Chấn động: Mỹ gấp rút cấm 1 thiết bị 'Made in China' đang được lắp đặt ở hàng tỷ ngôi nhà trên khắp thế giới
Đây sẽ là nỗ lực loại bỏ thiết bị viễn thông Trung Quốc lớn nhất kể từ khi ông Trump xóa sổ Huawei khỏi hạ tầng viễn thông Mỹ năm 2019.
Theo WSJ, các nhà lập pháp Mỹ đang xem xét nghiêm túc việc cấm lắp đặt bộ định tuyến của TP-Link, nhà sản xuất thiết bị mạng Trung Quốc chiếm 65% thị trường tại Mỹ, sau khi phát hiện nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia.
Một phân tích gần đây của Microsoft cho thấy các bộ định tuyến TP-Link đã bị một nhóm tin tặc Trung Quốc sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào các cơ quan chính phủ, tổ chức nghiên cứu và nhà cung cấp quốc phòng phương Tây.
Các bộ phận điều tra thuộc bộ Thương mại, bộ Quốc phòng và bộ Tư pháp Mỹ đang tiến hành điều tra riêng và có khả năng sẽ cấm bán sản phẩm của TP-Link tại quốc gia này trong năm tới. Một văn phòng của Bộ Thương mại Mỹ đã triệu tập đại diện công ty để làm rõ các vấn đề.
Người phát ngôn của hãng TP-Link tại Mỹ khẳng định sẵn sàng hợp tác với chính phủ để chứng minh các tiêu chuẩn bảo mật của mình. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu an ninh mạng cho rằng công ty thường không giải quyết các lỗ hổng bảo mật một cách hiệu quả.
Đáp lại, ông Liu Pengyu, người phát ngôn đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, cho rằng Mỹ đang sử dụng lý do an ninh quốc gia để "đàn áp hàng loạt các công ty Trung Quốc" và khẳng định sẽ tiếp tục bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp.
Các cuộc điều tra của chính quyền Mỹ đối với TP-Link đang gia tăng động lực sau những phát hiện mới về các nguy cơ an ninh mạng. Bà Anne Neuberger - một quan chức cấp cao tại Nhà Trắng nhấn mạnh nỗ lực "giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng viễn thông" khi bình luận về thông tin trên.
Mặc dù chưa có bằng chứng liên quan trực tiếp đến vụ tấn công của nhóm tin tặc Salt Typhoon nhằm vào tám công ty viễn thông Mỹ, TP-Link vẫn đang nằm trong tầm ngắm của các cơ quan chức năng. Nếu bị cấm, đây sẽ là đợt loại bỏ thiết bị viễn thông Trung Quốc lớn nhất kể từ khi chính quyền Mỹ thời Trump 1.0 xóa sổ Huawei khỏi hạ tầng viễn thông Mỹ năm 2019.
Đáng chú ý, TP-Link đã chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng trong thời kỳ đại dịch. Thị phần của hãng tăng vọt từ 20% lên 65% tại thị trường Mỹ, với 5% gia tăng chỉ trong quý III năm nay. Dù công ty đặt ra câu hỏi về tính xác thực của số liệu này, nhưng khó có thể phủ nhận sự bùng nổ lắp đặt của các thiết bị định tuyến TP Link tại Mỹ trong giai đoạn đại dịch COVID 19 với nhu cầu wifi khi làm việc từ xa.
Nhà sản xuất thiết bị mạng TP Link cung cấp nhiều thiết bị viễn thông gia dụng quen mặt với nhiều hộ gia đình trên toàn thế giới, cũng đã xây dựng mạng lưới ảnh hưởng đáng kinh ngạc tại Hoa Kỳ, hợp tác với hơn 300 nhà cung cấp internet để cung cấp bộ định tuyến cho các thuê bao mới.
Danh mục khách hàng của TP-Link còn bao gồm những tổ chức then chốt như NASA, Bộ Quốc phòng và Cục Quản lý Thực thi Ma túy liên bang Mỹ, với sản phẩm được bán ngay cả tại các sàn giao dịch quân sự trực tuyến.
Chiến lược thâm nhập thị trường của TP-Link chủ yếu dựa vào lợi thế giá cả. Theo số liệu thị trường, các sản phẩm của hãng thường rẻ hơn một nửa so với đối thủ, tạo sức hút mạnh mẽ cho người tiêu dùng.
Các nhà điều tra thuộc Bộ Tư pháp Mỹ  vẫn đang xác minh liệu việc bán sản phẩm với mức giá quá thấp có vi phạm luật chống độc quyền liên bang hay không. Đại diện TP-Link khẳng định công ty luôn tuân thủ pháp luật Mỹ và không bán sản phẩm dưới giá thành. Tuy nhiên, câu hỏi về tính cạnh tranh và nguy cơ an ninh mạng vẫn đang được đặt ra.
Cuộc điều tra của Bộ Thương mại do Văn phòng Công nghệ và Dịch vụ Thông tin và Truyền thông - được thành lập dưới những năm nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Trump - tiến hành.
Trước đó, văn phòng này đã cấm công ty phần mềm Nga Kaspersky, và giờ đây TP-Link đang nằm trong tầm ngắm.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định các quan chức Mỹ vẫn đang "chơi trò đập chuột chũi", với các mối đe dọa công nghệ. 
Trước những căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, TP-Link đã nỗ lực tách biệt hình ảnh khỏi Trung Quốc. Vào tháng 10, công ty thông báo sẽ đặt trụ sở mới tại California nhằm "tăng cường hiện diện tại thị trường Mỹ", theo tuyên bố từ công ty.
Tuy nhiên, hồ sơ cho thấy TP-Link gần đây đã đổi tên một số công ty con tại Trung Quốc, trong đó có những đơn vị tham gia nhiều dự án nghiên cứu và phát triển được chính phủ Trung Quốc tài trợ. Nhà đồng sáng lập Zhao Jianjun hiện giữ vai trò lãnh đạo hoạt động của TP-Link tại California và cùng anh trai Zhao Jiaxing kiểm soát toàn bộ hoạt động toàn cầu của công ty.
Năm ngoái, một phán quyết của tòa án liên bang Texas đã bác bỏ tuyên bố của TP-Link về sự tách biệt giữa các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc, gọi đó là "hoàn toàn vô lý".
Một lệnh cấm sẽ gây xáo trộn lớn trên thị trường bộ định tuyến nói riêng và thiết bị viễn thông của Mỹ nói chung, nơi TP-Link đã chiếm lĩnh gần như hoàn toàn trong những năm gần đây.
Theo WSJ
>> Trung Quốc áp lệnh trừng phạt với 13 công ty quân sự Mỹ