Chỉ vài giờ nữa, Phú Thọ sẽ tổ chức hội nghị về sáp nhập tỉnh với Vĩnh Phúc và Hòa Bình
Thường trực Tỉnh ủy Phú Thọ sẽ tổ chức hội nghị về sắp xếp, sáp nhập tỉnh với Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và Hòa Bình vào chiều nay 14/4.
Thông tin mới nhất trên báo Dân trí và Công Thương cho biết, Tỉnh ủy Phú Thọ mới đây đã có có giấy mời Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình cùng tham dự cuộc họp nhằm thống nhất triển khai kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Theo đó, cuộc họp sẽ diễn ra tại Văn phòng Tỉnh ủy Phú Thọ (TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).

Tham dự hội nghị gồm có: Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính của 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình.
Phú Thọ là tỉnh có diện tích tự nhiên 3.534,6km2, quy mô dân số năm 2023 khoảng 1,53 triệu người. Hiện nay, tỉnh này đang có 13 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, huyện Cẩm Khê, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông, Tân Sơn, Thanh Ba, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Yên Lập; 207 đơn vị hành chính cấp xã (180 xã, 15 phường và 12 thị trấn).

TP. Việt Trì được xem là "thủ phủ" của tỉnh Phú Thọ với 20 đơn vị hành chính (gồm 9 xã và 11 phường), tổng diện tích trên 11.000ha, dân số hơn 214.000 người.
Chiều 12/4, phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao đối với các chủ trương lớn về tổ chức lại bộ máy chính quyền địa phương.
Cụ thể, mô hình tổ chức chính quyền địa phương sẽ gồm 2 cấp: Cấp tỉnh (gồm tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (gồm xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố). Cấp huyện - vốn được xem là tầng trung gian trong hệ thống hành chính - sẽ được kết thúc hoạt động sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết sửa đổi Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi, dự kiến thông qua năm 2025).
Theo phương án được thông qua, cả nước sẽ còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, bao gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Tên gọi cũng như vị trí trung tâm hành chính - chính trị của các đơn vị này sẽ được xác định dựa trên nguyên tắc nêu trong các tờ trình và đề án trình Trung ương lần này.
Đáng chú ý, Trung ương cũng thống nhất chủ trương sau sáp nhập, số lượng đơn vị hành chính cấp xã trên toàn quốc sẽ giảm mạnh, dự kiến từ 60% đến 70% so với hiện nay. Đây là bước đi mang tính chiến lược, được kỳ vọng sẽ giúp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền địa phương trong bối cảnh mới.
>> Chỉ 3 tháng nữa, Việt Nam dự kiến sẽ 'xóa tên' 2 TP thuộc TP trực thuộc Trung ương