Cây cầu hơn 5.000 tỷ đồng đắt nhất tuyến cao tốc Bắc - Nam nối liền hai tỉnh miền Tây, là cầu dây văng đầu tiên hoàn toàn do người Việt xây dựng
Không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển, cây cầu là công trình quan trọng để hiện thực giấc mơ hóa rồng, khát vọng vươn lên của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Cầu Mỹ Thuận 2 - cây cầu đắt nhất trên tuyến cao tốc Bắc Nam
Những ngày cuối cùng của năm 2023, người dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rất vui mừng khi cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ chính thức khánh thành, đưa vào sử dụng.
Cầu Mỹ Thuận 2 là một phần quan trọng của dự án tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam, có tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. Đây là cây cầu  có giá trị đầu từ cao nhất trong tất cả các cây cầu trên tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau, cao gần gấp đôi so với câu cầu đứng thứ hai là cầu Bình Khánh (2.800 tỷ đồng). Và đặc biệt, đây cũng là cây cầu dây văng đầu tiên hoàn toàn do người Việt thực hiện từ khâu thiết kế đến khi công.
Cầu Mỹ Thuận 2 có tổng chiều dài 6,61km (cả phần đường dẫn), bắc qua con sông Tiền. Phần chính của cầu dài hơn 1,9 km, rộng 25m, được đầu tư hoàn thiện với 6 làn xe và vận tốc thiết kế là 80 km/h. Cây cầu có hai trụ tháp chính là T15 và T16 tốn mỗi trụ 4.800 khối bê tông, 800 tấn thép, mỗi trụ cao 125,5m.
Cầu là nơi kết nối cầu cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, nối liền tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang, trục đường này là một đoạn tuyến giao thông “huyết mạch”, lưu lượng giao thông lớn nhất trong các trục quốc lộ chính trong khu vực.
Những ngày tháng "ăn cơm dương gian nói chuyện âm phủ"
Khi nhắc đến cầu Mỹ Thuận 2, nhiều người liên tưởng đến những ngày "ăn cơm dương gian, nói chuyện âm phủ" vì trong dự án này, các kỹ sư và công nhân đã phải thực hiện công việc khó khăn, bao gồm việc thi công 52 cọc khoan có đường kính 2,5m và chiều sâu lên đến 110m, là những cọc khoan nhồi dài nhất trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long hiện tại. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng cầu Mỹ Thuận 2, nhà thầu, kỹ sư và công nhân còn phải đối mặt với những khó khăn từ nguyên vật liệu, thời tiết, đến sông sâu và nước chảy xiết.
Đồng thời, cầu Mỹ Thuận 2 còn đối mặt với thách thức lớn vì đây là một công trường đặc biệt, yêu cầu kỹ sư và công nhân phải thi công trụ tháp có chiều dài hơn 120m tính từ mặt nước, giông gió lớn luôn đe dọa đến tính mạng.
Tất cả những thách thức đó đã được nhà thầu, kỹ sư và công nhân Việt Nam vượt qua từng bước, giữ đúng lời hứa đưa công trình này vào sử dụng vào năm 2023.
Tuyến đường giao thông trọng điểm không chỉ tác động mạnh mẽ đến kinh tế xã hội mà cũng là cơ hội để thúc đẩy du lịch  ở địa phương nơi tuyến đường đi qua. Nếu có cơ hội đến với hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang, đây là những địa điểm mà du khách không thể bỏ lỡ:
Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long
Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long được ví như một cổ trấn thu nhỏ tại vùng đất Tây Nam Bộ. Đây là một trong những ngôi chùa  linh thiêng, bề thế với diện tích lên đến 1,7ha. Mỗi năm, đặc biệt là các dịp lễ Tết, chùa thu hút hàng ngàn phật tử và khách thập phương đến thăm viếng và vãn cảnh.
Chợ nổi Trà Ôn Vĩnh Long
Khám phá miền Tây không thể bỏ qua trải nghiệm chợ nổi. Nằm tại cuối dòng sông Hậu trước khi hòa mình vào biển, chợ nổi Trà Ôn được thiên nhiên ưu ái với lớp phù sa màu mỡ quanh năm và cây sai trái ngọt.
