Chỉ 3 tháng nữa, TP có nhiều tên gọi nhất thế giới tại Việt Nam dự kiến bị xóa tên khỏi bản đồ hành chính
Thành phố sở hữu đến 17 tên gọi khác nhau tại Việt Nam - nhiều tên gọi nhất thế giới dự kiến sẽ không còn "danh xưng" thành phố sau ngày 1/7/2025.
Thủ phủ "cà phê" của Việt Nam
Sau khi Hiến pháp được sửa đổi, dự kiến 696 đơn vị hành chính cấp huyện sẽ chính thức ngừng hoạt động từ ngày 1/7/2025.
Theo đó, sẽ có 85 thành phố trực thuộc tỉnh và 2 TP thuộc TP trực thuộc Trung ương sẽ ngừng hoạt động.
Đây là nội dung đã được đề cập chi tiết trong Nghị quyết số 60 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11 khóa XIII.
Đáng nói, trong số 85 thành phố trực thuộc tỉnh dự kiến ngừng hoạt động từ ngày 1/7, có tên TP. Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk) - thành phố sở hữu đến 17 tên gọi khác nhau, nhiều tên nhất trên thế giới.
>> Sau sáp nhập, tỉnh giàu có của Việt Nam sẽ sở hữu 'siêu phường' với gần 200.000 dân

Buôn Ma Thuột – thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk – không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của vùng Tây Nguyên mà còn nổi bật với những kỷ lục độc đáo: Tên gọi dài nhất Việt Nam và sở hữu đến 17 tên gọi khác nhau, nhiều nhất thế giới.
Nằm ở độ cao trung bình 500m so với mực nước biển, Buôn Ma Thuột có vị trí chiến lược tại trung tâm vùng Tây Nguyên.
Thành phố giáp các huyện Krông Pắc, Cư Kuin, Cư Jút (Đắk Nông), Krông Ana, Cư M'gar và Buôn Đôn. Với diện tích 377,18km2, Buôn Ma Thuột là đô thị lớn nhất vùng Tây Nguyên.
Theo kết quả điều tra dân số giữa kỳ năm 2024, dân số trung bình của thành phố Buôn Ma Thuột đạt khoảng 375.590 người, với mật độ dân số khoảng 996 người/km2.
Về cơ cấu hành chính, từ ngày 1/11/2024, theo Nghị quyết số 1193/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành phố Buôn Ma Thuột đã thực hiện sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã. Cụ thể, thành phố hiện có 19 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 11 phường và 8 xã.
Buôn Ma Thuột được mệnh danh là "thủ phủ cà phê" của Việt Nam, với sản lượng và chất lượng cà phê hàng đầu cả nước.
Thành phố cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa và giáo dục của vùng Tây Nguyên, với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và cơ sở y tế quan trọng.
Tên gọi đạt nhiều kỷ lục
Không chỉ được biết đến là thành phố lớn nhất Tây Nguyên và "thủ phủ cà phê" của Việt Nam, Buôn Ma Thuột còn gây ấn tượng bởi sở hữu số lượng tên gọi đa dạng bậc nhất cả nước và trên thế giới.

Theo thống kê dân gian được lưu truyền trong cộng đồng, thành phố này có tới 17 cách gọi khác nhau – phần lớn bắt nguồn từ việc phiên âm khác nhau trong từng thời kỳ, cách viết chệch hoặc biến âm theo vùng miền, phương ngữ. Danh sách đầy đủ gồm:
1. Buôn Ma Thuột
2. Ban Mê Thuot
3. Ban Mê Thuột
4. Ban Mê Thuộc
5. Ban Mê Thuật
6. Buôn Ma Thuộc
7. Buôn Ma Thuật
8. Buôn Mê Thuột
9. Buôn Mê Thuộc
10. Buôn Mê Thuật
11. Bản Mế Thuột
12. Bản Mế Thuộc
13. Bản Mế Thuật
14. Bản Mê Thuột
15. Bản Mê Thuộc
16. Bản Mê Thuật
17. Bản Mê Tuột
Trong số đó, Buôn Ma Thuột là tên gọi chính thức và được công nhận trong tất cả văn bản hành chính hiện nay. Theo giải thích từ Cổng thông tin điện tử thành phố, tên gọi này xuất phát từ "Buôn Ama Y Thuot" – tiếng Ê Đê có nghĩa là "buôn của cha Y Thuot", trong đó Ama nghĩa là "cha", Y Thuot là tên người con trai, buôn là buôn làng.
Vị tù trưởng Y Thuot được cho là người đã lập ra buôn đầu tiên bên suối Ea Tam – buôn làng dần phát triển thành trung tâm cư trú lớn và đến đầu thế kỷ XX trở thành thủ phủ của cả vùng.
Với vai trò trung tâm vùng Tây Nguyên về kinh tế, hành chính và văn hóa, Buôn Ma Thuột được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đắk Lắk vào ngày 8/2/2010 – một dấu mốc quan trọng trong quá trình đô thị hóa của địa phương này.
Cửa ngõ các khu du lịch
Buôn Ma Thuột cũng nổi tiếng với các lễ hội truyền thống, đặc biệt là Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức định kỳ, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Nơi đây cũng sở hữu tiềm năng du lịch đặc sắc bậc nhất Tây Nguyên. Với địa hình cao nguyên đa dạng, khí hậu mát mẻ quanh năm, cùng hệ sinh thái rừng nguyên sinh phong phú, Buôn Ma Thuột là điểm đến lý tưởng cho loại hình du lịch trải nghiệm thiên nhiên và khám phá văn hóa bản địa.

Thành phố là cửa ngõ dẫn đến nhiều điểm du lịch nổi bật như: Cụm thác Dray Nur – Dray Sáp hùng vĩ, hồ Lắk thơ mộng, Buôn Đôn huyền thoại với truyền thống săn voi và văn hóa Tây Nguyên đặc trưng. Ngoài ra, bảo tàng Thế giới Cà phê – công trình kiến trúc độc đáo cũng đang trở thành biểu tượng mới thu hút khách tham quan trong và ngoài nước.
Buôn Ma Thuột còn nổi bật với lễ hội Cà phê tổ chức định kỳ 2 năm một lần, quy tụ hàng trăm doanh nghiệp và hàng chục nghìn lượt du khách, góp phần định vị thương hiệu thành phố trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế.
Theo dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, từ ngày 1/7/2025, Việt Nam sẽ thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp: cấp tỉnh và cấp xã, bỏ cấp huyện. Điều này đồng nghĩa với việc 85 thành phố trực thuộc tỉnh, trong đó có Buôn Ma Thuột, sẽ chấm dứt hoạt động hành chính cấp huyện . Mặc dù vậy, tên gọi Buôn Ma Thuột có thể vẫn được sử dụng trong các lĩnh vực văn hóa, du lịch và thương mại.
Việc chấm dứt hoạt động hành chính cấp huyện đối với Buôn Ma Thuột là một phần trong quá trình cải cách hành chính nhằm tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, với vai trò và vị thế đặc biệt của mình, Buôn Ma Thuột sẽ tiếp tục là trung tâm kinh tế, văn hóa và giáo dục quan trọng của vùng Tây Nguyên trong tương lai.
>> TP trực thuộc Trung ương nhỏ nhất Việt Nam sắp được mở rộng gấp 9 lần sẽ có 1 đặc khu sau sắp xếp