (cảng Cần Giờ) dựa trên Báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới gửi hồi đầu tháng 8.

Theo đó, Phó Thủ tướng sẽ chủ trì cuộc họp để xem xét đề nghị này, và yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, và Bộ Quốc phòng nghiên cứu, đưa ra ý kiến cụ thể về các nội dung đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.

Cảng trung chuyển hơn 50.000 tỷ đồng tại cửa ngõ TP. HCM sắp được chấp thuận đầu tư?
Phối cảnh cảng Cần Giờ có vốn đầu tư tối thiểu 50.000 tỷ đồng

Nhiệm vụ của các Bộ

Bộ Giao thông Vận tải cần đánh giá sự phù hợp của dự án với hệ thống cảng biển và quy hoạch liên quan, từ vị trí, quy mô, diện tích đất sử dụng, đến công suất hàng hóa theo từng giai đoạn đầu tư. Bộ cũng cần phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để thẩm định công nghệ của dự án theo quy định của Luật Chuyển giao Công nghệ. Ngoài ra, Bộ phải xem xét các vấn đề về kết nối giao thông phục vụ bến cảng và tác động của dự án đến các cảng biển trong khu vực như Cảng Cái Mép Hạ, Cái Mép - Thị Vải, và Cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần xác định rõ tác động môi trường của dự án, cũng như sự phù hợp của nhu cầu sử dụng đất với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất theo luật định.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có ý kiến về thẩm quyền, trình tự thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của dự án theo Luật Lâm nghiệp, Luật Đầu tư và các nghị định liên quan.

Bộ Ngoại giao cần đánh giá các quy định quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới, đặc biệt là tác động và ảnh hưởng của dự án đến khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật về đầu tư, môi trường, đất đai, lâm nghiệp... để xác định rõ rằng sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án có được xem là đã hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan đến môi trường, đất đai, quy hoạch hay chưa, hoặc cần hoàn thiện những gì trước khi có thể chấp thuận chủ trương. Các ý kiến của các Bộ cần được gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15/8 để tổng hợp và hoàn thiện báo cáo trình Phó Thủ tướng trước cuộc họp.

Cảng trung chuyển hơn 50.000 tỷ đồng tại cửa ngõ TP. HCM sắp được chấp thuận đầu tư?
Vị trí của dự án cảng Cần Giờ

Dựa trên các ý kiến thu thập được, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát kỹ các nội dung thẩm định theo đúng quy định pháp luật. Bộ cần khẳng định rõ việc tuân thủ các quy hoạch liên quan theo Nghị định số 31/2021 và các văn bản pháp luật liên quan, cũng như cơ sở pháp lý cho việc phê duyệt chủ trương đầu tư trong thời gian 22 năm, dự kiến hoàn thành vào năm 2045.

Ngoài ra, Bộ cần bổ sung thông tin về quy mô đầu tư, công suất hàng hóa thông qua bến cảng ở từng giai đoạn, và đảm bảo sự nhất quán trong các văn bản liên quan đến dự án. Đồng thời, Bộ cần đánh giá khả năng đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài (nếu có).

Cuối cùng, nội dung kiến nghị phải làm rõ liệu dự án đã đáp ứng đầy đủ điều kiện và cơ sở pháp lý để Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư hay chưa. UBND TP. HCM được giao nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình hoàn thiện báo cáo này.

Cảng Cần Giờ do liên danh CTCP Cảng Sài Gòn, thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - VIMC (tên cũ Vinalines - HoSE: MVN) và Terminal Investment Limited Holding S.A - TIL (thành viên của hãng tàu biển MSC) đề xuất đầu tư hồi tháng 4/2023 với tổng vốn gần 129.000 tỷ đồng (5,5 tỷ USD). Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang kiến nghị Thủ tướng phê duyệt vốn đầu tư tối thiểu 50.000 tỷ đồng.

Theo quy hoạch, dự án cảng Cần Giờ có tổng chiều dài toàn tuyến là 7,2km với quy mô 6,8km bến tàu mẹ, 1,9km bến sà lan. Tổng nhu cầu sử dụng đất bến cảng khoảng 571ha; trong đó diện tích rừng phòng hộ ven biển 93,37ha, diện tích mặt nước 477,63ha. Cảng có thể đón tàu trọng tải lên tới 250.000 DWT, tương đương 24.000 TEUs. Khoảng cách tuyến bến - biên luồng từ 340 - 393m. Công suất tối đa của cảng Cần Giờ là 16,9 triệu TEUs. Toàn dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn đầu tư, dự kiến hoàn thành vào năm 2045.

>> Đủ căn cứ để quyết định đầu tư 'siêu dự án' cảng trung chuyển hơn 50.000 tỷ đồng tại TP. HCM

Đèo Cả (HHV) trúng thêm 3 gói thầu, cổ phiếu 'ngoi' lên từ mệnh giá

Tập đoàn thép hàng đầu Trung Quốc đứng trước bờ vực phá sản, 18.000 lao động sắp mất việc

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cang-trung-chuyen-hon-50000-ty-dong-tai-cua-ngo-tp-hcm-sap-duoc-chap-thuan-dau-tu-245477.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Cảng trung chuyển hơn 50.000 tỷ đồng tại cửa ngõ TP. HCM đứng trước thời khắc lịch sử
    POWERED BY ONECMS & INTECH