Khi đến đây, du khách không chỉ có cơ hội thưởng thức không khí mua bán tấp nập của chợ mà còn được trải nghiệm những đặc trưng của miền sông nước, nơi cuộc sống của người dân đan xen với dòng nước lên xuống trên sông.
Cù lao An Bình - Vĩnh Long
Là một hòn đảo  nhỏ giữa dòng sông Cổ Chiên, Cù Lao An Bình là nguồn cung cấp trái cây và hoa quả tươi ngon đến các huyện và thành phố lớn tại Vĩnh Long. Nơi đây không chỉ có những vườn cây trái phong phú mà còn là điểm du lịch sinh thái nổi tiếng của tỉnh, với những địa điểm thu hút như nhà sàn ông Mười Đầy, chùa Tiên Châu,...
Hành trình từ Vĩnh Long đến Cù Lao An Bình bằng thuyền là một trải nghiệm độc đáo. Trong chuyến đi, bạn có thể nhìn ngắm toàn cảnh vùng đất Nam Bộ với sự hoang sơ và trù phú của sông nước.
Biển Tân Thành - Tiền Giang
Biển Tân Thành là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Tiền Giang. Tuy được gọi là biển nhưng không phải là địa điểm để tắm, là cát nhưng không phải là màu vàng óng như thông thường. Với đặc điểm kỳ lạ này, biển Tân Thành sẽ khiến du khách có một trải nghiệm du lịch độc đáo.
Nằm trong bãi biển cát đen hiếm có tại Việt Nam, biển Tân Thành khiến du khách  mê mẩn khi chạm vào cát đen êm ái chảy tràn dưới chân, thả hồn vào trong không gian biển cả mênh mông. Việc đặt chân đến đây không chỉ là một hành trình du lịch mà còn là cơ hội để tận hưởng sự độc đáo của thiên nhiên.
Chùa Vĩnh Tràng - Tiền Giang
Khi thăm Tiền Giang, đừng quên khám phá chùa Vĩnh Tràng - ngôi chùa lớn nhất tại đây. Được xây dựng vào đầu thế kỷ 19, ngôi chùa này nổi tiếng với sự hòa quyện giữa kiến trúc phương Đông và Tây, tạo nên một tác phẩm tinh tế từng đường nét chạm khắc.
Du khách đến đây sẽ trải nghiệm sự hòa quyện tuyệt vời giữa hai phong cách kiến trúc khác nhau. Bên ngoài, mái chùa uốn cong độc đáo có thể khiến người ta nhầm lẫn, tưởng như đang đặt chân vào một ngôi chùa ở nước ngoài. Tuy nhiên, khi bước vào bên trong, lối bài trí của những tượng Phật và họa tiết rồng phượng uốn lượn khắp nơi mang lại không khí của Phật giáo quen thuộc. Khuôn viên chùa hòa thơm ngát hương hoa cỏ từ những vườn sen kết hợp cùng những bóng cây đại thụ, cây cảnh được chăm sóc tỉ mỉ, tạo nên một không gian thanh lịch, khiến cho du khách cảm giác thư thái.
Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác - Tiền Giang
Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác rất rộng lớn với tổng diện tích là 50ha, trong đó có 30ha là phần ban đầu và 20ha được người dân địa phương hiến tặng thêm. Thiền viện được xây dựng với kiến trúc 4 thánh tích theo truyền thống của các thiền viện thuộc hệ phái Trúc Lâm Yên Tử.
Vào mỗi chủ nhật thứ ba của mỗi tháng, Thiền viện sẽ tổ chức sinh hoạt đạo tràng, thu hút đông đảo phật tử gần xa tới tham gia. Các hoạt động trong buổi sinh hoạt bao gồm tụng kinh, sám hối, nghe giảng pháp và ngồi thiền. Bên cạnh đó, Thiền viện còn tổ chức lễ truyền tam quy và ngũ giới cho Phật tử cứ hai tháng một lần. Ngoài ra, Thiền viện thường xuyên mở cửa đón tiếp khách từ mọi phương để họ có cơ hội tham quan và tìm hiểu về nền văn hóa tâm linh của thiền đạo.