Cảnh báo hiện tượng mạo danh Amazon để lừa đảo tại Việt Nam

11-03-2024 20:01|Thái Khang

Hiện có những đối tượng mạo danh Amazon để thực hiện hành vi gây tổn hại đến người tiêu dùng, bằng thủ đoạn yêu cầu các đối tác bán hàng hoặc công chúng chuyển tiền đầu tư kinh doanh.

mao danh.jpg
Thời gian gần đây xuất hiện đối tượng mạo danh doanh nghiệp lớn, các ngân hàng… để thực hiện các hành vi lừa đảo khiến không ít người bị chiếm đoạt tài sản.

Amazon vừa phát đi cảnh báo về việc có những đối tượng mạo danh Amazon để thực hiện hành vi gây tổn hại đến người tiêu dùng tại Việt Nam. Hình thức lừa đảo này nhắm đến các đối tượng là cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên Amazon. Đây là hình thức lừa đảo mới tinh vi.

Trước hiện tượng này, Amazon đã đưa ra khuyến cáo Amazon Global Selling Việt Nam không bao giờ yêu cầu các đối tác bán hàng hoặc công chúng chuyển tiền đầu tư kinh doanh hoặc thực hiện bất cứ thanh toán online vào một chương trình đầu tư nào. Amazon khẳng định mọi yêu cầu như vậy đều là hành vi lừa đảo và không liên quan đến Amazon Global Selling Việt Nam. 

“Để tránh bị lừa đảo, vui lòng chỉ liên hệ với Amazon Global Selling Việt Nam qua các kênh chính thức của chúng tôi và báo cáo các hành vi đáng ngờ này để chúng tôi có thể điều tra. Tại Việt Nam, các kênh chính thức của chúng tôi tại website: www.sell.amazon.vn”, đại diện Amazon cho hay.

>> Hàng loạt trạm BTS giả bị phát hiện, xử lý trong năm 2023

Ngoài ra, thời gian gần đây xuất hiện các đối tượng mạo danh các doanh nghiệp lớn như Điện Máy Xanh, các ngân hàng… để thực hiện hành vi lừa đảo khiến không ít người bị chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, một số đối tượng xưng là nhân viên Điện Máy Xanh gọi điện bán hàng trực tiếp, mời mua gói bảo hành, kêu gọi khách đánh giá sản phẩm… Sau đó, các đối tượng yêu cầu khách phải chuyển tiền để nhận được quà tặng và chiếm đoạt tài sản.

Đã có trường hợp cụ thể Điện Máy Xanh phát hiện đối tượng tự xưng là nhân viên của công ty chào mời khách hàng tham gia đánh giá sản phẩm để nhận tiền hoặc quà từ chương trình tri ân.

Theo Bộ TT&TT, thời gian vừa qua, một số đối tượng đã sử dụng số thuê bao cố định, di động giả mạo xưng danh là Bộ TT&TT, Công an, Viện kiểm sát, Ngân hàng, nhà mạng viễn thông… gọi điện đến số điện thoại cố định, di động của người dân. Mục đích của các đối tượng là thu thập thông tin nhằm hù dọa, lừa đảo để từ đó chiếm đoạt tài sản của người dân. Hiện tượng này đang có xu hướng ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Để phòng chống hình thức lừa đảo qua các cuộc gọi mạo danh, lãnh đạo Bộ TT&TT đã chỉ đạo Cục Viễn thông triển khai cấp tên định danh (Voice brandname) cho các số điện thoại là các số đường dây nóng của các đơn vị thuộc Bộ TT&TT; đồng thời, cấp tên định danh cho các nhà mạng viễn thông di động, cố định như VNPT, Viettel, MobiFone, FPT… Giải pháp này được đánh giá sẽ giúp người dân nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng để lừa đảo.

Bộ TT&TT cũng nêu rõ, các số điện thoại gọi đến người dân mà đối tượng xưng danh là đơn vị thuộc Bộ hay doanh nghiệp viễn thông, nhưng không hiển thị tên định danh kèm theo thì đều là các số điện thoại giả mạo, có dấu hiệu lừa đảo.

Khi nhận cuộc gọi từ các số điện thoại giả mạo, người dân cần phản ánh tới các đầu số tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo của Bộ TT&TT là 156, 5656, hoặc phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao của mình để yêu cầu xử lý.

Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho hay, hình thức mạo danh để lừa đảo cũng là hình thức phổ biến tại Việt Nam. Cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân như xây dựng và phát hành các bộ Cẩm nang về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến, Cẩm nang An toàn trực tuyến để đưa ra cảnh báo, cũng như các khuyến cáo kịp thời giúp người dân tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.

Cục An toàn thông tin cũng thực hiện các chiến dịch tuyên truyền trên diện rộng, phối hợp với đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp lớn, các cơ quan báo chí truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống lừa đảo trực tuyến cho người dân. Trong năm 2024, Cục sẽ hoàn thiện lại nội dung của các chiến dịch, có chiến lược bài bản, phù hợp với thực tiễn hơn và mang lại hiệu quả thực chất hơn.

Ngoài ra, Cục cũng xây dựng, phát triển kênh thông tin Cổng không gian mạng quốc gia (khonggianmang.vn) trên các nền tảng mạng xã hội để đưa thông tin, tuyên truyền về các vấn đề an toàn thông tin, đặc biệt là lừa đảo trực tuyến.

>> Thủ đoạn mới của tội phạm mạng

‘Rộ’ chiêu trò mạo danh doanh nghiệp lừa tuyển cộng tác viên dịp cuối năm

Năm 2024 người dân Việt thiệt hại 18.900 tỷ do lừa đảo trực tuyến, cứ 220 người dùng điện thoại thông minh thì có 1 người là nạn nhân

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/canh-bao-hien-tuong-mao-danh-amazon-de-lua-dao-tai-viet-nam-2258366.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Cảnh báo hiện tượng mạo danh Amazon để lừa đảo tại Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH