Được biết, tổng lượng thép cần để xây dựng cây cầu này là gần 36.000 tấn, gấp khoảng 4 lần trọng lượng của tháp Eiffel.
Nhắc tới kỹ thuật xây dựng cơ sở hạ tầng nổi bật của Pháp, cầu cạn Millau là cái tên được nhớ đến ngay sau kỳ quan tháp Eiffel. Công trình kiến trúc từng phá 3 kỷ lục Guiness này được coi niềm tự hào của người Pháp và thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan.
Vắt qua thung lũng Tarn, cầu cạn Millau được ví như "dải lụa" kết nối giữa vùng cao nguyên Occitanie và cao nguyên Larzac. Công trình được thiết kế bởi hai kiến trúc sư nổi tiếng là Michel Virlogeux và Norman Foster.
Ngay sau khi hoàn thành năm 2004, cầu Millau ngay lập tức nắm giữ 3 kỷ lục thế giới: sàn cầu cạn cao nhất thế giới, cột tháp trụ cầu cao nhất thế giới và cột cao nhất thế giới.
Cụ thể, cầu bao gồm 8 nhịp bằng thép và được chống đỡ bởi 7 trụ tháp bằng bê tông với tổng chiều dài 2.460m. Chiều cao của mặt đường trên cầu so với mặt đất phía dưới là 270m, một phần là do cầu xây ở dưới đáy thung lũng. Điểm cao nhất của cầu là đỉnh cột chống dây văng cao 343m, là cấu trúc cao nhất nước Pháp, thậm chí còn cao hơn cả tháp Eiffel, tới mức cây cầu nằm uốn lượn trên những đám mây tại thung lũng Tarn, rộng 2,5km, sâu 250m.
Phải đến mãi một thời gian sau, mới có cây cầu khác vượt mặt Millau về độ cao.
Cầu được xây dựng bắc qua vùng thung lũng của sông Tarn, thung lũng sâu nhất thuộc miền Nam nước Pháp |
Nhiều người ví việc xây công trình này như thể "xây dựng 7 tòa tháp Eiffel". Tổng trọng lượng thép được sử dụng để xây dựng cầu cạn Millau là gần 36.000 tấn, gấp khoảng 4 lần trọng lượng của tháp Eiffel. Bên cạnh đó, cầu cần 200.000 tấn bê tông, đòi hỏi phải có một nhà máy bê tông ngay cạnh công trường. Tuy nhiên chi phí xây dựng cầu được đánh giá là rẻ so với quy mô, ở mức 400 triệu euro (tương đương 490 triệu USD).
Cầu Millau được xây dựng để thay cho việc phải đi vòng qua thung lũng Tarn, thung lũng sâu nhất nước Pháp và thị trấn Millau, giúp tiết kiệm 1 tiếng chạy xe trong điều kiện giao thông thuận lợi, thậm chí có thể lên tới 5 tiếng đồng hồ so với tình trạng tắc nghẽn trước đó.
Chi phí xây dựng công trình xấp xỉ 400 triệu euro |
Thách thức về kỹ thuật chưa từng có
Ít ai biết rằng, trước đó, thiết kế cầu đã có thời gian nằm trên giấy suốt 13 năm vì khó khăn về kỹ thuật và tranh cãi về mức độ khả thi. Để xây cây cầu ẩn hiện trên tầng mây, các kỹ sư đã phải vượt qua nhiều thử thách về kỹ thuật, chống lại những trận lở đất, đảm bảo đứng vững trước những trận gió mạnh với vận tốc lên tới 200km/h.
Được biết, đội ngũ kỹ thuật đã phải đối mặt với thử thách xây trụ cầu cao nhất thế giới, mặt cầu nặng 36.000 tấn, đưa 7 cột thép lên, mỗi cột nặng 700 tấn. Mỗi hạng mục đã khó, việc thực hiện trên độ cao hàng nghìn mét, đảm bảo tuổi thọ cầu lên tới 120 năm càng khó hơn.
Trong 7 trụ cầu, đáng chú ý nhất là một trụ được xây trên địa hình dốc, trụ thứ hai là trụ cao nhất băng qua sông. Trong quá trình xây dựng những trụ cầu đầu tiên, một cơn bão lớn đã gây ra lở đất, khiến 4.000m3 đá đổ sụp xuống trụ số 1.
Rất may, đất đá không ảnh hưởng tới trụ cột nhưng sự việc cho thấy nguy hiểm luôn rình rập, buộc các kỹ sư phải tìm cách gia cố.
Để xây dựng trụ cầu, các kỹ sư thực hiện đổ mỗi 200m3 bê tông trong 3 ngày, sử dụng công nghệ tia laser và định vị GPS để xác định, giám sát độ thẳng của trụ cầu. Tổng cộng sau 7 trụ cầu, các kỹ sư đã phải thay khuôn bê tông tổng hơn 250 lần.
Trong vòng hai năm, 7 trụ cầu với những trụ cao nhất thế giới đã hoàn thành, không những đúng thời hạn mà còn lập kỷ lục về thời gian, đảm bảo độ chính xác cao. Trụ cầu số 2 cao nhất thế giới chỉ có sai số 2cm.
Ông Jean Pier Martin – quản lý dự án, người chịu trách nhiệm tiến độ, đảm bảo vốn và thời gian thực hiện cây cầu cho biết, 3 năm xây dựng cầu là cuộc chạy đua với thời gian, chậm tiến độ là nguy cơ thường xuyên rình rập. "Nếu kế hoạch là 3 ngày mà chúng tôi chỉ cần chậm 1 ngày thì sẽ kéo theo chậm tiến độ từ 3 - 6 tháng", ông nói.
Bên cạnh đó, trong cả công trình đồ sộ này, ông Martin và các kỹ sư cần phải đảm bảo mọi chi tiết chính xác tới từng centimet. Chỉ 10cm sai số cho mỗi 4m cầu sẽ dẫn tới sai số khoảng 6m – tương đương chiều rộng thân một chiếc máy bay.
Đã 20 năm kể từ khi siêu công trình này được hoàn thành nhưng Millau vẫn nằm trong danh sách những cây cầu vĩ đại nhất thế giới, là địa điểm mơ ước được tới 1 lần trong đời của những người yêu kiến trúc và ưa trải nghiệm. Theo các nhà xây dựng Pháp khẳng định, cầu Millau có thể trường tồn tới ít nhất 120 năm.