Cảnh báo nguy cơ sạt lở đất ở huyện miền núi Thừa Thiên-Huế
Huyện miền núi Nam Đông là một trong những địa phương tại tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế) thường xuyên được cảnh báo về nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét tại nhiều khu vực thôn xóm, khe suối, đường sá mỗi khi mùa mưa bão đến.
Sạt lở 'ăn' gần sát nhà dân
Hơn 20 năm sinh sống tại thôn Phú Hòa (xã Hương Phú, huyện Nam Đông, TT-Huế), anh Dương Sang và người nhà chưa bao giờ cảm thấy bất an, lo lắng về tình trạng sạt lở khe suối ngay sau lưng nhà mình như thời gian gần đây.
Tình trạng sạt lở đất đồi núi, sông suối ngày càng trở nên nghiêm trọng tại huyện miền núi Nam Đông. |
Anh Sang cho biết, cứ vào mùa mưa nước lũ đổ về cuồn cuộn và dâng cao trong nhiều giờ đồng hồ đã gây ra tình trạng sạt lở đất bờ sông, suối, đất đồi nghiêm trọng tại gần khu vực gia đình anh và nhiều hộ dân sinh sống. Mỗi năm mức độ ảnh hưởng càng nặng hơn, điểm sạt lở hiện chỉ còn cách vườn nhà dân từ 5-6 mét. Trong nhiều lần tiếp xúc cử tri, anh Sang thường nêu kiến nghị đến cơ quan chức năng về giải pháp xử lý tình trạng sạt lở đất trong thôn, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Một đoạn bờ sông tại Nam Đông đã bị nước lũ cuốn trôi. |
“Tình trạng sạt lở khe suối, đồi núi không chỉ ở thôn Phú Hòa mà xảy ra tại nhiều nơi thuộc xã Hương Phú. Do khó khăn về nguồn lực đầu tư, nên chính quyền địa phương chỉ tập trung làm kè tại một số điểm trọng yếu và đông dân cư. Để tự cứu, người dân chỉ còn cách chống sạt lở bằng việc đóng cọc tre, cọc gỗ gia cố ở các khu vực nguy hiểm, trồng tre tại những điểm sạt lở nặng”, anh Sang phản ánh.
Nhiều nhà dân nằm dưới khu vực sạt lở núi. Ảnh: PCLB Huế |
Sống trong khu vực nguy hiểm tương tự hộ anh Dương Sang, ông Đặng Thìa (trú xã Hương Lộc, huyện Nam Đông) lo lắng nạn sạt lở sẽ gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản cho người dân. “Dân chúng tôi mong được hỗ trợ làm bờ kè chống sạt lở ở khu vực nguy hiểm; di dời dân, xây dựng các khu tái định cư mới để bà con an cư mỗi khi mùa mưa bão về”, ông Thìa kiến nghị.
Chỉ có thể ứng phó trước mắt
Trao đổi với PV, ông Trần Văn Quang - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hương Phú, thông tin, tình trạng sạt lở xảy ra tại nhiều thôn của xã. Nguy cơ sạt lở trên địa bàn xã không chỉ ở khu vực khe suối, mà nguy hiểm hơn là sạt lở đồi núi. Đây là vấn đề được chính quyền xã và huyện Nam Đông đặc biệt quan tâm.
Một lãnh đạo UBND huyện Nam Đông cho biết, trên địa bàn hiện có hàng trăm hộ dân nằm trong vùng nguy cơ cao sạt lở đất phải di dời mỗi khi có mưa dài ngày. Trong đó, vùng nguy hiểm nhất là ở thôn Lập, xã Thượng Nhật, với hơn 70 hộ dân luôn đối diện với nguy hiểm sạt lở. Bên cạnh đó, hàng chục nhà dân cùng nhiều công sở, cơ quan làm việc tại tổ dân phố 2, thị trấn Khe Tre, cũng nằm trong vùng nguy cơ xảy ra sạt lở đất vào mùa mưa lũ.
Một mảng đồi bị nứt vỡ, trôi trượt xuống bên dưới cạnh khu dân cư tại xã Thượng Lộ. Ảnh: PCLB Huế |
Theo ông Nguyễn Hữu Ánh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Đông, ngoài những khu vực đặc biệt nguy hiểm kể trên, nhiều khu dân cư trên địa bàn huyện hiện nằm trong vùng nguy cơ cao sạt lở đất như ở thôn Đa Phú (xã Hương Phú); tổ dân phố 2 nằm dưới chân núi đoạn từ Trường THCS Khe Tre đến bến xe huyện; tổ dân phố 1 nằm giữa Tỉnh lộ 14B và cao tốc La Sơn - Túy Loan (thị trấn Khe Tre); thôn 1, 2 (xã Hương Lộc); các thôn La Hố, Ria Hố (xã Thượng Nhật); thôn 1, 2 (xã Hương Hữu); thôn 6, 7, 8 (xã Thượng Long)...
Khu vực nguy cơ cao sạt lở đồi núi thuộc tổ dân phố 2 thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông. |
Bên cạnh đó là tình trạng xói lở, sạt đất bờ sông, bờ suối xảy ra tại thôn 3, thôn 5 (xã Thượng Quảng); thôn 1, thôn 3, thôn 4 (xã Thượng Long); bờ sông Tả Trạch đoạn qua thôn 6 (xã Thượng Nhật), thôn 11 (xã Hương Xuân), thôn Bha Bhar (xã Hương Sơn), thôn 1, 2 (xã Hương Lộc); khe Lê No (thị trấn Khe Tre); khe Đa Phú và khe Phú Hòa (xã Hương Phú)…
Những ngôi nhà dân nằm ngay dưới chân ngọn đồi thuộc khu vực có nguy cơ cao sạt lở. |
Trước mắt, để ứng phó với tác động nguy hiểm của tình trạng sạt lở đồi núi, bờ sông, bờ suối, Phòng NN&PTNT huyện Nam Đông đã rà soát, xác định và thường xuyên cảnh báo các khu vực có nguy cơ cao sạt lở, thống kê từng hộ dân vùng ảnh hưởng để đưa ra những biện pháp bảo vệ người và tài sản.
“Tại Nam Đông hiện nay, mỗi xã đều có một ban chỉ huy và đội xung kích về phòng chống lụt bão. Khi có dự báo về lũ, bão ảnh hưởng đến địa bàn các xã, những đội xung kích này sẽ giúp dân thực hiện các phương án ứng phó, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm và xử lý kịp thời các tình huống nguy hiểm do thiên tai gây ra”, ông Ánh cho hay.
>> Kiên quyết di dời các hộ dân sống dưới đồi thông có vết nứt dài 80m 
Đề nghị truy tố 4 cán bộ trong vụ sạt lở khiến 2 người chết ở Đà Lạt 
Đề nghị truy tố 4 cán bộ ở Đà Lạt trong vụ sạt lở công trình khiến 2 người chết