Chỉ vài tuần nữa, nhà ga gần 11.000 tỷ tại sân bay lớn bậc nhất Việt Nam sẽ chính thức đi vào hoạt động
Nhà ga T3 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất dự kiến sẽ về đích vào đúng dịp trọng đại của đất nước 30/4-1/5.
Nhà ga T3 sẽ được đưa vào khai thác dịp đặc biệt
Theo ghi nhận trên báo VTV.vn, trên công trường Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (Nhà ga T3), hiện đang có hơn 3.000 kỹ sư, công nhân cùng nhiều thiết bị máy móc hiện đại đang được huy động để làm việc liên tục với tinh thần "3 ca 4 kíp".
Theo đó, những công trình phụ trợ như bãi đỗ xe cao tầng, cầu cạn trước nhà ga và sân đỗ máy bay hiện đã cơ bản hoàn tất.

Hệ thống băng tải hành lý hiện đã lắp đặt hoàn chỉnh 8 băng chuyền với 6 đảo hành lý, 10 đảo hành lý đến.
Hệ thống máy soi chiếu cùng hệ thống trả khay tự động hiện cũng đang được kiểm tra để đảm bảo đủ điều kiện vận hành theo quy định.
Ngoài ra, hạng mục đường nối trực tiếp với nhà ga là đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa hiện cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến sẽ thông xe trước ngày 20/4.
Đại diện Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, nhà ga T3 sẽ được khánh thành vào dịp 30/4 tới đây.
Theo dự kiến ngày 17/4, những chuyến bay thử đầu tiên sẽ được thực hiện và đến ngày 24/4, Nhà ga T3 sẽ tiến hành khai thác những chuyến bay chính thức.
Các hạng mục quan trọng như kết cấu trúc, mái nhôm, vách kín hiện đã hoàn thành 100%, trong khi những hạng mục còn lại như lát sàn, hệ thống điện, điều hòa, phòng cháy chữa cháy... hiện đang trong quá trình kiểm định vận hành.
Vào giai đoạn cao điểm dịp lễ 30/4-1/5, Nhà ga T3 sẽ chính thức được đưa vào sử dụng, những chuyến bay nội địa của 2 hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet Air cũng sẽ được chuyển sang khai thác Nhà ga T3.
Trong khi đó, các chuyến bay nội địa của 4 hãng hàng không khác gồm: Vasco, Bamboo Airways, Vietravel Airlines, Pacific Airlines tiếp tục khai thác tại Nhà ga T1.
Nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất được khởi công từ tháng 12/2022 với tổng mức đầu tư gần 10.990 tỷ đồng, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là đơn vị chủ đầu tư dự án.
Dự án này bao gồm 4 hạng mục chính gồm nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng tích hợp dịch vụ phi hàng không, hệ thống cầu cạn trước nhà ga và khu vực sân đỗ máy bay.
Sau khi hoàn thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất được kỳ vọng sẽ giảm tải cho nhà ga hiện hữu, nâng cao chất lượng dịch vụ và đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của hành khách khu vực phía Nam.
Lộ trình di chuyển như thế nào?
Nhà ga T3 được xây dựng tách biệt hoàn toàn với hai ga hiện hữu là T1 và T2, vì vậy, phương án tổ chức giao thông cũng được điều chỉnh cho phù hợp. Thay vì di chuyển qua trục đường Trường Sơn như trước đây, các phương tiện sẽ chủ yếu lưu thông theo hai hướng chính: Đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa và đường Hoàng Hoa Thám mở rộng.

Đối với hành khách đến từ các khu vực Bình Dương, Đồng Nai và TP Thủ Đức, lộ trình thuận tiện là theo trục Phạm Văn Đồng – Bạch Đằng – Trường Sơn – đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa.
Từ trung tâm TP. HCM, hành khách có thể tiếp cận nhà ga T3 thông qua các tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Văn Trỗi – Phan Thúc Duyện – Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa.
Trong khi đó, người dân khu vực phía Tây và Tây Bắc thành phố, bao gồm các quận, huyện như Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi, có thể lựa chọn lộ trình qua đường Cộng Hòa hoặc kết hợp Hoàng Hoa Thám – Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa để đến ga T3 một cách thuận lợi.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tại TP. HCM đang là sân bay lớn nhất cả nước. Cụ thể, sân bay Tân Sơn Nhất đứng đầu cả nước về tổng diện tích khai thác (hơn 1.500 ha) và công suất hàng hóa và số lượng hành khách phục vụ mỗi năm. Tuy nhiên, sau khi sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai, đang xây dựng) hoàn thành và đi vào hoạt động, đây sẽ là sân bay lớn nhất cả nước với quy mô 5.000ha.