Chiều tối nay, thiên thể khổng lồ có khả năng xóa sổ một thành phố sẽ bay gần Trái Đất nhất trong 100 năm
Các nhà nghiên cứu hiện đang theo dõi chặt chẽ tiểu hành tinh này trong suốt quá trình bay gần Trái Đất.
Vào khoảng 7h30 sáng ngày 26/3 (tức 18h30 giờ Hà Nội), tiểu hành tinh  2014 TN17, có đường kính 165 mét, đủ lớn để xóa sổ một thành phố sẽ bay qua Trái Đất ở khoảng cách 5,1 triệu km. Khoảng cách này gấp khoảng 13 lần so với khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trăng, và là lần tiếp cận gần nhất trong gần 300 năm qua, theo mô phỏng của Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA. Dự kiến tiểu hành tinh này sẽ di chuyển với tốc độ 77.300 km/h khi tới điểm gần nhất với Trái Đất trong hơn 100 năm qua mà không gây nguy hiểm cho hành tinh của chúng ta.
Mặc dù kích thước của tiểu hành tinh này đủ lớn để có thể phá hủy một thành phố nếu va chạm với Trái Đất, các nhà nghiên cứu khẳng định rằng nguy cơ va chạm trong hiện tại và tương lai gần là gần như bằng không. NASA đã xếp 2014 TN17 vào nhóm “có khả năng gây nguy hiểm” do kích thước lớn và khoảng cách gần của nó với Trái Đất, nhưng ngay cả vậy, tiểu hành tinh này vẫn không có khả năng gây hại. Trong lần tiếp cận này, các nhà khoa học sẽ theo dõi tiểu hành tinh qua hệ thống Radar Mặt Trời Goldstone GSSR của NASA  tại California.

Hiện nay, các nhà nghiên cứu đã xác định khoảng 2.500 tiểu hành tinh có khả năng gây nguy hiểm, theo Trung tâm Hành tinh nhỏ của Liên đoàn Thiên văn học Quốc tế. Tuy nhiên, không có tiểu hành tinh nào trong số này có khả năng va chạm với Trái Đất trong tương lai gần. Dù vậy, một số thiên thể vẫn sẽ bay rất gần, chẳng hạn như tiểu hành tinh 2024 YR4 và Apophis.
Trong năm 2022, NASA đã chứng minh khả năng điều chỉnh đường bay của tiểu hành tinh nguy hiểm qua nhiệm vụ Thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh kép (DART). Tuy nhiên, phương pháp này yêu cầu phải có cảnh báo trước và thu thập nhiều dữ liệu về tiểu hành tinh mục tiêu. Vì vậy, việc phát hiện và theo dõi các thiên thể nguy hiểm vẫn là một ưu tiên quan trọng của giới nghiên cứu thiên văn .
Theo: Live Science